MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quận nội thành Hà Nội đấu giá đất mức khởi điểm 250 triệu đồng m2

03-11-2023 - 10:33 AM | Bất động sản

16 thửa đất tại Quận Cầu Giấy chuẩn bị được đưa ra đấu giá với mức khởi điểm gần 250 triệu đồng/m2 và nếu đấu  thành công thì tổng số tiền thu về theo giá khởi điểm là hơn 218,7 tỷ đồng.

Giá khởi điểm cao

Trung tâm Phát triển quỹ đất Cầu Giấy (quận Cầu Giấy, Hà Nội) vừa có thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là quyền sử dụng đất đối với 16 thửa đất thuộc ô đất D18 Khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Dịch Vọng và 2 khu đất tại ngõ 39 phố Tú Mỡ và ngõ 87 phố Nguyễn Thị Định, phường Trung Hòa.

Trong đó, ô đất D18 Khu đô thị mới Cầu Giấy gồm 2 thửa B10 và B19; trong đó, thửa B10 có diện tích 153 m2, giá khởi điểm 248,2 triệu đồng/m2; thửa B19 có diện tích 159 m2, giá khởi điểm 186 triệu đồng/m2.

Còn khu đất ngõ 39 phố Tú Mỡ có 6 thửa đất được đánh số từ 1 đến 6. Trong đó, thửa số 1 có diện tích 43,3 m2, giá khởi điểm 166,4 triệu đồng/m2; thửa số 2 có diện tích 62,7 m2; thửa số 3 có diện tích 63,1 m2; thửa số 4 có diện tích 63,8 m2; thửa số 5 có diện tích 64,4 m2 (các thửa này có giá khởi điểm đều là 160,8 triệu đồng/m2. Riêng thửa số 6 có diện tích 145 m2, giá khởi điểm là 187,1 triệu đồng/m2).

Quận nội thành Hà Nội đấu giá đất mức khởi điểm 250 triệu đồng m2 - Ảnh 1.

Giá khởi điểm gần 250 triệu đồng/m2 của thửa B10 thuộc ô đất D18 Khu đô thị mới Cầu Giấy gây "choáng". (Ảnh: Lộc Liên)

Đối với khu đất ngõ 87 phố Nguyễn Thị Định có 6 thửa đất được đánh số từ 1 đến 6. Trong đó, thửa số 1, số 2, số 3, số 4 đều có diện tích 58,7 m2 và có giá khởi điểm đều là 181,3 triệu đồng/m2. Thửa số 5 có diện tích 84,2 m2, giá khởi điểm 173,5 triệu đồng/m2. Thửa số 6 có diện tích 117,7 m2, giá khởi điểm 159,1 triệu đồng/m2.

Theo dự kiến, nếu đấu giá thành công 16 thửa đất trên, tổng số tiền thu về theo giá khởi điểm là hơn 218,7 tỷ đồng.

Đây không phải lần đầu tiên Quận Cầu Giấy đấu giá đất với mức giá khởi điểm cao như vậy. Bởi hồi cuối năm 2021, 25 lô đất tại khu X4 phường Mai Dịch từng được đem ra đấu giá với mức khởi điểm từ 104,7 - 182,3 triệu đồng/m2.

Quận nội thành Hà Nội đấu giá đất mức khởi điểm 250 triệu đồng m2 - Ảnh 2.

25 lô đất tại khu X4 phường Mai Dịch quận Cầu Giấy từng gây xôn xao vì có mức khởi điểm từ 104,7 - 182,3 triệu đồng/m2, giá trúng cao nhất là hơn 360 triệu đồng nhưng sau đó có tới 4 nhà đầu tư bỏ cọc. (Ảnh: Lộc Liên)

Dù chỉ có 25 lô đất được mang ra đấu giá nhưng phiên đấu giá có khoảng 800 - 900 hồ sơ nộp, thậm chí nhiều nhà đầu tư còn nộp từ 5 – 10 bộ hồ sơ. Sau khi phiên đấu giá kết thúc, kết quả trúng đấu giá khiến nhiều người không khỏi “ngã ngửa” vì cao gấp 2-2,6 lần mức giá khởi điểm vốn đã gây “choáng”. Cụ thể, giá trúng thấp nhất là 162,7 triệu đồng/m2 trong khi giá trúng cao nhất là 364,3 triệu đồng/m2.

Điều đáng chú ý là đến tháng 2/2022, khi đã quá thời điểm phải đóng hết số tiền trúng đấu giá thì lại có 4 lô đất tại phiên đấu giá khu X4 bị bỏ cọc.

Đề xuất nâng tiền đặt trước để ngăn thổi giá, bỏ cọc đất đấu giá

Mới đây, tại phiên họp toàn thể lần thứ 13 của Ủy ban Kinh tế , Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Nguyễn Hải Nam đề nghị, những tài sản có ảnh hưởng lớn như quyền sử dụng đất thì mức cọc phải từ 20 - 30% để tránh việc bỏ cọc, sau khi đã đẩy giá lên, tạo tín hiệu sai lệch cho thị trường. Chẳng hạn như trường hợp đấu giá đất lên đến 1 tỷ đồng/m2, nhưng bỏ cọc, làm ảnh hưởng đến thị trường rất đáng kể.

Trong khi đó, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách Trần Văn Lâm cho rằng, nếu quy định tối đa là 20% giá khởi điểm có thể vẫn có 1 nhóm người phối hợp thao túng, sẵn sàng “thổi giá” trong đấu giá quyền sử dụng đất để dẫn dắt thị trường nhằm bán các khu đất khác. Do đó, Để ngăn chặn bằng biện pháp kinh tế thì phải quy định đặt cọc ở mức có những người không thể trả giá cao hoặc thấp bất thường.

Quận nội thành Hà Nội đấu giá đất mức khởi điểm 250 triệu đồng m2 - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội cho rằng những tài sản có ảnh hưởng lớn như quyền sử dụng đất thì mức cọc phải từ 20 - 30% để tránh việc bỏ cọc, sau khi đã đẩy giá lên, tạo tín hiệu sai lệch cho thị trường. (Ảnh: Lộc Liên)

Đồng thời, ông Trần Văn Lâm đồng tình với một số ý kiến khác là cần đấu giá qua mạng vì bên cạnh hiệu quả thì còn “không lộ mặt thì ai biết ai mà câu kết dìm giá hay thổi giá” nhằm chống thao túng trong đấu giá .

Dẫn chứng việc ở Bắc Giang tuần nào cũng có 5-6 cuộc đấu giá quyền sử dụng đất (một năm khoảng 8.000 lô đất được đấu giá) theo hình thức bỏ phiếu kín một vòng. Có lô đất nào đó chỉ có một người trả giá thì lại phải đấu giá lại nên Ủy viên Ủy ban Kinh tế, đại biểu Phạm Văn Thịnh đề nghị chỉ có một người trả giá cũng phải công nhận kết quả trúng đấu giá.

Phản hồi ý kiến của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, cơ quan soạn thảo đã cân nhắc rất kỹ nhưng cũng không thể nâng lên quá cao. Nếu nâng lên trên 20% thì sẽ trở thành hàng rào kỹ thuật loại bỏ người muốn tham gia đấu giá…

Theo Lộc Liên

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên