Trung Quốc triệt thực phẩm bẩn
Chiến dịch truy quét đã gặt hái được những kết quả to lớn nhưng chưa thể giải quyết tận gốc loại tội phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm
Tội ác
Bộ Công an nhấn mạnh rằng vấn đề không chỉ là những phân xưởng “đen” quy mô nhỏ, điều kiện vệ sinh kém liên quan đến việc sản xuất và chế biến thịt xấu mà các xí nghiệp “đen” quy mô lớn được cấp giấy chứng nhận sản xuất thịt cũng vướng vào các tội ác như trên.
Chẳng hạn, một số nghi can đã bán thịt bơm nước hoặc thịt thối, thậm chí thêm các hóa chất độc hại bị cấm vào để làm cho thịt trông tươi ngon.
Thị trường thịt ở TQ đã và đang chao đảo vì nỗi lo về an toàn thực phẩm. Doanh số bán thịt heo trong tháng 3 vừa qua đã giảm mạnh sau khi khoảng 16.000 xác heo chết được vớt lên từ sông Hoàng Phố ở Thượng Hải.
Cho đến nay, nhà chức trách vẫn chưa giải thích vụ này một cách đầy đủ. Sau đó, cúm H7N9 đã làm chết 26 người và khiến khoảng 130 người phải nhập viện kể từ giữa tháng 4, gây thiệt hại không nhỏ cho ngành chăn nuôi gia cầm TQ.
Trong khi đó, theo website china.com.cn, một nhà cung cấp thịt gà ở miền Trung TQ đã bị nghi ngờ bán gà bệnh cho các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh nổi tiếng KFC và McDonald’s.
Trong bối cảnh đó, đầu tháng 5 vừa qua, TAND Tối cao đã thông báo những nguyên tắc chỉ đạo mới nhằm trừng phạt nghiêm khắc hơn những kẻ phạm tội sản xuất hoặc bán các loại thực phẩm không an toàn. Theo đó, hành vi bán loại thực phẩm được xử lý quá mức bằng hóa chất hoặc được chế biến từ súc vật chết vì bệnh hoặc các nguyên do chưa rõ ràng đều được đánh giá là tội ác.
Khắp nơi làm giả, lạm dụng hóa chất
Ngoài ra, theo báo The Guardian (Anh), một nhóm người ở thành phố Bao Đầu (Nội Mông) đã sản xuất khô cừu và khô bò giả từ thịt vịt, sau đó đem bán tại 15 tỉnh. Bộ Công an thừa nhận rằng mức độ nhiễm khuẩn E.Coli trong loại sản phẩm thịt giả này vượt chuẩn cho phép rất nghiêm trọng.
Năm ngoái, một đối tượng khác ở tỉnh Sơn Tây bán thịt cừu đã đổi thành màu đen và bốc mùi hóa chất sử dụng trong nông nghiệp ra khắp nhà hàng. Hậu quả là một khách hàng tử vong và một số người bị trúng độc.
Ở tỉnh Phúc Kiến, 5 người đã bị bắt và 2 xí nghiệp bị đóng cửa vì giết mổ heo bệnh và đem bán ở các tỉnh lân cận. Đáng nói là các đối tượng này đã được Bộ Nông nghiệp thuê thu nhặt xác súc vật từ các nông trại để tiêu hủy theo quy định.
Ngoài ra, nhà chức trách đã đóng cửa 2 xí nghiệp ở tỉnh Quý Châu vì đã ngâm chân gà vào nước ôxy già để sát trùng trước khi đưa ra thị trường. Còn ở tỉnh Giang Tô, 2 người bị bắt vì bán các sản phẩm thịt heo đã được chế biến từ đầu heo hư thối.