MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quá tải đơn hàng Tết

03-02-2024 - 10:55 AM | Thị trường

Năm nay tình trạng quá tải giao hàng dịp Tết Nguyên đán diễn ra sớm hơn mọi năm.

Bán hàng online lẫn nhu cầu đặt shipper giao hàng tăng cao vào những ngày cận Tết. Không chỉ người bán hàng, giao hàng mà người nhận đều sốt ruột.

Khó giao hàng đúng hẹn

Từ ngày 19 tháng chạp (29-1), Công ty TNHH Ba Thức Food, chuyên bán hàng trên TikTokShop, đã ngưng nhận đơn hàng đi các tỉnh, thay vì 22 tháng chạp như kế hoạch vì lo ngại các hãng giao hàng quá tải. Anh Phan Minh Thức, đồng sáng lập Ba Thức Food, cho biết công ty kinh doanh thực phẩm nên nếu nhận đơn hàng rồi giao không được, hàng trả về sẽ thiệt hại rất lớn bao gồm: cước vận chuyển đi - về, chi phí bao bì, chưa kể hàng hư hỏng.

Hiện tại Ba Thức Food chỉ còn nhận đơn hàng tại TP HCM và Hà Nội, khách hàng cần thanh toán trước và công ty sẽ gửi hàng qua Ahamove để giao trong ngày. Ngoài ra, công ty cũng mới khai trương cửa hàng để bán trực tiếp cho đến ngày 29 tháng chạp.

Bà Huỳnh Thị Mỹ Tiên, quản lý shop giày online (quận 3, TP HCM), than thở những đơn hàng giao cận Tết của shop đang bị tắc. Nhiều đơn giao nội thành nhưng mất tới 2 ngày, khách phàn nàn, có người đã về quê nên shipper phải hoàn lại hàng. "Mấy ngày cận Tết khổ lắm, cứ 10 đơn ít nhất phải có 1-2 đơn bị hoàn về do giao không kịp cho khách. Tôi có khách ở Dĩ An (Bình Dương) đặt mua đôi giày thể thao, gửi từ TP HCM xuống đó gần 5 ngày. Họ thấy lâu nên không nhận hàng nữa" - chị Tiên nói.

Bà Nguyễn Thanh Nhàn, nhân viên bán hàng online một công ty mỹ phẩm tại TP HCM, cho biết thời điểm này, những đơn hàng giao qua các đơn vị vận chuyển thường bị chậm, dễ thấy là giỏ hàng, túi đựng của shipper lúc nào cũng đầy ắp. "Bình thường người dân sẽ có thói quen hỏi giá, sau đó lưỡng lự rồi đến cận Tết mới chốt đơn. Do đó, đơn hàng ùn ứ, không chỉ shipper mà chúng tôi cũng phải làm việc tăng ca 3-4 giờ để đóng hàng giao cho khách" - bà Nhàn chia sẻ.

Đại diện chuyển phát nhanh J&T Express thừa nhận thị trường vận chuyển đang vô cùng nhộn nhịp, số lượng đơn hàng đổ về dịp Tết tăng gấp 2-3 lần so với ngày thường, nếu so với cùng kỳ năm ngoái lượng đơn hàng tăng khoảng 20%. Còn theo đại diện của Viettel Post, lượng đơn hàng vận chuyển trong dịp cận Tết tăng đến 80%, có thời điểm lên đến gần 1,6 triệu đơn/ngày.

Bưu cục của các hãng vận chuyển luôn trong tình trạng đầy ắp hàng hóaẢnh: Nguyễn Hải

Bưu cục của các hãng vận chuyển luôn trong tình trạng đầy ắp hàng hóaẢnh: Nguyễn Hải

Không hẳn do bùng nổ mua sắm online

ThS Đỗ Quang Huy, chuyên gia về thương mại điện tử, cho rằng năm nay tình trạng quá tải giao hàng diễn ra sớm hơn mọi năm, đặc biệt tại khu vực miền Bắc, thời tiết rét kỷ lục khiến việc giao hàng khó khăn. "Nhiều shipper nghỉ Tết sớm khi thấy chế độ lương thưởng làm việc ngày cao điểm không tốt càng khiến tình trạng quá tải thêm nghiêm trọng" - ông Huy nhận định.

