Phụ thuộc nguyên phụ liệu nhập khẩu, công nghiệp hỗ trợ còn khó khăn
Về lâu dài cần tăng tính tự chủ nguyên vật liệu, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu mới nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu.
- 17-08-2021Chuyện phải mất hơn... 48 năm để hỗ trợ, tư vấn cho toàn bộ doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và sự thay đổi từ Bắc Ninh, Hải Dương
- 15-06-2021Thủ tướng: Sớm ban hành chính sách hỗ trợ công nhân, doanh nghiệp khó khăn vì Covid-19
- 20-05-2021Lo làn sóng Covid-19 mới làm đứt chuỗi cung ứng của các "ông lớn" tại Việt Nam, Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ kêu cứu
Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào nhập khẩu. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng nổ tại các quốc gia cung ứng linh phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam đã khiến CNHT trong nước gặp rất nhiều khó khăn trong bảo đảm các yếu tố đầu vào cho sản xuất.
Bà Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội CNHT Việt Nam (VASI) cho biết, biến cố từ dịch bệnh đã khiến các chuỗi cung ứng trong ngành công nghiệp chế tạo trên thế giới bị đứt gãy. Mặc dù vẫn có thể duy trì sản xuất nhưng gần 50% số DN thuộc VASI bị sụt giảm doanh thu.
“DN liên tiếp trải qua 4 đợt bùng phát dịch, khiến việc sản xuất trở nên khó khăn, nội lực yếu dần. Trong khi thực tế năng lực của hầu hết DN công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam còn rất yếu kém so với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ…”, bà Bình nói.
Theo nhận định của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), thực trạng phụ thuộc nguyên phụ liệu không chỉ gây ảnh hưởng đến việc phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn. “Phát triển CNHT từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam”, đại diện Cục Công nghiệp chỉ rõ.
Một trong những vấn đề nổi cộm khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất CNHT hiện nay là sự thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương. Đặc trưng của CNHT có tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính, nhưng các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hoá, quy định về thực phẩm thiết yếu… càng gây thêm khó khăn cho DN trong giao dịch, lưu thông hàng hoá.
TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, phát triển mạnh CNHT mới giúp Việt Nam dần chuyển từ nền kinh tế gia công, lắp ráp xuất khẩu sang trình độ sản xuất cao hơn. Tuy nhiên, vấn đề này thời gian qua dù đã được quan tâm với nhiều chính sách, giải pháp nhưng thực tế chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.
Tăng liên kết, tập trung để tự chủ nguồn nguyên liệu
Giải pháp nhằm tháo gỡ vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng thời gian tới được Cục Công nghiệp đưa ra chính là việc xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển CNHT và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển; tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với DN CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, đại diện Cục Công nghiệp cũng nhắc tới yếu tố tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước, thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các DN Việt Nam với các DN đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài. Trong đó xây dựng các khu CNHT tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm và DN Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Bà Trương Thị Chí Bình đề xuất, về dài lâu, Chính phủ có thể ban hành Luật Công nghiệp hỗ trợ/Luật Công nghiệp để khẳng định tầm quan trọng của loại hình công nghiệp này, từ đó có các chính sách chuyên biệt nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp, đón các dòng đầu tư và dịch chuyển sản xuất từ các quốc gia.
Ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cho rằng, triển khai thực hiện Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030 theo Quyết định số 130/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là thúc đẩy hình thành, phát triển một số ngành công nghiệp công nghệ cao như sản xuất thiết bị tự động hoá, công nghiệp sinh học, vật liệu mới và điện tử - công nghệ thông tin….
Cùng với đó, Bộ Công Thương triển khai hỗ trợ xây dựng, định hướng, phát triển hệ sinh thái DN sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ đẩy mạnh hiệu quả và phát triển một số dịch vụ ứng dụng công nghệ cao có chất lượng và giá trị gia tăng cao, CNHT phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ cao.
Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực công nghiệp cũng cho rằng, thực tế hiện nay, năng lực các DN CNHT Việt Nam còn thấp, hàm lượng giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm trong nước chưa cao. Do đó, trước tiên cần bảo đảm quy mô thị trường nội địa để phát triển CNHT trước khi hướng đến các thị trường xuất khẩu. Rất cần có các chính sách phù hợp nhằm bảo vệ thị trường nội địa, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh để thúc đẩy phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp trong nước./.
VOV