PGS.TS Phạm Thế Anh: Phát triển kinh tế nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực nên được đặt ngang hàng với phòng chống dịch bệnh
Theo ông Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), các con số tăng trưởng GDP không phản ánh được hết những khó khăn thực sự của nền kinh tế do không phản ánh được đầy đủ hoạt động của khu vực phi chính thức vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn so với những đợt suy thoái trước đây.
- 23-04-2020Bloomberg: Ngành logistics "thấm đòn" Covid-19, các lô hàng container trên toàn cầu sẽ giảm 30% trong vài tháng tới
- 23-04-2020Tại sao nhiều chuyên gia quốc tế có niềm tin mạnh mẽ rằng kinh tế Việt Nam sẽ kiên cường và "bật trở lại" hậu Covid-19?
- 22-04-2020Covid-19: Tại sao sốc cung nguy hiểm hơn sốc cầu?
Các kịch bản tăng trưởng
Ông Phạm Thế Anh cho rằng, triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và xa hơn phụ thuộc vào khả năng khống chế bệnh dịch không chỉ trong nước mà còn ở cả trên thế giới.
Kịch bản lạc quan nhất được xây dựng dựa trên giả định bệnh dịch trong nước được khống chế hoàn toàn vào giữa tháng 5 và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Trong khi đó, thế giới cũng bắt đầu nới dần các biện pháp phong tỏa. Tuy nhiên các hoạt động kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch, lưu trú, vận tải hành khách vẫn còn dè dặt và chỉ dần hồi phục.
Tác động xấu nhất của Covid–19, theo chuyên gia này sẽ rơi vào quý 2 với mức suy giảm từ 2 – 3% trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Ngành chế biến chế tạo có thể lần đầu tiên chứng kiến mức tăng trưởng âm do đứt gãy nguồn cung và nhiều đơn hàng xuất khẩu bị cắt giảm, hủy bỏ hoặc trì hoãn.
Trong lĩnh vực dịch vụ, các ngành vận tải và kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, nghệ thuật và giải trí giảm mạnh, từ 20 – 50%. Trong khi đó y tế, truyền thông hay tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có thể duy trì mức tăng trưởng khá do những hoạt động liên quan đến phòng chống và khắc phục hậu quả của bệnh dịch. Với kịch bản lạc quan này, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo đạt khoảng 4,2% trong cả năm 2020.
Photo: AFP/Nhac Nguyen
Với các kịch bản trung tính hoặc bi quan, bệnh dịch trong nước được giả định kéo dài hơn sang nửa sau quý 3 thậm chí là quý 4 năm 2020. Thế giới có thể phải tiếp tục các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội do sự tái phát của bệnh dịch ở nhiều trung tâm kinh tế tài chính quan trọng. Mức độ tác động của Covid–19 lên các ngành nông lâm ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ nghiêm trọng hơn. Mức tăng trưởng trong năm 2020 của kinh tế Việt Nam có thể chỉ là 1,5% trong kịch bản trung tính, hoặc thậm chí là – 1,0% trong kịch bản bi quan.
Trong bất kỳ kịch bản nào, trong thời kỳ hậu Covid–19 ở Việt Nam, sự phục hồi hoàn toàn của nhiều ngành như hàng không, du lịch hay thời trang xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn và kéo dài một khi thế giới chưa khống chế hoàn toàn được bệnh dịch. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chủ động thích ứng dịch chuyển sản xuất trong thời kỳ khó khăn. Sản xuất khẩu trang và đồ bảo hộ y tế là một ví dụ điển hình trong ngành dệt may khi trong thời kỳ hậu bệnh dịch các nước nhiều khả năng sẽ tăng cường các kho hàng dự trữ y tế của mình để phòng chống những cú sốc tương tự trong tương lai.
Trong ngắn hạn, thúc đẩy đầu tư công trong nửa sau của năm có thể bù đắp được những khó khăn tạm thời của nhiều ngành sản xuất. Tuy nhiên, chúng ta không thể thúc đẩy chi tiêu công mãi trong dài hạn do nguồn lực hạn hẹp. Do vậy, triển vọng kinh tế Việt Nam những năm sau sẽ phụ thuộc nhiều vào việc phát triển thành công vác–xin hoặc thuốc đặc trị trên thế giới.
Những chính sách cần ưu tiên hàng đầu
Một điểm đáng chú ý nữa, theo ông Thế Anh, là các con số tăng trưởng GDP không phản ánh được hết những khó khăn thực sự của nền kinh tế do chúng không phản ánh được đầy đủ hoạt động của khu vực phi chính thức vốn bị ảnh hưởng nặng nề hơn hẳn so với những đợt suy thoái trước đây. Việc thực hiện phong tỏa và giãn cách xã hội khiến khu vực này, ước tính tương đương khoảng 30% GDP, gần như bị đóng cửa hoàn toàn.
Với thâm hụt tài khóa kéo dài dai dẳng trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam là nước có nguồn lực tài khóa hạn hẹp. Ngay cả trong các năm nền kinh tế có tăng trưởng cao, thu ngân sách vượt dự toán, thì nhà nước vẫn chi nhiều hơn thu tối thiểu khoảng 3,5% GDP.
Do vậy, Việt Nam thiếu vắng các đệm tài khóa để ứng phó với những cú sốc đòi hỏi tiêu tốn nhiều nguồn lực như Covid–19. Bên cạnh đó, chính sách tiền tệ cũng bị ràng buộc bởi các mục tiêu về lạm phát và tỷ giá. Nếu thực hiện nới lỏng tiền tệ với quy mô lớn như nhiều nền kinh tế hiện nay thì có thể dẫn đến mất giá tiền tệ, môi trường đầu tư trở nên rủi ro hơn và ít nhất là làm trì hoãn các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Photo: AFP
Với các nguồn lực hạn hẹp như vậy, các chính sách cần phải đúng trọng tâm, tránh dàn trải gây tốn kém nguồn lực. Việt Nam đã phản ứng sớm, quyết liệt và đang làm tốt trong việc phòng chống sự lây lan của bệnh dịch. Tuy nhiên, thời gian cách ly xã hội càng lâu, chi phí kinh tế càng tốn kém trong khi bệnh dịch có nguy cơ kéo dài. Do vậy, các kịch bản ứng phó chính sách khác nhau đối với các cấp độ về bệnh dịch nên được xây dựng.
"Trong mọi hoàn cảnh, chúng ta phải xây dựng được các phương án phòng chống bệnh dịch đi kèm sản xuất, phải tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp còn có khả năng hoạt động, tránh ngăn sông cấm chợ cực đoan như ở một số địa phương. Tầm quan trọng của phát triển kinh tế nhằm giảm thiểu những tác động tiêu cực nên được đặt ngang hàng với công cuộc phòng chống dịch bệnh" - ông Thế Anh cho biết.
Các chính sách an sinh xã hội như chi trả bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ người bị tạm thời ngưng việc, trợ cấp cho người nghèo, người bị mất kế sinh nhai do tác động của giãn cách xã hội nên được ưu tiên hàng đầu và cần phải được triển khai nhanh chóng trước khi người dân rơi vào những bi kịch không đáng có. Đặc biệt, lao động trong khu vực phi chính thức cần được quan tâm hơn khi chiếm một tỷ trọng lớn, dễ tổn thương, chịu tác nặng nề nhất, và có thể nằm ngoài phạm vi được thụ hưởng của các chính sách hiện tại.
Photo: Reuters
Trong khi đó, đối với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng cần có sự phân loại và tập trung hơn. Việc khoanh/ngưng hoặc miễn giảm các chi phí tài chính như lãi vay và tiền thuê đất nên được áp dụng đối với nhóm doanh nghiệp phải dừng hoạt động; các chính sách hoãn đóng BHXH, giảm tiền thuê đất, giảm lãi vay và khoanh nợ, giãn thu thuế VAT nên được thực hiện với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực nhưng còn hoạt động, nhưng phải có các tiêu chí rõ ràng về các mức độ hỗ trợ để tránh cào bằng, dàn trải.
Còn lại, đối với nhóm các doanh nghiệp ít hoặc không bị ảnh hưởng, hoặc có hướng chuyển đổi hiệu quả, thì nên khuyến khích tín dụng, hết sức tạo điều kiện về môi trường thể chế và chính sách ngành bởi họ là gánh đỡ cho nền kinh tế trong thời kỳ khó khăn này.
Thúc đẩy đầu tư công là việc nên làm
Theo ông Thế Anh, ngay cả khi bệnh dịch trong nước được kiểm soát hoàn toàn thì nhiều ngành dịch vụ và sản xuất hướng ra xuất khẩu có thể sẽ còn gặp khó khăn lâu dài một khi bệnh dịch còn chưa hoàn toàn biến mất ở các khu vực kinh tế – tài chính quan trọng trên thế giới. Do vậy, thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, thúc đẩy đầu tư công không phải là việc mở rộng đầu tư công một cách dàn trải, thiếu kiểm soát. Chuyên gia này đưa ra lời khuyên: Việt Nam chỉ nên đẩy nhanh những dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và có sẵn vốn thực hiện. Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để nhiều doanh nghiệp và nhiều địa phương có thể tiếp cận, tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc. Đồng thời, cắt giảm ngân sách thường xuyên (tiêu dùng) tối thiểu 10% nên được thực hiện nhằm dành nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do bệnh dịch gây ra.
Cuối cùng, song hành với những chính sách mang tính ngắn hạn hiện tại trong việc giảm thiểu tác động tiêu cực của Covid–19, Việt Nam nên tiếp tục và cải thiện những chính sách dài hơi hơn để cải thiện nền tảng vĩ mô và giảm thiểu rủi ro trong tương lai. Trong mọi tình huống, lạm phát, lãi suất và tỷ giá cần được duy trì ổn định để chuẩn bị cho giai phục hồi sau bệnh dịch. Đa dạng hóa thị trường xuất/nhập khẩu cần được chú trọng hơn nữa nhằm tránh phụ thuộc nặng nề vào một số đối tác kinh tế lớn.
Trong khó khăn, nhiều bất cập trong việc điều hành chính sách kinh tế cũng đã bộc lộ nên các nỗ lực cải thiện môi trường thể chế kinh doanh cần tiếp tục được duy trì. Đặc biệt, dù có chậm trễ, Việt Nam nên từng bước xây dựng đệm tài khóa để phòng chống những cú sốc kiểu Covid–19, ông Thế Anh nhận định.
Tổ Quốc
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19