Nữ đạo diễn "con nhà nòi" tự nhận mình "mang nợ non sông": Cái gì càng khó, người ta càng tránh thì tôi càng muốn làm
Là người đứng sau vở bom tấn "Chuyến tàu huyền thoại" thu hút 10.000 người xem trực tiếp tại TP.HCM, cũng như hàng triệu lượt theo dõi trực tuyến, Tổng đạo diễn Lê Hải Yến đã thành công đưa khán giả đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác.
- 07-06-2024Người đẹp sinh 3 con vẫn khiến 1 ca sĩ nổi tiếng hơn 15 tuổi yêu say đắm: Được tặng cả căn hộ 270 tỷ nơi “tấc đất tấc vàng”
- 03-06-2024Nhà khoa học "điển trai nhất Trung Quốc": Được phong tặng danh hiệu cao nhất đất nước, tuổi 87 sở hữu thành tựu đáng nể
- 28-05-2024MC “gợi cảm nhất Vbiz” với tài nói tiếng Anh như gió, nhiều tập đoàn lớn chọn mặt gửi vàng: “Nếu có thể hấp dẫn mọi sự chú ý chỉ trong 3 giây, tại sao không tận dụng?”
Nối tiếp thành công của "Dòng sông kể chuyện" mùa đầu tiên, mùa 2 chủ đề "Chuyến tàu huyền thoại" là vở đại nhạc kịch "bom tấn" đồ sộ do Tổng đạo diễn Lê Hải Yến cùng ê-kíp là những tên tuổi hàng đầu Việt Nam thực hiện tại buổi khai mạc Lễ hội Sông nước TP Hồ Chí Minh lần 2 năm 2024, vừa chính thức diễn ra tối 31/5 tại Cảng Sài Gòn, TP.HCM.
"Chuyến tàu huyền thoại" lần lượt kể lại những chuyến tàu đã đi vào lịch sử dân tộc. Đó là những chiếc ghe thuyền do người Việt đóng từ triều Nguyễn với hải trình khẳng định chủ quyền biển đảo của dân tộc. Đó là một chiến hạm thời Pháp đã gây nên cuộc bãi công của công nhân xưởng Ba Son năm 1925, do nhà cách mạng Tôn Đức Thắng lãnh đạo. Đó là chuyến tàu gắn với vận mệnh của cả dân tộc Việt Nam và hành trình ra đi tìm đường cứu nước của người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Đó là trận đánh tàu làm dậy sóng cả dòng sông của những chiến sỹ đặc công Rừng Sác. Và ngày hôm nay, đó là những chiếc tàu vận tải biển đưa hàng hóa và trí tuệ của Việt Nam ra với thế giới, hay những du thuyền đón du khách quốc tế đến với Việt Nam.
Hoành tráng, choáng ngợp, xúc động và trào dâng niềm tự hào, tự tôn dân tộc – Đó là những cảm xúc chương trình mang tới cho mỗi một khán giả. 85 phút trình diễn là vô số lát cắt, vô số cảm xúc chạm đến trái tim người xem, khắc sâu trong lòng họ những ký ức không thể nào quên về một trang sử hào hùng của đất nước.
Ở đó, không thiếu những giọt nước mắt của các cựu chiến binh, những tiếng nức nở của các chứng nhân lịch sử, càng không thiếu tiếng vỗ tay rào rào của người trẻ. Khi biết bao thế hệ con người Việt Nam cùng hòa chung một nhịp đập cảm xúc, đó cũng là thành công tuyệt vời không lời nào kể xiết của nữ thuyền trưởng Lê Hải Yến.
Đưa nhạc kịch ra không gian rộng lớn theo kiểu lễ hội vốn là 1 bài toán khó, cộng thêm nội dung lịch sử mà ít người dám thử, tại sao chị quyết định chủ đề như vậy cho chương trình?
Gần 20 năm làm trong ngành sự kiện và hơn 8 năm đảm nhận trách nhiệm đạo diễn, thực ra, không ai làm khó tôi mà chính tôi luôn tự làm khó mình. Làm sự kiện lễ hội có vất vả không? Có chứ, vất vả từ chuyện nắng mưa, thời tiết, cho tới mỗi một chi tiết trong khâu nhân sự, vận hành, căn chỉnh thời gian. Vậy làm lịch sử có khó khăn không? Rất khó. Vừa phải làm thật chính xác, công tâm, vừa phải tìm ra cách thể hiện không bị khô khan hay cứng nhắc, không khiến người ta vừa nghe đã thấy sợ.
