Nỗ lực ‘quyến rũ’ người tiêu dùng trẻ của các ngân hàng hàng đầu Việt Nam
Đang có một sự chạy đua thú vị của các ngân hàng hàng đầu Việt Nam trong việc thu hút người dùng trẻ. SCB có thẻ thanh toán quốc tế BeYOU được thiết kế theo cung hoàng đạo của người dùng, tài khoản VIB Digi cho phép người dùng chọn số tài khoản theo ngày sinh/số điện thoại riêng, VPBank kết hợp Be để tạo ra ngân hàng số Cake và Techcombank vừa ra mắt Aspire.
Ngân hàng là một ngành khá đặc thù, bởi sản phẩm - dịch vụ liên quan trực tiếp đến tiền, do đó bất cứ hoạt động nào trong lĩnh vực này đều yêu cầu sự thận trọng cực kỳ cao, từ bảo mật – dịch vụ - chuyển đổi số… Tuy nhiên, xã hội vẫn luôn vận động, người tiêu dùng thế hệ 8x, 9x và 10x có những yêu cầu và mong ước khác thế hệ 5x, 6x và 7x. Ngành ngân hàng dù thận trọng tới đâu cũng phải thay đổi để bắt kịp các nhu cầu của thế hệ người dùng mới.
Trước thực tế đó, vài năm trở lại đây, đã có rất nhiều ngân hàng lớn nhỏ tại Việt Nam đã tung ra những dịch vụ/thương hiệu mới để phục vụ đối tượng khách hàng trẻ mới ngày càng đông đảo của mình.
Mới nhất, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa ra mắt Techcombank Aspire, thương hiệu tài chính đầu tiên dành riêng cho thế hệ khách hàng trẻ - thế hệ từ 25 đến 40 tuổi.
Ông Darren Buckley - Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ Techcombank, cho rằng, sở dĩ Techcombank ra mắt sản phẩm này, bởi phân khúc khách hàng nói trên ngày càng lớn và họ cần những thứ mới hơn thế hệ cũ.
Theo Báo cáo Tương lai châu Á – Diện mạo mới của người tiêu dùng Việt từ McKinsey, năm 2030, tầng lớp trung lưu của Việt Nam sẽ tăng khá nhanh thêm 37 triệu người. Động lực chính của những làn sóng ấy chính là tầng lớp trung lưu trẻ ở độ tuổi 25 đến 36. Đây là nhóm nằm ngay trung tâm của động lực kinh tế và họ đang thay đổi mạnh mẽ.
Ngoài ra, theo Báo cáo 'Điều gì tiếp theo sẽ xảy ra tại Đông Nam Á' của Nielsen năm 2019, thì người tiêu dùng Việt Nam vừa lạc quan và giàu hoài bão nhất khu vực Đông Nam Á, họ luôn biết biến thách thức thành động lực, để làm chủ ngọn sóng.
Techcombank đặt cái tên mới - thế hệ ‘Why not? – Tại sao không?", dành cho thế hệ người dùng trẻ Việt Nam từ 25 đến 40 tuổi, những người được đánh giá là thường khá cởi mở, tự chủ và tự do trải nghiệm, mỗi người thích chọn cho mình một cá tính và màu sắc riêng.
Ông Darren Buckley - Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ Techcombank
Ông Darren Buckley bày tỏ: "Chúng tôi luôn nỗ lực để tiên phong về trải nghiệm ngân hàng đơn giản, trực quan với các tính năng giúp khách hàng chủ động quản lý, phát triển tài sản dễ dàng, liền mạch.
Techcombank Aspire được thiết kế riêng để đáp ứng mong muốn của người dùng với bất cứ nhu cầu nào, ở bất cứ giai đoạn nào. Điều chúng tôi tư vấn cho các bạn trẻ không phải là ‘làm như thế này bạn sẽ tiết kiệm được nhiều tiền hơn’, mà là chỉ dẫn giải pháp hiệu quả nhất theo nhu cầu và mong muốn cá nhân của họ".
Vậy Techcombank Aspire khác biệt so với thẻ Techcombank và các loại hình dịch vụ ngân hàng bình thường khác trước đây như thế nào?
Đầu tiên, với Techcombank Aspire, người dùng có thể tự do thể hiện cá tính riêng chứ không phải tới đăng ký rồi ngân hàng "đưa gì lấy đó": mở tài khoản số đẹp hoàn toàn miễn phí, lựa chọn thiết kế độc đáo của thẻ thanh toán, lựa chọn thẻ tín dụng phù hợp với mọi nhu cầu chi tiêu…
Thứ hai, tối đa hóa giá trị: người dùng được miễn phí quản lý tài khoản, miễn phí giao dịch tại quầy, miễn phí thường niên phí phát hành thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng,... trọn đời hội viên. Tận hưởng hoàn tiền linh hoạt và không giới hạn có thể lên đến 2% theo thực tế chi tiêu.
Thứ ba, tối ưu nguồn lực tài chính: người dùng có thể hoạch định chi tiêu, tiết kiệm dễ dàng theo mục tiêu; cơ hội gia tăng tài với những sản phẩm đầu tư đa dạng như quỹ mở, trái phiếu… từ đối tác chứng khoán TCBS; có đội ngũ tư vấn tài chính cá nhân chuyên nghiệp hỗ trợ…
Để có thể mở tài khoản Techcombank Aspire, điều kiện là người dùng phải biến Techcombank thành ngân hàng chính của mình, số dư trong tài khoản sau 3 tháng đạt từ 200 triệu hoặc tổng tài sản (kể cả khoản vay) từ 250 triệu. Vậy nên, app Techcombank Aspire vừa giống một công cụ quản lý tài chính, vừa giống một tài khoản ngân hàng đặc thù.
