Nỗ lực giữ đà tăng xuất khẩu
Những tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp Việt Nam đối mặt với không ít khó khăn, đơn hàng sụt giảm, giá hàng hóa xuất khẩu giảm... Vì vậy, chuyển đổi sản xuất xanh, khai thác thị trường mới, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) là giải pháp để duy trì đà tăng trưởng xuất khẩu.
- 02-04-2023Doanh nghiệp nhỏ và vừa đang được ‘cấp cứu’ ra sao?
- 02-04-2023Thanh Hóa: Khởi công Dự án Khu GAS & LNG gần 4.000 tỷ đồng
- 02-04-2023Bộ trưởng GTVT: Tiền có sẵn, phải tập trung đẩy tiến độ dự án giao thông lớn
Tận dụng cơ hội từ FTA
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đứng trước khó khăn thay vì tập trung thị trường truyền thống thì doanh nghiệp nên khai thác các thị trường mới, thị trường ngách... để có đơn hàng sản xuất mới. Đặc biệt là cần khai thác những thị trường mà Việt Nam ký kết các FTA có hiệu lực để tận dụng ưu đãi về thuế quan.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho rằng, để vượt qua khó khăn, bản thân các doanh nghiệp cần đa dạng hoá từ nguồn cung cho đến thị trường xuất khẩu. Hệ thống thương vụ Việt Nam tại nước ngoài nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các đối tác xuất khẩu nguyên phụ liệu trong khối thị trường có FTA.
Để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ các quốc gia xuất khẩu, ông Thân Đức Việt cho biết, May 10 đã chủ động thay đổi. “May 10 xác định sẽ là nhà sản xuất xanh, tập trung rất nhiều về tỷ trọng tăng trưởng sử dụng sản phẩm mang tính xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất để rút ngắn công đoạn, chi phí nguyên vật liệu, thời gian cho ra sản phẩm”.
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho hay, áp lực lạm phát và sức mua các nước lớn giảm... khiến các doanh nghiệp càng phải nỗ lực gia tăng tận dụng cơ hội từ FTA trong việc đa dạng hóa thị trường và tìm thị trường mới.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển đổi phương thức sản xuất, thúc đẩy quản trị số, giải pháp tự chủ chuỗi cung ứng trong nước, đa dạng mặt hàng... để giúp Việt Nam xuất khẩu được sang 66 nước, vùng lãnh thổ. Đặc biệt, các chương trình phát triển bền vững và kinh tế tuần hoàn doanh nghiệp Việt Nam đã giúp giữ ổn định, phát triển, đồng thời thu hút các nhãn hàng chọn Việt Nam làm đối tác.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ đã và đang liên tục tổ chức các hội nghị xúc tiến thương mại hàng tháng để cung cấp các thông tin thị trường và tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bộ tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò của các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong để phản ánh kịp thời những biến động của kinh tế thế giới và các chủ trương, chính sách mới của các nước sở tại, giúp các cơ quan nhà nước có những phản ứng chính sách kịp thời, định hướng sản xuất trong nước, giúp các doanh nghiệp xây dựng, điều chỉnh chiến lược sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện của các thị trường ngoài nước.
Đặc biệt, Bộ Công Thương cũng sẽ nâng cao năng lực công tác phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm nguy cơ các vụ kiện, tranh chấp thương mại, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp Việt trong thương mại quốc tế.
Chủ động đưa sản phẩm tiếp cận thị trường mới
Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương về tình hình xuất khẩu thời gian tới.
Ông đánh giá như thế nào về tình hình xuất khẩu thời gian tới, thưa ông?
Khó khăn của chúng ta, và của nhiều nền kinh tế trên thế giới là chưa biết khi nào cuộc chiến ở Ukraine sẽ chấm dứt. Do vậy, tình trạng suy thoái dự báo sẽ còn kéo dài, mặc dù có dấu hiệu phục hồi chậm. Các nước phát triển ngày càng quan tâm đến các vấn đề an toàn cho người tiêu dùng, phát triển bền vững, chống biến đổi khí hậu, do vậy đề ra những tiêu chuẩn mới, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu sạch, lao động, môi trường đối với các sản phẩm nhập khẩu. Một số quốc gia dự định đưa ra thêm các quy định cho hàng hóa nhập khẩu như đánh thuế carbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế đối với hàng nhập khẩu...
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là một thuận lợi cho chúng ta đẩy mạnh xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông sản. Nhưng chúng ta cũng sẽ gặp phải sự cạnh tranh của các nước xuất khẩu khác vào thị trường này. Ngoài ra, ở trong nước sức mua vẫn hồi phục chậm, sản xuất vẫn sẽ khó khăn do thiếu hụt đơn hàng. Việc tiếp cận vốn và chi phí đầu vào nguyên vật liệu vẫn ở mức cao. Thị trường thế giới suy giảm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều ngành sản xuất có liên quan như thép, vật liệu xây dựng, cơ khí...
Thuận lợi là chúng ta vẫn đảm bảo được năng lực sản xuất, ngoài ra còn thu hút được thêm vốn đầu tư nước ngoài để gia tăng mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ. Khi thị trường thế giới hồi phục, chúng ta có đủ hàng để có thể đẩy mạnh xuất khẩu được ngay.
Vậy ông có lời khuyên nào dành cho doanh nghiệp hiện nay?
Doanh nghiệp thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn, bất ổn. Nhưng giai đoạn hiện nay có thể nói là một giai đoạn rất đặc biệt, khi các khó khăn dồn dập, từ tác động đứt gãy chuỗi cung ứng do dịch COVID-19 cho đến suy thoái, lạm phát do xung đột quân sự.
Các doanh nghiệp cần duy trì quản trị tốt, trong giai đoạn này, rà soát, tái cơ cấu, áp dụng công nghệ để cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm. Mặt khác, đẩy mạnh khai thác những thị trường có FTA và tìm kiếm những thị trường mới, tránh bị rủi ro do phụ thuộc quá nhiều vào một số thị trường nhất định. Đặc biệt cần khai thác những thị trường mà Việt Nam ký kết các FTA có hiệu lực để tận dụng ưu đãi thuế quan.
Một kết quả nghiên cứu cũng đã chỉ ra, kết quả tận dụng FTA đang rất tốt nhưng tính chủ động của doanh nghiệp của Việt Nam chưa cao trong việc đưa sản phẩm tiếp cận đối tác ở các thị trường, đặc biệt là những thị trường mới.
Doanh nghiệp phải tự điều chỉnh kế hoạch sản xuất để kịp thời thích nghi, đồng thời tham gia hiệu quả, bền vững vào chuỗi cung ứng; nỗ lực xanh hóa sản xuất cũng như thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường..., thay đổi tư duy và quen dần với các quy định và luật lệ quốc tế trong thương mại, đầu tư...
Trân trọng cảm ơn ông!
Báo tin tức