MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ồ ạt phát hành chứng chỉ tiền gửi “siêu lãi suất“: Cẩn trọng bẫy lãi suất cao

27-03-2017 - 07:17 AM | Tài chính - ngân hàng

Cơn sốt chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao ngất ngưởng với gần 9% khiến nhiều nhà đầu tư đổ xô đi mua.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 23.3, TS - luật sư Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết: “Khách hàng cần tính toán thận trọng. Bẫy nằm ở chỗ lãi suất cao mà các ngân hàng đưa ra chỉ được áp dụng trong 1 năm đầu tiên, trong khi đó kỳ hạn gửi dài, lên tới 5 - 7 năm, các năm tiếp theo lãi suất sẽ thả nổi theo thị trường”.

Chứng chỉ tiền gửi siêu lãi suất có phải là kênh đầu tư tốt?

Sacombank bắt đầu phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng VND trên toàn hệ thống với mệnh giá tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 5 năm trở lên hoặc 7 năm với mức lãi suất lên tới 8,88%/năm; được hưởng lãi suất ưu đãi khi vay cầm cố chứng chỉ tiền gửi, được chiết khấu và tự do chuyển nhượng cho NH bất cứ lúc nào. Theo thông tin từ Sacombank, hạn mức 2.500 tỉ đồng chứng chỉ tiền gửi đã phát hành hết sạch trong 3 ngày từm 15.3 đến 17.3 chứng tỏ thị trường đang phản ứng tốt với sản phẩm này.

Trước đó, VPBank cũng phát hành chứng chỉ tiền gửi VND ghi danh dành cho khách hàng cá nhân, kỳ hạn từ 18 - 60 tháng với mức siêu lãi suất là 9,2%/năm cho khoản tiền gửi từ 5 tỉ đồng trở lên. VietABank thông báo phát hành chứng chỉ tiền gửi cho khách hàng. Kỳ hạn mà ngân hàng này nhắm tới là các gói trung và dài hạn lãi suất lên đến 8,2%/năm.

Tuy nhiên, sản phẩm chứng chỉ tiền gửi có thực sự là kênh đầu tư tốt cho người dân hay không? Trao đổi với PV Báo Lao Động, TS - luật sư Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết: “Mặc dù mức lãi suất của chứng chỉ tiền gửi rất hấp dẫn đối với người gửi tiền, tuy nhiên, khách hàng cũng cần tính toán thận trọng”.

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, đối với trường hợp chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn 5 năm 1 ngày của Sacombank đợt phát hành ngày 15.3.2017, lãi suất tính từ năm thứ 2 sẽ được tính theo công thức trung bình lãi suất tiền gửi 12 tháng của 4 NHTM NN là Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV cộng với biên độ 1,8%. Đối với kỳ hạn 7 năm, lãi suất bình quân 4 NHTM NN cộng biên độ 2,2%. Khách hàng chỉ được phép chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi 1 lần, và chỉ có thể bán lại cho Sacombank.

“Nếu không tìm hiểu kỹ, người mua cứ mua, ngân hàng quy định cứ quy định. Sau một năm lãi suất cao thì đến năm thứ 2 lãi suất thả nổi sẽ có nhiều vấn đề xảy ra”, TS - luật sư Bùi Quang Tín cho biết.

Lý giải cho việc vì sao thời gian qua một số NHTM gây “sốt” khi tung ra các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi?

Giám đốc TM một NH lớn cho biết: “Chứng chỉ tiền gửi chỉ phát hành theo đợt để đáp ứng nhu cầu đột xuất của ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vốn nội tại của ngân hàng. Nguyên nhân thứ nhất, NH đó đang cần gấp vốn để đáp ứng nhu cầu đột xuất mà ngân hàng cam kết giải ngân. Thứ hai, một số các ngân hàng có nhu cầu tái cơ cấu nguồn vốn ngắn hạn sang trung và dài hạn theo quy định NHNN. Thứ ba, các ngân hàng tung ra chương trình chứng chỉ tiền gửi vừa qua đều có công ty tài chính “sân sau”.

Áp lực lãi suất cho vay tăng cao

Theo TS - luật sư Bùi Quang Tín, hiện Ngân hàng Nhà nước chỉ quy định trần lãi suất đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng. Còn các kỳ hạn trên 6 tháng, ngân hàng được phép thỏa thuận. Ngoài ra, theo quy định, trước khi phát hành các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi, các ngân hàng đều phải xin phép và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về cả mức tiền, kỳ hạn cũng như lãi suất.

TS - luật sư Bùi Quang Tín cho rằng: “Ở Việt Nam dễ xảy ra hiệu ứng Domino dây chuyền. Một số ngân hàng đẩy lãi suất huy động lên cao có thể khiến các ngân hàng khác nhìn vào, điều đó dẫn tới xu hướng tăng lãi suất cho vay trong khi thực tế chi phí chưa chắc đã cao. Lãi suất cho vay hiện đã bắt đầu có dấu hiệu nhích lên. Theo thông tin tôi được biết, nhiều hợp đồng vay vốn của cá nhân đã bị áp dụng lãi suất lên tới 12,5 - 13%/năm, trong khi trước đó chỉ là 10,5%. Theo tôi, với mức lãi suất huy động như hiện nay, nếu để thị trường tự điều tiết, lãi suất cho vay có thể tăng thêm 2 - 4%/năm trong năm nay. Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước có chính sách can thiệp, mức tăng có thể sẽ thấp hơn, chỉ tăng khoảng 1-2%/năm”.

Giám đốc chi nhánh NHTM NN cho rằng, việc lãi suất tăng cao có thể gây tâm lý xã hội bất an. Với việc lãi suất huy động tăng đột xuất, tăng lớn, bất thường sẽ làm thị trường lo ngại và gây tâm lý hoang mang và ảnh hưởng lớn. Người gửi tiền có thể gây sức ép lên ngân hàng và khiến lãi suất cho vay tăng”.

Theo Lan Hương

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên