MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phí chồng phí, giá cước tăng cao, thiếu tài xế chạy xe, chuyện gì đang xảy ra với các ứng dụng gọi xe công nghệ?

13-07-2022 - 15:48 PM | Thị trường

Phí chồng phí, giá cước tăng cao, thiếu tài xế chạy xe, chuyện gì đang xảy ra với các ứng dụng gọi xe công nghệ?

Hiện nay, giá cước xe công nghệ ngày càng cao, có những chuyến xe giá tăng gấp đôi, thậm chí khi mưa còn có thể tăng gấp 3 trước đó. Nhiều bất tiện liên tiếp diễn ra đang khiến người dùng quay về với taxi truyền thống.

Nhiều bất tiện với cả tài xế và khách hàng

Vài ngày trở lại đây, thông tin Grab phụ thu thêm phí "thời tiết nắng nóng gay gắt", cước xe tăng thêm 3.000 tới 5.000 đồng đã khiến nhiều khách hàng xôn xao.

Cụ thể, từ ngày 6/7, hãng xe công nghệ Grab áp dụng chính sách phụ thu phí thời tiết nắng nóng 3.000 - 5.000 đồng với các dịch vụ GrabBike, GrabFood nhằm hỗ trợ giảm bớt vất vả cho tài xế khi thực hiện các đơn hàng.

Việc phụ thu thêm phí "thời tiết nắng nóng gay gắt" cũng khiến chính các tài xế đối tác của Grab cũng tỏ thái độ không hài lòng, bởi đáng ra các tài xế là người được hưởng khoản phí này vì họ là những người trực tiếp chịu cảnh nắng nôi cực nhọc trên đường. Thế nhưng, theo chia sẻ của một số tài xế Grab thì mức phụ phí nắng nóng tài xế được hưởng chỉ có 2.000 đồng/cuốc xe hoàn thành, khoản còn lại 'chảy' vào túi Grab.

Phí chồng phí, giá cước tăng cao, thiếu tài xế chạy xe, chuyện gì đang xảy ra với các ứng dụng gọi xe công nghệ? - Ảnh 1.

Thực tế, chưa kể đến phí nắng nóng thì Grab và các ứng dụng gọi xe công nghệ khác đã áp dụng nhiều loại phụ phí khác nhau. Danh sách phụ phí mà các hãng đang áp dụng hiện nay là phí giờ cao điểm, phí nhu cầu tăng cao, phí ngập nước, phí mưa to, phí đặt dịch vụ lúc khuya, dịp lễ Tết,... Chưa hết, GrabBike tới đón khách, nếu phải chờ quá 5 phút, Grab còn thu thêm khách hàng khoản phí chờ khoảng 2.000 đồng.

Các loại phụ phí này được cộng dồn vào giá cước chính chính và được thông báo trên ứng dụng khi khách gọi xe. Phí nắng nóng đã nối dài danh sách các loại phí mà khách hàng phải trả khi sử dụng dịch vụ xe công nghệ.

Gần đây, nhiều khách hàng phản ánh giá cước Grab và một số ứng dụng khác tăng vọt. Dù thời điểm đặt xe cũng không phải trong giờ cao điểm. 

Chính vì giá cước tăng cao và hãng xe tận thu, nhiều tài xế xe công nghệ chuyển sang nhờ khách hủy chuyến để ‘gian lận’.

Sau khi liên hệ được với khách hàng, tài xế thường đề nghị khách hủy chuyến trên ứng dụng. Sau đó giao dịch thực tế vẫn được thực hiện, có thể bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Như vậy, tài xế sẽ hưởng cả phần tiền lẽ ra phải chiết khấu cho hãng xe công nghệ đó - đơn vị trung gian kết nối họ với khách hàng.

Phí chồng phí, giá cước tăng cao, thiếu tài xế chạy xe, chuyện gì đang xảy ra với các ứng dụng gọi xe công nghệ? - Ảnh 2.

Chị Hằng (Hà Nội) chia sẻ: "Mình đã gặp những trường hợp như vậy và thấy nhiều người khá khó chịu về kiểu hành xử của tài xế, thậm chí đánh giá 2-3 sao. Lúc đầu mình cũng không thích thái độ đó. Tuy nhiên, nghe lý do cũng phần nào thông cảm cho họ."

Hầu hết lý do của tài xế khi đưa ra đề nghị này là qua nhiều lần tăng, giá xăng đã cao hơn trước cả chục nghìn đồng trong khi giá cước chỉ nhích lên chút, hãng vẫn giữ mức chiết khấu cao khiến họ thiệt thòi, thu nhập ít ỏi.

"Số tiền mà em nhận được từ mỗi cuốc xe sau khi trừ hết chi phí ngày càng ít. Xăng tăng giá thì chỉ mỗi bọn em thiệt thôi. Hồi trước em hay nhờ khách nhấn hủy chuyến trên app để không phải trả phần trăm cho hãng, nhiều khách thông cảm nên đồng ý, nhưng cũng có nhiều người không hài lòng và cho rằng như vậy chẳng khác nào lừa đảo. Bình thường, em tắt app tự tìm khách trên đường, nhưng khi ế quá thì cũng vẫn phải bật app để kiếm thêm cuốc", một tài xế công nghệ tâm sự.

