Sacombank báo lãi trước thuế quý 1/2023 đạt 2.382 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi cùng kỳ
Thu nhập lãi cho vay khách hàng của Sacombank quý 1/2023 tăng tới hơn 90% so với cùng kỳ. Trả lãi tiền gửi cho khách hàng cũng tăng mạnh không kém, tới 88%.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – STB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 1/2023, ghi nhận lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 2.382 tỷ đồng, tăng 50% so với quý 1/2022.
Động lực tăng trưởng chính đến từ hoạt động cốt lõi, với thu nhập lãi thuần tăng vọt 113% lên 5.836 tỷ đồng. Thu nhập lãi và các khoản thu nhập tương tự của nhà băng này tăng tới 85% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi cho vay khách hàng tăng tới 91% lên 12.885 tỷ đồng.
Theo Sacombank, việc thu lãi cho vay khách hàng tăng mạnh, bên cạnh nguyên nhân là do dư nợ cho vay tăng, lãi suất cho vay thì ngân hàng còn phân bổ lãi khoanh giảm 2.000 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí lãi và các khoản chi phí tương tự cũng tăng mạnh, tuy nhiên mức tăng thấp hơn so với thu nhập lãi, ghi nhận ở mức tăng 69%. Trong đó, trả lãi tiền gửi cho khách hàng tăng 88% lên 7.461 tỷ đồng.
Trong khi đó, các mảng kinh doanh khác tăng trưởng âm. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ sụt giảm 57% so với cùng kỳ, chỉ đạt 658 tỷ. Lãi từ kinh doanh ngoại hối cũng giảm 13%, xuống 258 tỷ.
Chi phí hoạt động trong quý 1 của Sacombank ở mức 3.416 tỷ đồng, tăng 20,6% so với cùng kỳ. Chi phí dự phòng rủi ro tăng 42,2% lên 1.001 tỷ.
Tại ngày 31/3/2023, tổng tài sản Sacombank ở mức 596.694 tỷ đồng, tăng 0,8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 2,2% lên 448.469 tỷ. Tiền gửi khách hàng tăng 5,3% và đạt 478.789 tỷ đồng.
Nợ xấu nội bảng của Sacombank tăng 1.042 tỷ trong 3 tháng đầu năm lên 5.341 tỷ. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay tăng từ 0,98% lên 1,19%.
Nhịp sống thị trường
- Các ngân hàng có hơn 91 nghìn tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn
- Những ngân hàng nào có tiền gửi ngoại tệ nhiều nhất?
- Vì sao lãi suất giảm nhưng tiền vẫn ồ ạt đổ vào hệ thống ngân hàng?
- Ngân hàng nào dẫn đầu về hiệu suất sinh lời trên vốn chủ?
- Toàn cảnh ngành ngân hàng quý II: NIM mỏng hơn, nợ xấu tăng mạnh tại nhóm tư nhân