Quản gạo xuất khẩu thế nào?
Thời gian qua, kể từ khi Nghị định 109/2011/NĐ-CP (NĐ 109) về điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo được áp dụng, những kỳ vọng thúc đẩy, phát triển ngành sản xuất lúa gạo đã không đạt được như mong muốn.
- 17-03-2017Bộ Công Thương khẳng định: "xin giấy phép xuất khẩu gạo 20.000 USD là bịa đặt"
- 11-03-2017Xuất khẩu gạo sang Trung Quốc sẽ tập trung vào chính ngạch
- 01-03-2017Sự thật việc “xin giấy phép xuất khẩu gạo giá 20.000 USD”
Bằng chứng là, trước khi có nghị định này, cả nước có 230 doanh nghiệp thì hiện chỉ còn khoảng 80 đơn vị tham gia xuất khẩu gạo. Theo các nhà quản lý kinh tế, những điều kiện khắt khe trong NĐ/109 khiến doanh nghiệp phải đầu tư cơ sở hạ tầng rất lớn. Không chỉ vậy, do nghị định yêu cầu doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng xuất gạo với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hoặc được hưởng mức 80% gạo xuất khẩu trong hợp đồng tập trung (do Nhà nước ký)... đã dẫn đến tình trạng độc quyền, lạm quyền, cạnh tranh không lành mạnh, rồi cơ chế “xin - cho”... làm đội chi phí xuất khẩu.
Các nhà quản lý chỉ ra, đây là điểm mấu chốt khiến Nhà nước không quản lý được giá gạo xuất khẩu, không điều tiết được thị trường và làm cho ngành sản xuất lúa gạo đi xuống cũng như khiến các doanh nghiệp trong nước không thể tạo dựng được thương hiệu mạnh.
Theo thống kê, gạo Việt Nam đã có ở hơn 150 nước, nhưng lợi nhuận canh tác gạo chỉ đạt trung bình khoảng 35 - 40 triệu đồng/ha/năm, thấp hơn từ 1,5 - 2,7 lần so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân là do giá trị không cao, tỉ lệ gạo hơn 15% tấm chiếm tới 36% và không có hợp đồng tiêu thụ ổn định.
Vì thế, việc sửa đổi NĐ/109 là cần thiết và phải làm ngay, tâp trung theo hướng nhà nước quản lý giá và chất lượng hạt gạo. Các nhà khoa học đề xuất, các nước trên thế giới nhập khẩu gạo đòi hỏi rất khắt khe về nguồn gốc, quy trình sản xuất lúa nên Nhà nước có hướng mở để khuyến khích doanh nghiệp liên kết với nông dân hình thành vùng chuyên canh, sản xuất lúa gạo chất lượng cao và các dịch vụ đi kèm chuyên sâu như giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, xay xát, bảo quản...
Đặc biệt, để nâng cao tính cạnh tranh của ngành gạo, Nhà nước cần cải tổ VFA, tránh tình trạng độc quyền và đặc quyền trong kinh doanh lúa gạo như hiện nay.
Lao động