Rạp phim đóng cửa, dự án phim đang quay phải hoãn, doanh nghiệp điện ảnh Việt “sập nguồn” vì Covid-19, mong được giảm thuế, giãn nợ
Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, có khả năng sau dịch, các rạp chiếu phim của Việt Nam và các hãng phim tư nhân sẽ đóng cửa hàng loạt dẫn đến vấn đề nghiêm trọng là thị trường điện ảnh sẽ chỉ còn doanh nghiệp nước ngoài.
- 08-04-2020Ngành gỗ - nội thất “kêu cứu” giữa bão Covid-19: Thiệt hại hơn 3.000 tỷ đồng, 93% DN đã và sắp dừng hoạt động hoặc thu hẹp sản xuất, sa thải 45% lao động
- 08-04-2020Nhu cầu đột biến giữa đại dịch COVID-19, Laptop đang là "cứu cánh" cho ngành điện tử với mức tăng trưởng tháng 3: Thế giới Di động vọt 200%, FPT Shop đạt 172%
Không được thường xuyên đề cập như hàng không, dịch vụ ăn uống hay du lịch nhưng ngành điện ảnh trong nước cũng đang đứng trước tình cảnh khó khăn, lao đao không kém vì dịch Covid-19.
Nút tắt nguồn mang tên "đóng cửa rạp chiếu phim"
Ngày 24/3, UBND TP.HCM đã có công văn khẩn gửi các sở, ngành và 24 quận, huyện về việc tạm dừng một số hoạt động trên địa bàn TP, trong đó có hoạt động của các rạp chiếu phim. Không lâu sau, Hà Nội cũng có động thái tương tự, khiến trên 90% rạp chiếu phim trên toàn quốc rơi vào tình trạng "đóng băng".
Theo thống kê, tổng doanh thu phòng vé trên cả nước (T3/2020 – tính đến ngày 25/3) đạt 76 tỷ đồng, chỉ bằng 20% so với cùng kì năm 2019 (350 tỷ đồng). Số lượng vé bán ra tháng 3/2020 trên phạm vi toàn quốc (tính đến ngày 25/3) là 1 triệu lượt vé, chỉ bằng 1/5 cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, nhiều dự án phim Việt cũng phải dời lịch chiếu như Bí mật của gió, Chị Mười Ba, Trạng Tí... Thậm chí mới đây, đạo diễn - nhà sản xuất Lý Hải công bố phim Lật mặt 5 sẽ dời lịch chiếu đến mùng 1 Tết Tân Sửu 2021, thay vì lịch cũ là 30/4 năm nay.
"Lật mặt 5" chỉ là một trong nhiều phim phải hoãn và dời lịch chiếu do Covid-19.
Theo báo Thanh Niên, những dự án phim đang quay cũng phải hoãn bấm máy tại phim trường đông người, tiến độ làm hậu kỳ của các phim mới cũng liên tục bị ảnh hưởng bởi đặc thù công việc trong ngành điện ảnh không thể làm tại nhà một mình.
Ông Nguyễn Quốc Khánh - đại diện truyền thông của CGV thì cho biết hoạt động kinh doanh như "sập nguồn hoàn toàn". Dù thu gần như đã không còn, các doanh nghiệp này vẫn phải chi trả nhiều chi phí cố định như nhân công, mặt bằng, bảo trì hệ thống máy móc, vệ sinh, xịt khử khuẩn. Con số này lên đến cả chục tỷ đồng.
Trả lởi trên báo Tuổi trẻ, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - giám đốc điều hành khối rạp của Công ty cổ phần Thiên Ngân (Galaxy) cho biết công ty vẫn phải chi khoảng 5-10 tỷ đồng/tháng.
"Nếu dịch kéo dài, chúng tôi phải tính đến các phương án cắt giảm lao động và duy trì hoạt động với mức độ chi phí tối thiểu thì mới cầm cự được", bà Mai Hoa chia sẻ.
Mặt khác, doanh nghiệp kinh doanh rạp chiếu phim nội địa, vốn đã yếu thế hơn so với đối thủ ngoại khi chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, nay càng chật vật vì tiềm lực tài chính không đủ mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến và phát triển điện ảnh Việt Nam - bà Ngô Phương Lan cho biết: "Một số hãng phim, doanh nghiệp điện ảnh có phản ánh với hiệp hội về tình trạng đầy khó khăn, thậm chí bi đát, có những doanh nghiệp đứng bên bờ phá sản."
Mong được giảm thuế, giãn nợ
Hầu hết những doanh nghiệp này đều có nguyện vọng được giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế VAT cho hoạt động thuê mặt bằng; giảm nộp các loại bảo hiểm cho người lao động, giảm thuế thu nhập cá nhân...
Trong Dự thảo hoàn thiện trình Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã bổ sung thêm một số nhóm đối tượng được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất. Trong đó có ngành "Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; hoạt động thể thao; hoạt động của các vườn bách thảo, bách thú và khu bảo tồn tự nhiên; hoạt động của các công viên vui chơi và công viên theo chủ đề; hoạt động chiếu phim".
Ngoài ra, các đơn vị này mong Nhà nước có các gói hỗ trợ tài chính để doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh.
Hiệp hội điện ảnh bày tỏ sự lo ngại cho tương lai của toàn ngành nói chung và doanh nghiệp nội nói riêng khi vốn không phải là dịch vụ thiết yếu, sức cạnh tranh lại còn yếu kém so với những doanh nghiệp nước ngoài.
Chia sẻ với Tuổi trẻ, ông Nguyễn Văn Nhiêm - Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam cho biết: "Ngành chiếu bóng và phát hành từ tháng 2-2020 đã suy giảm 30-50% doanh thu rồi. Hiệp hội cũng đang làm kiến nghị gửi cơ quan chức năng để xin hỗ trợ cho ngành điện ảnh.
Nếu không có sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, có khả năng sau dịch, các rạp chiếu phim của Việt Nam và các hãng phim tư nhân sẽ đóng cửa hàng loạt dẫn đến vấn đề nghiêm trọng là thị trường điện ảnh sẽ chỉ còn doanh nghiệp nước ngoài."
Trí thức trẻ
Sự kiện: Giảm đau kinh tế
Xem tất cả >>- Nhân lúc giá dầu "rẻ như cho", TQ đã quyết định làm điều này: Cao thủ không bằng... tranh thủ?
- "Lột xác" căn studio ngoạn mục chỉ với 45 triệu đồng sau 1 tuần
- Thỏa thuận 600 triệu USD rơi vào cảnh "ngàn cân treo sợi tóc" sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn
- PVFCCo vượt qua nhiều thách thức giữ vững vị thế đầu ngành
- Doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng công nghệ số để duy trì hoạt động trong mùa dịch Covid-19