Nhưng càng khó thì tôi lại càng muốn làm. Nếu chỉ vì khó mà không ai dám tiếp tục kể những câu chuyện này, làm sao thế hệ sau có thể hiểu, không hiểu thì làm sao có thể yêu, không yêu thì làm sao có thể tự hào và ghi nhớ sâu sắc về những trang sử hào hùng Việt Nam? Đó cũng là lý do mà vở đại nhạc kịch "Chuyến tàu huyền thoại" được bắt đầu từ lời kể của 2 nhân vật ông - cháu. Nó thể hiện sự tiếp nối các thế hệ, người ông đã kể và dẫn dắt người cháu, cùng khán giả bước vào từng câu chuyện của những chuyến tàu đã đi vào lịch sử và trở thành huyền thoại của dân tộc.
Nói về những thách thức, đâu là khó khăn lớn nhất mà chị gặp được khi thực hiện chương trình này?
3 tiếng trước khi chương trình chính thức bắt đầu, TP.HCM đón cơn mưa lớn kéo dài nhiều giờ đồng hồ. Đó cũng là khoảng thời gian mà cả ekip đều "vò đầu bứt tai", chỉ biết ngồi trông trời và nguyện cầu, chứ làm sao có thể thay đổi? May mắn là, vào đúng thời điểm sát giờ diễn, mưa ngừng mây tạnh, không khí mát mẻ và quang đãng hiếm thấy, buổi diễn ngoài trời mới có thể diễn ra một cách thành công ngoài mong đợi.
Với gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, diễn viên quần chúng từ em bé 5 tuổi đến người cao niên 86 tuổi, cả đội ngũ đã trải qua chuỗi ngày dài tập luyện xuyên đêm, bất kể mưa nắng. Có quá nhiều cảnh chuyển động trên sông nước rất khó, thành bại còn phụ thuộc vào tốc độ dòng chảy thay đổi liên tục trong ngày. Chưa kể, màn kỹ thuật cháy nổ là điểm nhấn cao trào của buổi diễn cũng được thực hiện thật 100%. Có quá nhiều yếu tố rủi ro và thách thức mà nếu như ngồi kể chi tiết, không biết kể đến khi nào mới xong (cười).
Nhưng bên cạnh những khó khăn đến từ ngoại cảnh, chính chủ đề lịch sử cũng đã là nỗi đau đầu của chúng tôi. Suốt 4-5 tháng ròng, tôi chỉ không ngừng đọc và viết, viết rồi lại đọc để ra được kịch bản sơ bộ ban đầu. Sau đó, mỗi lần trực tiếp gặp gỡ và nói chuyện với các chứng nhân lịch sử của thời kỳ đó, tôi lại về vắt tay lên trán, thao thức suốt cả đêm để tiếp tục sửa kịch bản. Quá trình chỉnh sửa này diễn ra tới tận những phút cuối, trước khi chương trình chính thức bắt đầu, cốt sao truyền tải được từng chi tiết, từng cảm xúc mà mình khắc khoải.
Lịch sử là một đề tài khó, nếu khai thác không tốt sẽ trở nên khô khan. Chị có lo ngại về điều này?
Nếu lịch sử chỉ được phản ánh qua các mốc thời gian ngày tháng năm, qua các con số thương vong hay thành tựu, sẽ rất ít người có thể thực sự hiểu và yêu lịch sử. Nhưng với tôi, lịch sử là những không gian, những bối cảnh rộng lớn với các câu chuyện, những thân phận và rất nhiều mảnh đời cùng ghép lại, xâu chuỗi với nhau, tạo thành một dòng chảy xuyên suốt.