Tuy nhiên, mục tiêu cao nhất của Techcombank khi ra mắt Techcombank Aspire vẫn là khuyến khích người tiêu dùng quản lý tài chính và sử dụng các giải pháp tài chính thích hợp hiệu quả – từ đầu tư cho đến vay nợ, để có thể thực hiện các mục tiêu quan trọng trong cuộc đời như lập gia đình – mua nhà – mua xe – sinh con…. một cách chủ động.
Trước Techcombank đã có kha khá ngân hàng tại Việt Nam ra mắt tài khoản/thương hiệu/dịch vụ dành cho giới trẻ, tiêu biểu là VPBank.
Cake by VPBank ra đời từ tháng 01/2022 thông qua hợp tác chiến lược giữa Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Công ty TNHH Be Financial, một thành viên trong hệ sinh thái Be Group. Dải sản phẩm của Cake dành cho khách hàng cá nhân khá đa dạng, từ mở tài khoản thanh toán, phát hành thẻ cho đến tiết kiệm, vay tiêu dùng và cả đầu tư.
Hướng đến phân khúc micro finance (tài chính vi mô), Cake cho phép người dùng giao dịch chuyển khoản, đầu tư… với số tiền nhỏ từ 10.000đ và có thể mở sổ tiết kiệm chỉ từ 100.000đ.
Điểm nổi bật của Cake là các dịch vụ được phục vụ miễn phí 100% trên môi trường số. Khách hàng có thể mở tài khoản ngân hàng chỉ trong 2 phút hoàn toàn trực tuyến, đồng thời được phát hành thẻ thanh toán quốc tế MasterCard tận nhà. Theo đó, Cake phần nào xóa bỏ mọi rào cản về thời gian, không gian, chi phí dịch vụ… trong giao dịch ngân hàng.
Sau hơn 19 tháng ra mắt, Cake được người dùng biết đến rộng rãi nhờ các sản phẩm sáng tạo như Cake Super - gói tài khoản tự động sinh lời đến 3,6%/năm; sản phẩm đầu tư kết hợp cùng Quỹ Dragon Capital; gói vay tín dụng dành cho các tài xế công nghệ; hay sản phẩm vay ứng lương hợp tác cùng nhà mạng VNPT…
Theo thống kể vào giữa tháng 8/2022, Cake by VPBank xử lý 21 triệu giao dịch (trung bình 1,75 triệu giao dịch/mỗi tháng), với tổng giá trị giao dịch hơn 28.000 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD). Phân khúc chính của Cake là nhóm người dùng Gen Z và Millennials (từ 18 đến 40 tuổi).
Sau 19 tháng ra mắt, CAKE đã cán mốc 2 triệu người dùng. Đây là ngân hàng số đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam đạt được con số này.
Vào tháng 11/2020, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) cũng đã ra mắt tài khoản ngân hàng số với rất nhiều ưu đãi độc đáo dành cho giới trẻ Việt.
Mới nhất, đại diện ngân hàng cho biết: sau Covid-19, ngân hàng số trở thành một trong những xu hướng tất yếu. Để giữ chân người dùng, nhà băng nỗ lực tăng tiện ích trong trải nghiệm. Điều này thể hiện qua ba yếu tố: speed (tốc độ), simplicity (đơn giản) và empathy (đồng cảm với khách hàng).
Khách hàng, đặc biệt là thế hệ Millennial và Gen Z ngày càng ít kiên nhẫn. Họ kỳ vọng tốc độ dịch vụ giống như khi gọi xe, đồ ăn trên ứng dụng hay sàn thương mại điện tử. Tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), khách hàng lần đầu sử dụng dịch vụ chỉ cần thực hiện định danh điện tử sẽ sở hữu ba sản phẩm: tài khoản thanh toán Digi, ngân hàng số MyVIB 2.0 và thẻ thanh toán toàn cầu iCard.
Bộ sản phẩm nói trên được VIB cung cấp hoàn toàn qua ứng dụng. Sau khi hoàn tất quy trình định danh điện tử, khách hàng có thể giao dịch ngay với tài khoản Digi hạn mức lên tới 100 triệu đồng mỗi tháng và thực hiện chuyển tiền, nạp tiền, thanh toán hóa đơn trên ứng dụng. Nhu cầu chi tiêu không tiền mặt đáp ứng qua việc mở thẻ thanh toán toàn cầu iCard với hình thức thẻ ảo (virtual card) sử dụng ngay hoặc phát hành thẻ vật lý.
Về ‘yếu tố đồng cảm với khách hàng’, VIB nhận được đánh giá cao với tính năng giao dịch giọng nói MyVIB 2.0 hay tính năng bảo hiểm sức khỏe VIB Care.
Ví dụ, với những tín đồ mua sắm hay những người hay phải di chuyển, việc dừng lại vài phút trên đường để nhập thông tin khi có nhu cầu chuyển khoản hay nạp tiền đôi khi gây bất tiện.
VIB đã phát triển tính năng giao dịch bằng giọng nói trên MyVIB 2.0. Thay vì nhập thông tin bằng phím bấm trên màn hình điện thoại, người dùng chỉ cần đọc câu lệnh để thực hiện chuyển khoản, nạp tiền dịch vụ hay mở, khóa thẻ. Tính năng phát hành bảo hiểm sức khỏe VIB Care giúp người dùng chỉ mất vài phút chọn và điền thông tin mà không cần thủ tục giấy tờ rườm rà khi cần mua bảo hiểm sức khỏe.
Nhịp sống kinh tế