MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nỗi thống khổ của 1% dân số siêu giàu trên thế giới mùa dịch: Căng thẳng vì những lý do hết sức lạ lùng, chi bao nhiêu tiền cũng không hết stress

08-05-2020 - 16:00 PM | Sống

Để giải quyết những rắc rối mà người giàu gặp phải mùa dịch, các chuyên gia tâm lý không chỉ rất nhẫn nhịn mà còn phải tự chăm sóc bản thân mình nhiều hơn.

Tiền cũng không thể làm người giàu bớt stress

Kiểu tóc đó có giá 2.000 USD - ít nhất là theo lời kể của một trong những bệnh nhân của nhà tâm lý thần kinh Judy Ho. Người phụ nữ này không khỏi bồn chồn khi phải nghe đàm tiếu về kiểu tóc của mình từ những người xung quanh trong phòng khám tư. 

“Vì quá giàu có, một số khách hàng của tôi luôn nghĩ mình là kẻ bất bại suốt thời gian qua, nhưng giờ thì họ chỉ thấy bất lực”, bác sĩ Ho - giáo sư tại ĐH Pepperdine - cho biết. “Làm sao để lấy lại quyền lực? Chi một đống tiền không tưởng để làm tóc”.

Những khách hàng khác của bác sĩ Hồ lựa chọn chuyển đến một trung tâm điều trị nội trú để chữa bệnh, nhưng rồi chính họ lại bực dọc khi phải xa người thân và tuân thủ những quy định nghiêm ngặt tại đây. “Họ nói: ‘Tôi bỏ ra 90.000/tháng để ở đây, nhưng lại không thể ra ngoài đi dạo sao?”

Không phải ai cũng đủ mạnh mẽ để đương đầu với Covid-19, vậy nên chẳng có gì lạ khi lượng khách hàng tìm đến những người như bác sĩ Ho để xin tư vấn ngày càng tăng cao. Chưa kể, giới nhà giàu lại có nỗi khổ tâm riêng, buộc các bác sĩ phải “vắt óc” tìm cách xử lý và điều trị cho họ.

Nỗi thống khổ của 1% dân số siêu giàu trên thế giới mùa dịch: Căng thẳng vì những lý do hết sức lạ lùng, chi bao nhiêu tiền cũng không hết stress - Ảnh 1.

Theo Ginger Poag - một bác sĩ trị liệu hay làm việc với các ngôi sao nhạc đồng quê, khách hàng của cô bị stress vì không thể kiếm tiền từ các tour diễn nhưng vẫn phải đảm bảo chăm sóc cho cha mẹ đầy đủ. Tuy nhiên, với những người giàu tới mức sở hữu vài căn nhà, họ giải tỏa bằng cách luân phiên thay đổi chỗ ở bằng chuyên cơ riêng.

“Họ sẽ chờ khoảng 3 ngày để nhân viên tới đó lau dọn, mua thực phẩm, làm việc nhà. Khi không còn ai tới nữa, lúc đó họ mới chuyển sang”, Poag nói. “Khi thấy chán, họ sẽ bắt nhân viên đi tìm một địa điểm mới để ở và tiếp tục lặp lại chu trình".

Khách hàng của bác sĩ Sanam Hafeez lại lo lắng về chuyện nhà cửa. “Có người phát điên vì không thể thuê được một căn hộ ‘tuyệt vời’ ở Hamptons, do bất động sản ở đây đã bị đẩy giá lên cao sau khi giới nhà giàu ùn ùn kéo đến tránh dịch. Bà ấy sợ rằng căn nhà mà vợ chồng mình thuê được quá khiêm tốn để khoe với bạn bè”, Hafeez kể lại.

Một bệnh nhân khác lại băn khoăn về ngoại hình. “Cô ấy bị ám ảnh với chuyện tăng cân trong thời gian cách ly nhưng lại không thể mời huấn luyện viên tới tập 5 buổi/tuần như trước. Cô thực sự hoảng loạn vì thân hình chưa đủ đẹp để mặc bikini vào mùa hè.”

Không phải chỉ mỗi người giàu mới gặp những rắc rối này, nhưng mấu chốt nằm ở độ "bình thường" của vấn đề. Trong khi giới thượng lưu coi những vấn đề trên là ưu tiên số 1 của mình, những người khác chỉ xem đây là vấn đề phụ, bởi họ bận tâm hơn tới việc không có lương để trang trải cuộc sống.

Tiền bạc giúp người giàu dễ dàng vượt qua thời điểm khó khăn này hơn, nhưng không ngăn họ khỏi bi kịch. Một khách hàng của nhà trị liệu Darby Fox đang phải chịu chấn thương tâm lý sau khi một doanh nhân 60 tuổi có tiếng tại phố Wall tự sát vì thua lỗ.

Nỗi thống khổ của 1% dân số siêu giàu trên thế giới mùa dịch: Căng thẳng vì những lý do hết sức lạ lùng, chi bao nhiêu tiền cũng không hết stress - Ảnh 2.

“Nếu nghĩ mình là một người toàn năng vì có trong tay tiền bạc và quyền lực, bạn sẽ không thể chịu đựng nổi nếu mất chúng. Chấm dứt tất cả là giải pháp duy nhất - đó là tâm lý ‘được ăn cả ngã về không’, Fox nói.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, doanh thu của Fox đã tăng hẳn 1/3. Cô cũng chứng kiến nhiều cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc chia sẻ không gian chung và cuộc sống. “Đối với giới thượng lưu, chuyện sống xa nhau là hết sức bình thường. Thời điểm duy nhất họ xuất hiện cùng nhau là tại các bữa tiệc xã giao. Vậy mà đột nhiên, họ buộc phải ở chung dưới một mái nhà và không thể ra ngoài để thỏa mãn nhu cầu.”

“Ngôi nhà rộng bao nhiêu cũng không quan trọng, chỉ có vợ chồng bạn sống với nhau”, Fox nhắc lại lời của một khách hàng. Người đàn ông này làm việc ở Manhattan nên sẽ sống luôn ở đây những ngày trong tuần, còn vợ anh ta ở lại căn biệt thự chính tại Long Island. Giờ đây, họ buộc phải sống cùng nhau và điều này khiến họ căng thẳng. “Anh ấy cảm thấy mình nên là ưu tiên hàng đầu của vợ. Họ không thể bình yên trong chốc lát. Thay vì ăn tối, họ lại ngồi cãi nhau gay gắt.”

Chuyên gia tâm lý cũng cần phải nghỉ ngơi

Dù lượng khách hàng ngày càng tăng, Fox vẫn cố dành thời gian để thư giãn một chút. Con cái cô đã trở về nhà tránh dịch, vì thế, họ cùng nhau tập yoga hoặc nấu ăn như một gia đình. Trong thời gian này, cô đặt câu hỏi cho chính mình và khách hàng: “Làm thế nào để tìm thấy niềm vui?” Đối với Fox, câu trả lời thật ra rất đơn giản: “Tôi nằm trên giường và đọc sách. Ai cũng muốn tỏ ra có ích trong thời điểm này, nhưng điều quan trọng nhất là tìm ra cái gì mới khiến bạn cảm thấy có ích.” Ngừng một chút, cô nói tiếp: “Đôi khi nghỉ ngơi một chút cũng không sao”.

Bác sĩ Ho cũng đồng tình với những điều Fox nói. Phải tiếp xúc quá nhiều với khách hàng thượng lưu và mớ rắc rối của họ khiến cô phải đặt lại giới hạn cho bản thân, kể cả khi tư vấn trực tuyến. Từ lâu, bác sĩ Ho đã yêu cầu khách hàng - những người thường xuyên “khủng bố tin nhắn” cô - phân loại vấn đề của họ thành hai nhóm: A - thực sự khẩn cấp và B - ít khẩn cấp hơn.

Gần đây, một khách hàng nam đang làm CEO cho tập đoàn lớn đã nhầm cô với các trợ lý của mình. Người này nói rằng ông sẽ trả gấp đôi lương nếu cô ưu tiên mọi tin nhắn và email mà ông gửi tới. Đến lúc này, bác sĩ Ho buộc phải cảnh báo: Cô sẽ để ông làm việc với một chuyên gia khác, trừ khi ông tuân thủ các quy định cô đã đề ra.

Nỗi thống khổ của 1% dân số siêu giàu trên thế giới mùa dịch: Căng thẳng vì những lý do hết sức lạ lùng, chi bao nhiêu tiền cũng không hết stress - Ảnh 4.

“Tôi đã giới thiệu bệnh nhân vài lần, nhưng chưa có ai buộc tôi phải làm tới mức như vậy”, cô nói.

Còn Poag cho biết, mùa dịch này cô bận hơn 20% so với thường ngày. Giờ đây, Poag phải tập thiền mỗi ngày thay vì 3 buổi/tuần như trước để có thể lấy lại đủ năng lượng sau nhiều giờ làm việc mệt mỏi.

Resa Hayes - một chuyên gia về thiền và trị liệu gia đình - cũng tìm cách để giải tỏa tâm lý sau những ngày dài giúp đỡ khách hàng. “Hãy đi bộ và ngắm nhìn thiên nhiên. Nó nhắc nhở chúng ta rằng có những thứ không bao giờ thay đổi, dù sự nghiệp của chúng ta ra sao hay có người ốm”. Theo cô, điều nguy hiểm nhất mà dịch Covid-19 mang lại là sự cô đơn. “Tôi luôn cố gắng trò chuyện với những người ngoài gia đình hoặc không liên quan tới công việc. Tôi cảm thấy được xoa dịu tâm hồn những lúc như thế.”

(Theo Bloomberg)

Nỗi thống khổ của 1% dân số siêu giàu trên thế giới mùa dịch: Căng thẳng vì những lý do hết sức lạ lùng, chi bao nhiêu tiền cũng không hết stress - Ảnh 5.

Linh Hân

Trở lên trên