Hầu như tôi chưa bao giờ phải lo về việc thiếu chất liệu lịch sử khi xây dựng kịch bản. Vì thực tế còn bi thương và khốc liệt hơn gấp nhiều lần. Điều mà mình phải làm chính là dốc hết ruột gan, tâm huyết để trở thành "người kể chuyện", tái hiện những cảm xúc của quá khứ, truyền đến hiện tại. Câu chuyện lịch sử mà tôi kể phải tràn đầy cảm xúc, phải chạm đến những điều sâu thẳm nhất trong trái tim của người xem, phải khiến mỗi một người cảm thấy tự hào, tự tôn dân tộc.
Cảnh "đánh chìm" một con tàu bằng hiệu ứng cháy nổ thật đã trở thành điểm nhấn đặc biệt của chương trình, khiến rất nhiều khán giả phải choáng ngợp và không ngừng trầm trồ. Tại sao chị nảy ra ý tưởng này? Điều đó đồng nghĩa với những nguy cơ nào có thể xảy ra?
Sử dụng hiệu ứng cháy nổ thật trong vở diễn là một quyết định rất liều lĩnh và cũng rất khó khăn, từ việc cấp phép thực hiện, cho đến hiệu quả chương trình. Chúng tôi cũng phải chuẩn bị rất nhiều biện pháp an toàn phòng cháy chữa cháy, trang bị thêm 2 chiếc cano cứu hỏa có sẵn vòi rồng để dập lửa ngay sau đó. Phương thức cháy nổ được học tập theo bí quyết trong ngành điện ảnh của Hollywood, với sự tham gia thực hiện của những chuyên gia cháy nổ giàu kinh nghiệm nhất hiện nay. Mọi thứ đều phải được tính toán từng li từng tí, để đảm bảo sự an toàn và phòng ngừa tất cả những rủi ro có thể xảy ra.
Thực tế, kíp nổ chỉ được thực hiện duy nhất 1 lần trong buổi diễn chính thức, trước đó chúng tôi gần như chưa thể tập luyện kích nổ một lần nào hoàn chỉnh mà chỉ có thể tập di chuyển mô hình con tàu trên sông, căn thời gian và con nước sao cho khớp đúng với nhạc hiệu. Mà nước sông thì lúc nhanh, lúc chậm, hàng chục lần tập luyện là hàng chục mốc thời gian khác nhau, cực kỳ khó để căn chỉnh khớp với diễn biến vở kịch. Chúng tôi đã phải kéo thử mô hình đến tận lúc "sát nút" trước khi bắt đầu phát sóng để căn được thời gian vào thời điểm con nước khi đó.
Qua từng đó khó khăn, đến khi màn nổ thực sự diễn ra và thành công trọn vẹn, cả ekip cũng như hàng chục nghìn khán giả có mặt tại hiện trường đều thực sự cảm nhận được "sức nóng" vở diễn đem lại. Nóng, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, khiến mọi người phải "woa" lên một cách bất ngờ. Những tràng pháo tay vang lên dữ dội, cùng với đó là những giọt nước mắt tưởng nhớ về quá khứ bi thương năm xưa đang không ngừng rơi. Đó đều là những cảm xúc thật vô cùng quý giá, cũng là minh chứng rõ ràng cho sự thành công của chúng tôi.
Đạt được thành công lớn sau 2 mùa thực hiện chương trình "Dòng sông kể chuyện", chị nghĩ đâu là nhân tố quan trọng nhất để mọi người tin tưởng giao phó trọng trách?
Niềm tin không phải một thứ dễ dàng trao và nhận. Ngày đầu khi nhận lời thực hiện chương trình cho TP.HCM, tôi cũng từng đối mặt với rất nhiều câu hỏi và sự hoài nghi. "Nhạc kịch có phù hợp với thói quen nghe nhạc của đại chúng hay không?" Hay là "Chương trình mang nặng tính lịch sử như vậy thì giới trẻ có xem, có hiểu được hay không?"
Sự e ngại của mọi người không hề sai, nhưng là người viết kịch bản và hiểu rõ chương trình trong tay, tôi đủ tự tin và sự kiên nhẫn để từng bước hiện thực hóa những ý tưởng của mình. Thực tế sẽ là đáp án rõ ràng và vững chắc nhất cho mọi câu hỏi. Vì ý tưởng trên giấy thì nhiều lắm, muốn hay, muốn hoành tráng thế nào cũng có. Nhưng người thực sự đủ bản lĩnh, đủ khả năng để biến ý tưởng thành hiện thực mới khó. Khi mình làm được những điều mà người khác e ngại, thậm chí làm thành công một cách bùng nổ, vượt ngoài sức mong đợi, tự khắc mình sẽ giành được niềm tin.
