Nồi cơm điện tách đường: Chỉ là chiêu trò quảng cáo
Hiện nay trên thị trường khá phổ biên dòng nồi cơm điện có tên gọi là "nồi cơm điện tách đường" dành cho người bị bệnh tiểu đường.
Nồi cơm điện tách đường được quảng cáo là một loại nồi cơm điện điện tử (các loại nồi điều khiển cơ không thể làm được điều này) là một sáng chế vì loại nồi này có khả năng loại bỏ lượng đường thừa tự động ra khỏi gạo nhằm giúp giảm lượng đường tiêu thụ cho người bị tiểu đường, tim mạch, béo phì,... Loại nồi này giúp hạ đường huyết với người bị tiểu đường, phòng ngừa các bệnh về béo phì, tim mạch, tai biến do các tinh bột xấu trong gạo gây ra.
Ở một nhiệt độ nhất định - được gọi là nhiệt độ "dẻo", nơi quá trình "dẻo hóa" của gạo bắt đầu xuất hiện - các phân tử tinh bột nhanh bắt đầu bị đẩy ra khỏi gạo và hòa vào trong nước, trong khi tinh bột chậm và các chất dinh dưỡng khác vẫn ở lại. Nồi cơm điện tách đường sẽ tìm cách tách và loại bỏ tinh bột nhanh, giữ lại tinh bột chậm.
Hình ảnh quảng cáo nồi cơm điện tách đường.
Theo giới thiệu của nhà sản xuất, sau khi gia nhiệt đến nhiệt độ thích hợp, nồi cơm điện sẽ dựa trên các thông số cài đặt sẵn để kiểm soát cũng như duy trì nhiệt độ trong nồi để khiến cho hàm lượng Amylopectin (hàm lượng chính có trong tinh bột hấp thụ nhanh) tự phân tách ra khỏi hạt gạo và hòa tan vào nước, trong khi vẫn duy trì hàm lượng Amylose (hàm lượng chính có trong tinh bột hấp thụ chậm) giữ trong gạo.
Hiện nay, nồi cơm điện tách đường được bán với mức giá khá cao so với nồi cơm điện thông thường, thậm chí cao hơn các loại nồi cơm điện tử, nồi cơm điện cao tần, dao động trong khoảng từ hơn 5 triệu – 10 triệu đồng/chiếc.
Theo TS. Từ Ngữ – Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam, đối với người bi bệnh tiểu đường được khuyên không dùng đường đơn, hạn chế ăn carbohydrate, thậm chí có lời khuyên ăn chế độ low carb ...
Tuy nhiên, về khoa học dinh dưỡng khuyên những người bị tiểu đường nên ăn cân đối giữa các chất sinh nhiệt (đạm, đường, béo). Trong một số bệnh lý người ta khuyên hạn chế ăn cái này hay cái kia chứ không ai khuyên kiêng ăn chất này hay chất nọ vì mỗi chất dinh dưỡng đều có vai trò nhất định của nó đối với cơ thể.
Nếu ăn kiêng đường, các nghiên cứu chỉ ra rằng chế độ ăn low carb hay high cab ( khi tổng lượng carbohydrate <40% hay >70% tổng năng lượng ) đều gia tăng nguy cơ tử vong hơn nhóm chế độ ăn bình thường.
Khi nấu cơm thì nước cơm vẫn được cho là bổ dưỡng. Còn với nồi cơm điện tách đường, TS Ngữ cho biết cái nồi này không có bộ phận làm chuyển hóa đường có trong gạo sang chất khác.
Khi nấu giả sử do bốc hơi hay “rút nước đáy" thì cơm nấu bằng nồi này mất đường thì mất cả chất dinh dưỡng khác nên cơm này cũng không còn giá trị dinh dưỡng.
Cùng quan điểm, bác sĩ Nguyễn Huy Cường – nguyên bác sĩ Nội tiết, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho biết nồi cơm điện tách đường chỉ là chiêu trò quảng cáo còn giá trị thật thì không hề có.
Theo bác sĩ Cường bất cứ ai cũng cần ăn đủ chế độ dinh dưỡng đường, đạm, chất béo và vitamine. Nếu những người bị tăng đường huyết cần giảm lượng đường thì không cần nồi cơm điện tách đường chỉ cần giảm ½ khẩu phần tinh bột hàng ngày thay bằng rau, củ và trái cây còn tốt hơn.
Vietnamnet