“Ông lớn” Vietcombank báo lãi trước thuế gần 30.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2023
Chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh là động lực chính giúp lợi nhuận Vietcombank tăng trưởng dương, trong bối cảnh các nguồn thu nhập trong quý 3 vẫn còn khó khăn.
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank – VCB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2023.
"Quán quân" lợi nhuận toàn ngành
Lợi nhuận trước thuế quý 3 năm nay của Vietcombank đạt 9.051 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy tăng trưởng dương so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận quý 3 vẫn thấp nhất trong 4 quý gần nhất.
Động lực tăng trưởng chính của lợi nhuận quý 3 đến từ việc chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro đều giảm mạnh, dù tổng thu nhập tăng trưởng âm.
Cụ thể, tổng thu nhập hoạt động quý 3/2023 đạt 15.777 tỷ đồng, giảm 5,6% so với cùng kỳ. Các mảng kinh doanh chính đều ghi nhận sự sụt giảm, trong đó thu nhập lãi thuần giảm 7,8% xuống 12.596 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động dịch vụ giảm 19,2% xuống 891 tỷ. Lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 1.581 tỷ, giảm 6 tỷ so với cùng kỳ.
Chi phí hoạt động quý 3/2023 giảm tới 17,9% xuống còn 5.233 tỷ. Bên cạnh đó, chi phí dự phòng giảm gần một nửa xuống còn 1.494 tỷ đồng.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động của Vietcombank đạt 51.764 tỷ đồng, tăng 4,7%. Trong khi đó, chi phí hoạt động giảm 3,2% xuống 16.163 tỷ đồng, chủ yếu nhờ giảm mạnh các khoản chi cho hoạt động quản lý công vụ. Chi phí dự phòng rủi ro giảm 22,3% xuống 6.051 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt 29.550 tỷ đồng, tăng 18,5% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 23.694 tỷ đồng.
Với kết quả này, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí “quán quân” lợi nhuận của ngành.
Dư nợ cho vay khách hàng tăng 3,9%, tỷ lệ nợ xấu vượt 1%
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản Vietcombank ở mức hơn 1,73 triệu tỷ đồng, giảm 4,5% so với đầu năm. Nguyên nhân tổng tài sản giảm chủ yếu do tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước giảm hơn 63 nghìn tỷ (tương đương giảm 68%) xuống còn hơn 29.300 tỷ đồng.
Dư nợ cho vay khách hàng của Vietcombank tăng hơn 44.700 tỷ trong 9 tháng đầu năm, tương đương tăng 3,9%. Nợ xấu cuối quý 3 là 14.393 tỷ đồng, tăng 84% so với đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng từ 0,68% cuối năm 2022 lên 1,21% (tháng 9/2023).
Tuy nhiên, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank vẫn rất cao, đạt 270%, là mức cao nhất toàn ngành.
Huy động tiền gửi khách hàng của Vietcombank tăng 8,5% trong 9 tháng và đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đạt 31,3%.
Nhịp sống thị trường
- Nhiều tín hiệu tích cực trong quý 3, Techcombank trên đà về đích
- Top 10 ngân hàng về tỷ lệ CASA: Thứ hạng của một nhà băng nhảy vọt, số dư tiền gửi không kỳ hạn tăng gấp đôi chỉ trong 3 tháng
- Tăng trưởng tín dụng chậm, ngân hàng ngay ngáy lo đọng vốn
- Các ngân hàng trên sàn thu về 17 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm: Nhà băng nào tăng trưởng doanh thu mạnh nhất?
- Ngân hàng nào hút tiền gửi nhất trong quý 3/2023?