Tổng đạo diễn vốn là một vị trí rất vất vả, đặc biệt là với các sự kiện quy mô lớn ngoài trời, đến nam giới cũng thấy mệt mỏi. Động lực nào giúp chị có thể lo liệu, cân bằng mọi thứ như vậy?
Tôi luôn nói với đội ngũ của mình rằng: "Hãy làm việc với 500% sức lực, hãy chiến đấu hết sức mình. Đừng ai khóc với chị vì thấy khổ, thấy mệt, mà chỉ được khóc nếu đó là giọt nước mắt trong ngày thành công."
Nói nghe có vẻ "quân phiệt" vậy thôi, chứ động lực duy nhất để cả ekip gần 1.000 người có thể kiên trì tập luyện từ đầu giờ chiều tới 5-6 giờ sáng, dãi nắng dầm mưa, bất kể đêm ngày, chỉ có thể là đam mê. Giấc mơ của tôi là được kể về những nhân vật lịch sử vĩ đại, những điển tích hào hùng trong sử Việt, để từ đó truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ sau này cũng thêm yêu trang sử nước nhà, để tự tôn dân tộc được ngấm vào trong máu. Đâu đó trong lòng tôi luôn nghĩ mình "mang nợ non sông", cần phải tiếp tục làm thêm nhiều chương trình hơn nữa để gửi gắm thật nhiều câu chuyện ý nghĩa cho mọi người.
Tôi cũng phải biết ơn những người đồng nghiệp đã yêu giấc mơ này như giấc mơ của chính họ. Nhờ có tâm huyết của biết bao con người, "Chuyến tàu huyền thoại" mới trở thành một câu chuyện trọn vẹn. Đó không chỉ là câu chuyện của riêng TP.HCM, không chỉ là câu chuyện của riêng dòng sông Sài Gòn, mà đó là câu chuyện của cả dân tộc, của người Việt chúng ta. Chúng ta tự hào vì truyền thống, bề dày lịch sử, về những nhân vật, những câu chuyện đã diễn ra trên chính dòng sông này.
Đối với chị, thành công lần này có ý nghĩa như thế nào?
Thành công của người làm sự kiện không gì ý nghĩa hơn là được chứng kiến rất nhiều vị khán giả nhỏ tuổi vừa thích thú dõi theo từng diễn biến, vừa cùng nhau ôn lại những câu chuyện lịch sử từng học trong sách giáo khoa. Đó cũng là minh chứng để chúng ta dần ý thức được tầm quan trọng của xu hướng "edu-tainment" (kết hợp giữa giáo dục và giải trí) để đưa các giá trị lịch sử, văn hóa tới gần cộng đồng giới trẻ hơn, thông qua các hình thức nghệ thuật hiện đại.
Hay là khi chứng kiến các cựu chiến binh từng là đặc công rừng Sác rưng rưng nước mắt, không ngừng xúc động nhớ lại những kỷ niệm. Nhiều người còn bất ngờ vì những gì ekip làm được, giúp họ sống lại những giây phút chiến đấu quật cường khi xưa, nhớ về những người đồng đội không may nằm xuống vĩnh viễn tại mảnh đất ấy.
Kể cả những khán giả chưa từng trải qua thời kỳ đó vẫn có thể hòa mình vào từng cảnh quay. Thông qua lời dẫn chuyện kết hợp âm nhạc, vũ đạo và những thủ pháp sân khấu sinh động, họ được đắm chìm vào bầu không khí của quá khứ, như bước vào phim trường của một bộ phim lịch sử "bom tấn", kích thích mọi giác quan và cảm thụ. Thông qua đó, những câu chuyện lịch sử gắn với vận mệnh Tổ quốc không còn xa lạ như trên sách vở, mà được tái hiện tất cả trước mắt mỗi người. Đó mới là thành công thực sự và là sứ mệnh mà chúng tôi luôn theo đuổi.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Nhịp sống thị trường