Phó Thủ tướng: Đầu tư cho đường sắt cao tốc là đầu tư cho tương lai
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đầu tư cho đường sắt cao tốc là đầu tư dài hạn cho tương lai. Đó không chỉ là một tuyến đường sắt hay một con tàu, mà phải đặt ra mục tiêu tổng thể là hình thành ngành công nghiệp có năng lực làm chủ công nghệ.
- 12-10-2023Bổ sung 5 nhóm với khoảng 3 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
- 12-10-2023Ngỡ ngàng cụm công nghiệp hàng trăm tỷ... 'nằm im'
- 12-10-2023Tình hình kinh tế sau 9 tháng của 3 tỉnh dự kiến lên thành phố trực thuộc Trung ương ra sao?
Chiều 12/10, Ban Chỉ đạo xây dựng, thực hiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và các dự án đường sắt quan trọng quốc gia (Đề án) đã họp phiên thứ nhất.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đường sắt hiện đang mất dần vai trò, thị phần giảm sút, không cạnh tranh được với các phương thức vận tải khác. Thực trạng trên đặt ra yêu cầu phát triển đường sắt tốc độ cao nhằm mở ra không gian mới để phát triển bền vững, sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng hệ thống đường sắt, trong đó có đường sắt tốc độ cao của Việt Nam đang lỡ hẹn với yêu cầu phát triển của nền kinh tế.
"Đầu tư cho đường sắt cao tốc là đầu tư dài hạn cho tương lai. Đó không chỉ là một tuyến đường sắt hay một con tàu, mà phải đặt ra mục tiêu tổng thể là hình thành ngành công nghiệp có năng lực làm chủ công nghệ, để vận hành an toàn, hiệu quả, bền vững trong hệ sinh thái giao thông vận tải”, ông Hà nhấn mạnh.
Chung nhận định, ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - nêu quan điểm không thể chậm trễ hơn nữa trong phát triển đường sắt tốc độ cao.
Cho rằng các hành lang kinh tế, trục tăng trưởng, đô thị lớn của đất nước đều chạy dọc theo tuyến Bắc - Nam, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn lưu ý phải đầu tư xây mới tuyến đường sắt đôi phục vụ hành khách và dự phòng vận tải hàng hoá khi có nhu cầu.
Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu làm rõ những căn cứ, luận điểm khoa học và thực tiễn về vai trò, vị trí của đường sắt tốc độ cao đối với sự phát triển của đất nước. Cùng với đó, chứng minh tính hiệu quả để giải bài toán nguồn lực huy động; đề xuất gói cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, tài chính, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực…
Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý việc lựa chọn kịch bản phát triển đường sắt tốc độ cao phải do thị trường quyết định, trong đó khâu dự báo nhu cầu là rất quan trọng để tính toán hiệu quả đầu tư.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT tiếp tục mời các chuyên gia kỹ thuật, kinh tế trong nước và quốc tế để nghiên cứu thấu đáo, giải trình đầy đủ, thuyết phục đối với những vấn đề đặt ra; kế thừa và tiếp thu nghiêm túc những điểm mới, phù hợp thực tiễn, yêu cầu phát triển của đất nước cũng như xu thế trên thế giới.
Tiền Phong