Điều này buộc cho các nhà bán online phải xử lý bằng cách cho nhân viên đến bưu cục gửi hàng, đổi nhà vận chuyển, gửi xe khách, thậm chí nghỉ Tết sớm. "Từ 23 tháng chạp, khách mua hàng online mà muốn được giao trước Tết thì rất "hên xui". Do vậy, người tiêu dùng tốt nhất nên mua hàng trực tiếp để chắc chắn có hàng" - ông Huy nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan (công ty cung cấp giải pháp thương mại điện tử và bán lẻ), cho rằng do kinh tế khó khăn, người tiêu dùng mua sắm trễ dẫn đến quá tải chứ không phải do thương mại điện tử bùng nổ. "Thực tế, những dịp siêu khuyến mãi trước Tết sức mua vẫn chậm, khách chỉ mua hàng trước Tết 3-4 tuần nên các hãng vận chuyển không thể xử lý được đơn hàng khi tăng đột biến. Ngoài ra, cận Tết phát sinh rất nhiều nhà bán nhỏ lẻ, không chuyên, bán thực phẩm nhà làm, đặc sản quê cũng khiến các hãng giao hàng thêm quá tải" - ông Tấn nhận định.

Cũng theo ông Tấn, các hãng giao hàng sau một thời gian đầu tư, trợ giá cho nhà bán, shipper… cũng phải tối ưu hóa lợi nhuận, siết các chính sách với shipper nên khó thu hút người lao động làm việc cận Tết.

Các hãng giao hàng cũng thừa nhận sự quá tải, xin lỗi các khách hàng và xử lý bằng cách nhiều tuyến giao hàng. Như hãng Giao Hàng Nhanh đã gửi thông báo dài 45 trang đến khách hàng về các tuyến giao hàng bị tắt, một số tuyến dự định mở lại trước Tết nhưng cũng có tuyến ngưng đến tận 14-2 (tức nghỉ nguyên cao điểm Tết). Như tại TP HCM, hãng này tắt tuyến tại 9 phường thuộc quận 1, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân. Tại quận 1, các phường Bến Nghé, Phạm Ngũ Lão, Bến Thành dự kiến đến 14-2 mới mở lại. Lý do hãng này đưa ra là một số tuyến giao hàng hiện tại đang quá tải dẫn đến thời gian giao hàng dự kiến sẽ chậm trễ hơn so với bình thường.

Trong khi các nhà bán hàng lẻ đang lo sốt vó vì không kịp giao hàng cho khách trước Tết, các sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam cho biết đã chủ động các kịch bản để bảo đảm việc vận chuyển, giao hàng ổn định, không ùn ứ, quá tải dẫn đến giao hàng chậm cho khách. Đơn cử, Shopee cam kết dịch vụ giao hàng hoạt động bình thường đến hết ngày 8-2 (29 tháng chạp). Vì vậy, khách hàng cần mua hàng trước thời điểm này để bảo đảm sản phẩm đủ thời gian chuẩn bị và vận chuyển.

Sàn Lazada thì yêu cầu người bán xử lý các đơn hàng phát sinh đến ngày 6-2 (27 tháng chạp). Riêng với các sản phẩm Hỗ trợ giao nhanh 24h, hạn cuối đặt hàng là 12 giờ ngày 7-2 (28 tháng chạp). Tuy nhiên, theo các chủ shop, đây là quy định về vận hành của các sàn, người mua nên trao đổi trước với shop để chắc chắn đơn hàng có kịp giao trước Tết hay không. 

Shipper giao nhầm hàng

Mấy ngày nay, chị Ngọc Bích (ngụ TP Thủ Đức, TP HCM), mỗi ngày đều lên xuống chung cư 5-7 lần để gửi hàng, nhận hàng rồi… tìm hàng. Từ quà cáp cho gia đình, người thân dịp Tết đến mua thực phẩm, trái cây, đồ tiêu dùng, chị đều đặt rồi chờ shipper giao tới. "Đơn hàng nào tôi cũng ghi rõ số căn hộ, sảnh, tháp, địa chỉ chung cư nhưng có nhiều shipper không để ý nên vẫn bị giao nhầm tòa nhà. Bạn tôi gửi hàng cho tôi ở tháp LD của chung cư, mà shipper gửi vào tận kho ở tháp LE cách đó vài trăm mét. Kết quả là cả tôi, bảo vệ, lễ tân của chung cư đến bác shipper cùng đi tìm" - chị Bích kể.

Theo đại diện Gojek, trong tuần qua, Gojek ghi nhận đơn hàng sử dụng dịch vụ gửi hàng hóa qua GoSend có xu hướng tăng mạnh, tỉ lệ tăng hai con số so với tuần trước đó. Trong khi lượng đối tác tài xế hoạt động giai đoạn này có xu hướng giảm do nhiều người về quê, nghỉ lễ dẫn đến quá tải. "Gojek phải áp dụng một số khoản phụ phí nghỉ lễ đối với các khoản cước vận tải để bù đắp các đối tác tài xế" - đại diện Gojek cho biết.


Theo Nhóm PV

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên