Phân định gói thầu do Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh quyết định
Luật Đấu thầu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đối với gói thầu có yêu cầu đảm bảo quốc phòng an ninh.
- 25-05-2023Luật đấu thầu không phải 'vòng kim cô'
- 09-05-2023Vì sao phải đấu thầu lần 2 dự án nhà ga ‘siêu sân bay’ Long Thành?
- 28-03-2023Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo 'nóng' liên quan đến đấu thầu dự án giao thông
Ngày 17/7, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Thông tin về Luật Đấu thầu vừa được Quốc hội thông qua, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương cho biết, luật được xây dựng nhằm mục tiêu tiếp tục tạo dựng khung pháp đầy đủ, đồng bộ, thống nhất về đấu thầu, mua sắm sử dụng nguồn vốn nhà nước; góp phần nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu; đơn giản hoá thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư, cắt giảm chi phí doanh nghiệp, tránh thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước…
Theo ông Phương, Luật Đấu thầu cũng phân cấp cho Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; Thủ tướng Chính phủ chỉ quyết định đối với gói thầu có yêu cầu đảm bảo quốc phòng an ninh.
Đáng lưu ý liên quan đến hoạt động đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, ngoài quy định chung, luật dành hẳn một chương riêng để quy định đấu thầu, nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Trên cơ sở đó, luật giao cho các cơ sở y tế công lập tự quyết định tự mua thuốc ngoài danh mục chi trả của bảo hiểm y tế, mua vắc xin để tiêm chủng theo hình thức dịch vụ; cho phép cơ sở y tế công lập được quyết định lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu mua sắm từ nguồn vốn vay, trừ vốn tín dụng đầu tư của nhà nước, vốn vay lại từ vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Luật cũng cho phép chỉ định thầu để mua thuốc, thiết bị y tế trong trường hợp cấp cứu người bệnh hoặc duy trì hoạt động của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp cấp bách, tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khoẻ người dân.
“Luật cho phép áp dụng mua sắm tập trung đối với các loại thuốc hiếm có số lượng sử dụng ít; cho phép sử dụng đàm phán giá đối với gói thầu mua biệt dược gốc, sinh phẩm tham chiếu…”, ông Phương cho hay.
Cùng với đó, lần sửa đổi này cũng bổ sung quy định hồ sơ mời thầu nhằm hạn chế tình trạng cài cắm tiêu chí đánh giá, gây sự cạnh tranh không bình đẳng.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT, mô hình máy đặt, máy mượn trong hệ thống bệnh viện công hết sức đặc thù trong ngành y tế. Cơ quan soạn thảo đã phải mất rất nhiều thời gian để nghiên cứu, thể chế hóa thành quy định của pháp luật.
Ông Phương nhấn mạnh, quy định về mô hình máy đặt, máy mượn phải đảm bảo 2 mục tiêu đảm bảo chất lượng dịch vụ và người bệnh được sử dụng với chi phí hợp lý nhất. Do vậy, phải làm sao để mô hình máy mượn, máy đặt không bị lợi dụng, lách luật, tiêu cực. Theo ông, để làm được điều này, việc lựa chọn nhà thầu phải minh bạch để lựa chọn máy, sinh phẩm tốt nhất, giá cả hợp lý nhất.
Tiền phong