Không dừng lại ở việc hủy chuyến, thời gian gần đây lại xảy ra tình trạng khó đặt xe, app hiển thị tìm tài xế khá lâu, thậm chí hiển thị "rất tiếc không có tài xế nào quanh đây". Đây là trải nghiệm không tốt đối với dịch vụ gọi xe công nghệ.

Trước đây, chỉ cần mở app nhập địa chỉ đi, đến trên màn hình hiển thị rất nhiều xe. Chỉ cần xác nhận 1 - 2 phút là có tài xế tới đón, nay phải chờ khá lâu, thậm chí có khi phải đợi 15 - 30 phút.

Không chỉ dịch vụ xe 4 bánh, ngay cả xe 2 bánh, số lượng tài xế đông đúc, đến nay khách hàng cũng phải chờ đợi khá lâu khi đặt xe, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm 7h - 9h sáng và 16h30 - 18h30. Ghi nhận cho thấy tình trạng khó đặt xe công nghệ hoặc thời gian đợi chờ kéo dài hầu hết xảy ra tại Grab, Be, Gojek.

Giá xăng dầu đã tăng quá ngưỡng chịu đựng của tài xế. Hầu hết các hãng xe đều đối mặt với tình trạng thiếu tài xế, bất chấp các chương trình thưởng giữ chân đối tác.

Phí chồng phí, giá cước tăng cao, thiếu tài xế chạy xe, chuyện gì đang xảy ra với các ứng dụng gọi xe công nghệ? - Ảnh 3.

Giá nhiên liệu tăng cao, thời tiết mưa to thất thường, nhiều tài xế ngại nhận cuốc xe trong các khung giờ cao điểm. Giá cước vào khung giờ cao điểm cao gấp 2 - 3 lần cũng không hấp dẫn với các bác tài vì sợ tắc đường, ngập nước...

Không chỉ vậy, nhiều trường hợp lái xe về quê, ở nhà và vào làm tại các khu công nghiệp, không mong muốn quay trở lại thành phố vì áp lực phí sinh hoạt.

Một tài xế hãng Sao Thủ đô cho hay: "Đa số các lái xe đều về quê, làm trong các khu công nghiệp bởi bây giờ đang cần nhiều nhân lực trong đó. Tôi thấy kiếm được 5 triệu ở quê còn hơn kiếm được 10 triệu trên thành phố rất nhiều. Vì vậy mà nhiều anh em nghỉ việc, hãng taxi hiện đang có mấy trăm xe ngoài bãi không có ai lái."

Mệt mỏi với xe công nghệ, hành khách đang quay lại với taxi truyền thống

Anh Dũng (Hà Nội) cho biết: "Gia đình tôi có việc cần di chuyển với quãng đường 5km, nhưng giá cước lên tới 150.000 đồng. Mức giá này cao gấp đôi so với trước kia. Trong khi đó, các hãng xe công nghệ giờ cũng hạn chế tối đa mã giảm giá cho khách hàng. Sau khi đặt được xe, các tài xế tiếp tục yêu cầu tôi hủy chuyến với đủ các lý do như "đang ở xa điểm đón", "hỏng xe"... Dù đây là khung giờ thấp điểm, tài xế xung quanh rất nhiều, nhưng hầu như chẳng ai chịu nhận chuyến.

Vừa phải chịu giá cao, vừa muộn giờ, lại bức xúc vì thái độ của các tài xế, tôi đã quyết định gọi taxi truyền thống cho nhanh. Gọi điện lên tổng đài đặt xe, chỉ khoảng ba phút sau, tài xế taxi đã chủ động liên lạc cho tôi báo đã tới điểm đón."

Phí chồng phí, giá cước tăng cao, thiếu tài xế chạy xe, chuyện gì đang xảy ra với các ứng dụng gọi xe công nghệ? - Ảnh 4.

Rõ ràng, các hãng xe công nghệ từng có thời điểm nắm giữ ưu thế vượt trội so với các hãng taxi truyền thống. Nhưng giờ đây, khi không biết tận dụng lợi thế về công nghệ của mình để cải thiện chất lượng dịch vụ, họ lại đang tự đánh mất đi khách hàng lớn vào tay taxi truyền thống. Trong khi đó, các hãng taxi truyền thống lại đang có một sự chuyển mình đáng kể về công nghệ và thái độ phục vụ, đảm bảo giá cước ổn định, nên từng bước giành lại thị phần từ đối thủ.

https://cafef.vn/phi-chong-phi-gia-cuoc-tang-cao-thieu-tai-xe-chay-xe-chuyen-gi-dang-xay-ra-voi-cac-ung-dung-goi-xe-cong-nghe-20220713143911573.chn

Khánh Vy

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên