Phó Chủ tịch TPBank Đỗ Anh Tú: Phục vụ 24/7, hầu tận răng khách hàng, mới chỉ chúng tôi làm được
Ông Đỗ Anh Tú - Phó Chủ tịch HĐQT TPBank
Ông Đỗ Anh Tú - Phó Chủ tịch HĐQT TPBank cho rằng, nhiều người nhắc đến ngân hàng số, so sánh ngân hàng có App này hay, App kia hay, nhưng đó mới chỉ là App, còn "số" là phải "số" từ trong ra ngoài, từ A đến Z.
Ngân hàng số là cụm từ không còn xa lạ trên thị trường tài chính ngân hàng. Trong vài năm trở lại đây, các nhà băng đã đua nhau cho ra mắt loạt ngân hàng số thế hệ mới với nhiều tính năng hiện đại. Cuộc đua này vẫn còn rất gay gắt và cũng đang có sự phân hoá khá lớn trong hệ thống. Một số ngân hàng đã tiên phong đầu tư công nghệ để chuyển đổi số từ cách đây 3-5 năm, nhưng có ngân hàng mới chỉ vài năm trở lại đây, và thậm chí còn nhiều nhà băng bây giờ mới bắt đầu bắt tay vào làm. Hơn nữa, mỗi ngân hàng cũng có chính sách, chiến lược riêng cho ngân hàng số.
Ông Đỗ Anh Tú - Phó Chủ tịch HĐQT TPBank nêu quan điểm, nhiều người nhắc đến ngân hàng số, so sánh ngân hàng có App này hay, App kia hay, nhưng đó mới chỉ là App, còn "số" là phải "số" từ trong ra ngoài, từ A đến Z.
"Tại thời điểm này có thể tự tin rằng ngân hàng số của TPBank đã đi trước các ngân hàng khác, vài ba năm thì hơi chủ quan, nhưng 1 năm thì có thể. Hiện nay, có ngân hàng nào tại Việt Nam mà khách hàng có thể gọi Call Center, chưa cần nói gì cũng đã biết bạn là ai, làm được thẻ 24/7 và duy nhất chỉ cần vân tay", ông Tú nói.
Ông Tú cho rằng khách hàng quan trọng nhất trải nghiệm và trải nghiệm thì phải được dùng công nghệ mới nhất. Muốn lúc nào khách hàng cần, ngân hàng phải có ở đó thì phải có công nghệ để phân tích, có Bigdata. Và đây là những thứ mà TPBank đang có, đang thực hiện.
"Đây là cuộc đua thì cũng sẽ có lúc có mặt họ hơn chúng tôi một chút, nhưng về mặt tổng thể, tôi tin chắc rằng tại thời điểm này, không ai nói rằng TPBank là ngân hàng số 2 về ngân hàng số", vị lãnh đạo TPBank tự tin chia sẻ. Ông nói thêm rằng, với TPBank về ngân hàng số, cái đích không phải là so với ngân hàng Việt Nam.
"10 giờ đêm ra mở cái thẻ để sáng hôm sau đi ra nước ngoài, bây giờ có ngân hàng nào làm được? Với dịch vụ ngân hàng cơ bản, chúng tôi có thể phục vụ 24/7".
"Hầu tận chân răng khách hàng như vậy, mới chỉ có chúng tôi làm được", ông Đỗ Anh Tú nói.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết ngân hàng số là hướng đi giúp TPBank tăng lượng khách hàng mới nhanh chóng, mở rộng thị phần. Số hóa đã mang lại lợi ích rất lớn cho nhà băng này, không chỉ vê chi phí nhân lực mà còn về đồ chính xác, giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng.
"TPBank đang tiếp tục phát triển về hạ tầng, mua các giải pháp từ đối tác nước ngoài, sẽ ứng dụng các chatbot để thay thế nhân viên trực tổng đài, triển khai các giải pháp số hóa với khách hàng doanh nghiệp…", ông Hưng cho hay. Năm ngoái, TPBank đã ứng dụng được 75 robot thay thế cho những công việc của của 180 nhân viên fulltime. Năm nay, ngân hàng sẽ triển khai với tiến độ 5 robot/tuần, dự kiến có 140 robot trong cả năm.
TPBank cũng cho biết, ngân hàng tiếp tục muốn mở rộng mạng lưới LiveBank thêm ít nhất 40 điểm lên 370 điểm trong năm nay.
CEO TPBank cho hay, ngân hàng số sẽ giúp ngân hàng khắc phục hạn chế về chi nhánh, phòng giao dịch. Vì TPBank "sinh sau đẻ muộn" nên số chi nhánh không nhiều, nhưng bù lại trên LiveBank đã có thể thay thế được mạng lưới chi nhánh và phục vụ lượng khách đông đảo, với trải nghiệm mới khác biệt so với truyền thống.
"Nói vậy không có nghĩa coi nhẹ kênh truyền thống bởi hàng năm TPBank vẫn xin phép NHNN được mở thêm chi nhánh. Nhưng quy định của NHNN mỗi năm không mở quá 5 chi nhánh và thủ tục thì khá lâu nên không thể quá trông chờ vào việc thông qua các phòng giao dịch truyền thống được mà bắt buộc phải mở rộng thị phần thông qua các kênh số. Riêng các điểm LiveBank thôi cũng đã có vài chục nghìn khách hàng mới mỗi tháng và khách hàng có hoạt động luôn".
Ngoài ra, ngân hàng còn thực hiện số hoá ở rất nhiều mặt, các dịch vụ như Bigdata cũng đang được triển khai. Khách hàng dùng eBank có thể tra cứu bất kỳ giao dịch nào từ năm 2012 đến nay, ông Hưng cho rằng hiện chưa ngân hàng nào ngoài TPBank làm được điều này.
Lãnh đạo TPBank cho biết thêm, ngân hàng cũng đang đầu tư vào Blockchain, vào AI, Machine Learning, Chatbot,... ứng dụng sinh trắc học để xác thực khách hàng,...Mỗi một năm, ngân hàng đầu tư 400-500 tỷ, chưa kể chi phí vận hành cho các hệ thống này. Tuy nhiên, rõ ràng, những hệ thống này đã giúp ngân hàng được giảm rất nhiều chi phí, đồng thời giúp TPBank có nền tảng khách hàng về sau.