MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phá sản lộ trình xăng sinh học

24-04-2017 - 07:38 AM | Thị trường

Số phận lộ trình xăng E5 phụ thuộc rất lớn vào các nhà máy sản xuất ethanol nhưng tất cả nhà máy này đều đang trong tình trạng thua lỗ, “đắp chiếu”

Theo cơ quan chức năng , dự kiến xăng sinh học (E5) sẽ thay thế hoàn toàn xăng RON 92 từ ngày 1-1-2018. Như vậy, một lần nữa, lộ trình triển khai xăng E5 phải lùi lại.

Thiếu ethanol trầm trọng

Nhiều kế hoạch triển khai xăng E5 từng được đưa ra nhưng đều lỗi hẹn. Gần đây nhất là mục tiêu tất cả trạm bán xăng dầu tại Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, TP HCM, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu đều bán xăng E5 từ ngày 1-6-2016 nhưng không thực hiện được. Cuối năm 2016, một kế hoạch khác được đưa ra là xăng E5 thay thế hoàn toàn xăng RON 92 vào khoảng tháng 6-2017 nhưng chưa đến thời hạn này thì Bộ Công Thương đề xuất lùi đến ngày 1-1-2018.

Tại TP Hà Nội, hoạt động mua bán xăng E5 diễn ra thưa thớt ở một số đại lý của những doanh nghiệp (DN) đầu mối lớn. Nhiều cột bơm xăng E5 bỏ không.

Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ - một trong những dự án đang “đắp chiếu”

Dự án sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ - một trong những dự án đang “đắp chiếu”

Đại diện một DN phân phối xăng dầu tại Hà Nội cho biết do ít người mua và số lượng bán chỉ bằng 1/10 xăng RON 92 nên xăng E5 chỉ được bán trong một thời gian ngắn rồi dừng. Giá xăng E5 không chênh lệch nhiều so với xăng RON 92 nên không khuyến khích được người mua.

Mặt khác, việc triển khai đại trà xăng E5 có thể gặp trục trặc là do nguyên liệu pha chế quá thiếu. Cả thời gian dài vừa qua, chỉ có Công ty TNHH Tùng Lâm cung cấp ethanol (nguyên liệu pha chế xăng E5) cho cả nước. DN sản xuất ethanol nằm ở phía Nam nên vận chuyển xa, chi phí cao, công suất không đủ đáp ứng nên nếu các DN đầu mối triển khai đồng loạt bán E5 thì không thể có đủ nguyên liệu.

Thực tế, công suất sản xuất ethanol của Công ty TNHH Tùng Lâm là 150.000 tấn/năm, đủ phối trộn khoảng 3 triệu lít xăng E5/năm, trong khi nhu cầu tiêu thụ vào khoảng 7,5 triệu tấn/năm. Chưa kể, một phần ethanol của Công ty TNHH Tùng Lâm còn được dùng cho y tế.

Trông vào dự án thua lỗ?

Để phục vụ chủ trương thay thế xăng khoáng bằng xăng E5, nhà nước đã đầu tư không ít dự án sản xuất ethanol. Tuy nhiên, hiện 3 nhà máy sản xuất ethanol sinh học đặt tại các tỉnh Bình Phước , Quảng Ngãi và Phú Thọ (tổng công suất 300 triệu lít/năm) đều thuộc danh mục dự án thua lỗ, “đắp chiếu” của Bộ Công Thương. Để làm sống lại các dự án này thì không dễ và dù đã có hàng loạt phương án được kỳ vọng nhưng vẫn chưa có phương án chính thức nào được công bố.

Nhiều ý kiến đánh giá mấu chốt của thất bại khi xây dựng các dự án ethanol là ở chỗ nhà nước đầu tư sai chủ trương, đầu vào và đầu ra đều không có, chưa kể việc quản trị có vấn đề. Một bên thiếu đầu vào là nhiên liệu phối trộn và một bên “than” sản xuất nhiên liệu phối trộn không có đầu ra. Chính vì vậy, chủ trương đưa xăng E5 vào tiêu thụ đại trà từ đầu năm 2018 với kỳ vọng vừa kích thích thị trường để cứu vãn các dự án ethanol đang trong tình trạng bê bết đang nhiều khả năng thất bại.

GS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Phát triển Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội, cho rằng trong cơ chế thị trường, không thể bắt buộc đưa một mặt hàng vào sử dụng là thành công mà phụ thuộc vào chất lượng, giá cả của hàng hóa. Giá xăng E5 đã thấp hơn xăng RON 92 nhưng khoảng cách còn ngắn. Thêm vào đó, các khoản thuế, phí liên quan cần được minh bạch để người dân biết và ủng hộ. Thái Lan và một số nước đã thành công trong triển khai xăng E5.

GS-TS Đặng Đình Đào đề xuất cần tổng kết, đánh giá nghiêm túc quá trình triển khai bán đại trà E5 vừa qua để có giải pháp khả thi.

Phải quyết liệt

Đại diện một DN đầu mối xăng dầu cho biết nguyên nhân chưa đầu tư đồng bộ hệ thống phối trộn, bơm dẫn… xăng E5 là bởi chưa có quyết định hành chính chính thức. Cùng với đó, lộ trình đã lùi khá nhiều lần nên chưa biết khi nào chính thức là thời hạn cuối cùng.

Do vậy, để khuyến khích DN đầu tư, nhà nước cần quyết liệt xử lý nghiêm đơn vị không tuân thủ. Đầu tư một trạm phối trộn lên đến vài chục tỉ đồng, chưa kể cần thời gian để triển khai. Nếu không quyết định sớm thì đầu tư không kịp, lại phải lùi lộ trình vì các lý do khách quan không đáng có.

Theo Thùy Dương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên