MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Vũ Vinh Phú: Sức ép từ Thái, Mỹ, Úc chỉ 3 phần, còn doanh nghiệp Việt tự "hại" nhau đến 7 phần

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, nguyên nhân thị phần bán lẻ Việt Nam rơi vào tay nước ngoài có nhiều lý do. Tuy nhiên, sức ép từ doanh nghiệp Thái Lan, Úc, Mỹ chỉ 30% còn người Việt hại nhau đến 70%.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới nhờ kinh tế tăng trưởng mạnh, nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người tiêu dùng thuộc hàng trẻ nhất Châu Á và ngày càng mạnh chi tiêu.

Chính vì thế, bắt đầu từ năm 2015, đã có hàng loạt thương vụ mua bán sáp nhập (M&A) lớn trong lĩnh vực bán lẻ đã thành công, với sự đổ bộ của nhiều tập đoàn lớn ngành bán lẻ nước ngoài đến từ Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Và gần đây nhất là tập đoàn Central Group của Thái Lan cũng đã vượt qua một loạt các đối thủ lớn để sở hữu Big C Việt Nam với giá trị thương vụ vào khoảng hơn 1 tỷ USD.

Như vậy, cả hai hệ thống bán lẻ Metro và Big C Việt Nam đã về tay người Thái, chiếm đến 50% thị trường bán lẻ hiện đại ở Việt Nam.

Có rất nhiều lý do dể thị phần bán lẻ hiện đại rơi vào tay người nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, sức ép từ doanh nghiệp Thái Lan, Úc, Mỹ chỉ 30% còn người Việt hại nhau đến 70%.

Ông Vũ Vinh Phú cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam rất tiềm năng, cơ cấu dân số tiêu dùng trẻ, sức mua tốt nhưng doanh nghiệp nội đang thua bởi chuyển mình quá chậm. Trong khi đó, sức ép hội nhập của các doanh nghiệp nước ngoài ngày càng mạnh, cả về vốn, về công nghệ, quảng bá tiếp thị. Bên cạnh đó, vai trò dẫn dắt của các công lớn, các tập đoàn bán lẻ còn chưa tốt.

Thậm chí, một số siêu thị Việt Nam lại đóng vai trò là cầu thủ bóng chuyền, nâng đỡ cho doanh nghiệp nước ngoài phát triển khi bán giá cao hơn, khiến khách hàng bỏ siêu thị nội ra siêu thị ngoại vì giá rẻ.

"Giá một chai dầu 5 lít bày bán tại một siêu thị nội đang cao hơn siêu thị của doanh nghiệp ngoại 2 nghìn đồng/chai. Như thế là hình ảnh xấu, khiến khách hàng dần bỏ đi", ông Phú lấy ví dụ.

Trở lại câu chuyện sau khi thâu tóm thành công Big C, Central Group ép nhà sản xuất nội địa chiết khấu cao, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, không chỉ Big C ép chiết khấu cao mà siêu thị nội cũng ép chiết khấu.

"Vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã hạ chiết khấu cho nông dân, người sản xuất. Nếu doanh nghiệp nào cũng hạ như Vingroup thì Big C phải nghĩ lại. Big C mà còn ép giá cao thì người dân sẽ tẩy chay.

Chúng ta tự hại chúng ta, phân phối yếu thì sản xuất chết. Trứng gà, cánh gà CP hầu hết có mặt ở siêu thị Hà Nội. Sức ép của Thái Lan, Úc, Mỹ chỉ 30%, còn người Việt hại 70%. Dư địa hỗ trợ không còn bây giờ phải cạnh tranh, nếu không cạnh tranh sẽ phá sản. Nước đến lưng rồi nhưng vẫn đi bộ”, ông Vũ Vinh Phú thẳng thắn nhìn nhận.

Cũng theo ông Phú, mặc dù có chương trình bình ổn giá, nhưng ngay cả Hapro giá vẫn cao. “Tôi không hiểu sử dụng vốn như thế nào, TP.HCM đã bỏ bình ổn giá từ lâu rồi, duy trì thị trường như thế khó cạnh tranh. Ưu ái cho doanh nghiệp rồi lại bán mình như Fivimart đã bán mất 30%”, ông Phú nói.

Cũng theo ông Phú, tình trạng quy hoạch vô lý ở Hà Nội cũng khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh, khi mà 700m có đến 3 siêu thị.

Mặc dù vậy, đánh giá nhiều chuyên gia tại hội thảo thị trường bán lẻ Việt Nam cơ hội và thách thức diễn ra sáng nay 18/5 cho thấy, bán lẻ hiện đại Việt Nam vẫn đang chiếm tỷ lệ thấp trong tổng doanh thu bán lẻ và còn nhiều dư địa để phát triển. Tỷ lệ bán lẻ hiện đại ở Việt Nam vẫn chỉ ở mức 20-25%, thấp hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực.

Trong khi đó, theo quy hoạch cả nước đến năm 2020 sẽ có khoảng 1.200 - 1.500 siêu thị, 180 trung tâm thương mại, 157 trung tâm mua sắm.

Dự báo, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại bán lẻ sẽ đạt 11,9% , quy mô thị trường khoảng 179 tỷ USD vào năm 2020, trong đó bán lẻ hiện đại sẽ chiếm trên 45%.

Theo Thuỵ Du

Trí thức trẻ/CafeBiz

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên