MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ô tô điện rẻ nhất Việt Nam bất ngờ được sử dụng để chạy taxi

21-04-2024 - 18:10 PM | Thị trường

Ô tô điện Wuling Mini EV dùng để chạy taxi đang gây sự chú ý lớn với cộng đồng mạng.

Kể từ khi ra mắt tại Việt Nam hồi tháng 6/2023, ô tô điện Wuling Mini EV đã gây sự chú ý lớn đến người tiêu dùng trong nước bởi giá bán khởi điểm rẻ nhất thị trường, cùng kiểu dáng thiết kế có thể xem là "độc, lạ".

Mới đây, cộng đồng mạng lại thêm xôn xao khi phát hiện một đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải tại Phú Yên quyết định đưa mẫu xe này vào chạy taxi.

Được biết, từ giữa tháng 4/2024, công ty này đã đăng tin tuyển dụng vị trí tài xế, nhân viên kế toán và tổng đài. Bình luận về thông tin trên, nhiều người dự đoán mẫu xe này sẽ phù hợp với các điểm du lịch, thăm quan hoặc di chuyển trong trung tâm thành phố.

Ô tô điện rẻ nhất Việt Nam bất ngờ được sử dụng để chạy taxi- Ảnh 1.

Ô tô điện rẻ nhất Việt Nam bất ngờ được sử dụng để chạy taxi- Ảnh 2.

Ô tô điện rẻ nhất Việt Nam bất ngờ được sử dụng để chạy taxi- Ảnh 3.

Dù được nhiều người quan tâm nhưng doanh số của mẫu xe này lại chưa đủ gây ấn tượng.

Cụ thể, số liệu tiết lộ từ báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh phục vụ đại hội cổ đông thường niên của TMT Motors - đơn vị phân phối xe Wuling tại Việt Nam cho thấy, tính đến hết năm 2023, doanh nghiệp này chỉ bán ra thị trường 591 xe điện thuộc mẫu Wuling Mini EV. 

Trong khi đó, mục tiêu doanh số TMT Motors đặt ra trong giai đoạn đầu với mẫu ô tô điện cỡ nhỏ này ở mức 5.525 xe, tức trung bình mỗi tháng bán ra gần 1.000 xe. Tuy nhiên, doanh số thực tế đạt được chỉ 100 xe/tháng, tương đương khoảng 10%.

Có thể thấy, dù mức giá khởi điểm chỉ hơn 200 triệu đồng thấp hơn cả xe hạng A như Hyundai Grand i10 hay Kia Morning nhưng Wuling Mini EV vẫn rất khó thuyết phục số đông khách Việt. Nguyên nhân thường là kích thước nhỏ, không gian bên trong khá chật chội. 

Tiếp đó là quãng đường di chuyển của xe ngắn, không phù hợp khi đi cao tốc hoặc ngoại thành. Đồng thời, nhà phân phối Wuling tại Việt Nam hiện vẫn chưa có hệ thống trạm sạc công cộng hay bộ sạc nhanh. Vì vậy, đây là một bất cập rất lớn cho người sử dụng trong trường hợp quên sạc hay khẩn cấp.

Wuling Mini EV có động cơ yếu, chỉ trang bị một motor có công suất 17,4 mã lực, tức là chỉ mạnh hơn một chút so với công suất xe máy Honda Sh150i (16,9 mã lực). Do đó xe có thể di chuyển tối đa 100km/h, nhưng trên thực tế, vận tốc tối ưu chỉ đạt khoảng 60 – 80km/h dù có phạm vi hoạt động 120km trên một lần sạc cho bản tiêu chuẩn.

Ngoài ra, các trang bị an toàn đi kèm của Wuling Mini EV rất hạn chế và chỉ dừng lại ở mức tối thiểu. Xe chỉ được trang bị chống bó phanh ABS, phân phối lực phanh điện tử EBD, 1 túi khí cho người lái (phiên bản cao cấp). Ngoài ra, xe không được trang bị hệ thống cân bằng điện tử nên khi chạy ở tốc độ cao sẽ rất dễ mất ổn định, đặc biệt là khi phanh, đánh lái gấp.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia cho rằng, sự thay đổi trong nhu cầu và thị hiếu sử dụng ô tô cũng là một phần lý do dẫn đến kết quả kinh doanh không được như kỳ vọng của Wuling Mini EV.

Theo đó, những năm gần đây, người Việt nói chung tìm mua ô tô với nhiều tiêu chí hơn, thay vì chỉ đơn giản là một phương tiện bốn bánh nhỏ gọn, có thể "che mưa che nắng" như giai đoạn trước. Điều này phản ánh rõ ở kết quả bán hàng được Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và các đơn vị phân phối ô tô công bố trong những tháng qua.

Khánh Vy

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên