Sản xuất thành công vacxin tả lợn châu Phi: Bằng cách nào AVAC làm được “việc khó” trăm năm của thế giới?
AVAC chính thức tham gia vào đường đua khốc liệt nghiên cứu làm vắc xin tả lợn châu Phi vào năm 2020 với nhận thức rằng, đây là hành trình mạo hiểm. Thậm chí họ biết rủi ro chiếm nhiều phần hơn cả thành công.
- 26-07-2023CEO Grab Việt Nam tiết lộ cuộc phiêu lưu mới: Khai phá mảnh đất nằm ngoài Hà Nội và TP.HCM, thực thi chiến lược giá hợp lí, số lượt dùng tăng vọt 140%
- 25-07-2023Khai mở kho báu bô xít của Việt Nam: Đức Giang và Hòa Phát có cơ hội lớn nhất, hạn chế các “tay chơi” muốn bán quyền sở hữu mỏ sau khi nhận giấy phép?
- 25-07-20232 DN được thương mại vắc xin tả lợn châu Phi trên toàn quốc: 1 DN có mặt của Nova Consumer, 1 của doanh nhân Hưng Yên kín tiếng với nhà khoa học góp vốn bằng sáng chế độc quyền
- 24-07-2023Phá bài toán khó 100 năm của thế giới, 2 DN Việt Nam được cấp phép thương mại vắc xin dịch tả lợn châu Phi trên cả nước, trong đó có 1 công ty liên quan gia đình ông Bùi Thành Nhơn
Không phải là đơn vị đầu tiên nghiên cứu về vacxin phòng dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) nhưng với kết quả của mình, AVAC đã đưa Việt Nam vươn lên là nước đầu tiên nghiên cứu thành công và đi trọn vẹn con đường thương mại hóa vacxin phòng căn bệnh này.
Để trở thành một trong 2 doanh nghiệp đầu tiên giải được bài toán vốn bị coi là khó và tốn kém vô cùng cho mọi nhà phát triển vacxin trên toàn cầu, không chỉ sở hữu công nghệ và các điều kiện sản xuất, AVAC phải đảm bảo một điều kiện: Hoàn thành tiêm giám sát 600.000 liều.
Với kết quả khoảng 94% số lợn được tiêm vacxin xuất hiện kháng thể; không phát hiện virus vacxin trong mẫu phân và nước bọt của lợn sau tiêm vacxin 14 ngày..., lãnh đạo Bộ NN&PTNT Việt Nam ra văn bản đồng ý để vacxin DTLCP của Việt Nam đủ điều kiện tiêm phòng diện rộng cho đàn vật nuôi cả nước. Triển vọng xuất khẩu mạnh mẽ vào một ngày rất gần.
Điều thú vị là trong rất nhiều cuộc đàm phán để trở thành đầu mối phân phối độc quyền, các tỷ phú đến từ Thái Lan, Philippine, Malaysia hay Indonesia... đều thốt lên “You are treasure” với TS. Nguyễn Văn Điệp - người vừa phát triển thành công vacxin AVAC ASF LIVE phòng dịch tả lợn châu Phi. Ông Nguyễn Văn Điệp hiện đang giữ vị trí Tổng Giám đốc công ty AVAC.
Bằng cách nào, một doanh nghiệp Việt có thể giải quyết được “việc khó” của thế giới?
Bộ NN&PTNT vừa công bố vacxin phòng dịch tả lợn Châu phi do AVAC và vacxin do Navetco phát triển đủ điều kiện để tiêm phòng rộng rãi trên cả nước. Lúc này, cảm xúc của ông là gì?
TS. Nguyễn Văn Điệp: Có thể gọi đó là thứ cảm xúc phức tạp. Vui có, tự tin có, biết ơn có, bâng khuâng có, áp lực có… nhưng nói chung là tích cực.
Bởi cả thế giới đều thừa nhận, vắc xin ASF cực kỳ khó làm. Vậy mà AVAC đã làm được với chất lượng vượt qua mọi kiểm nghiệm, thử nghiệm nghiêm ngặt. Quan trọng nhất, vacxin của chúng tôi được C.P - hệ thống chăn nuôi lớn bậc nhất Việt Nam công nhận.
Không những sử dụng trong hệ thống của mình, C.P còn đang làm thủ tục đăng ký lưu hành và phân phối tại thị trường Thái Lan, Myanma, Lào và Campuchia. Các nước như Philippine, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ… cũng đang hoàn thiện thủ tục để nhập AVAC ASF LIVE về thử nghiệm và phân phối.
Cục Thú y Philippine đã nhập khẩu 1.000 liều về thử nghiệm. Hôm nay họ bắt đầu tiêm kiểm tra an toàn và hiệu lực của vắc xin cho các đàn lợn địa phương.
Làm được sản phẩm có giá trị và ý nghĩa lớn lại được khách hàng trong và ngoài nước đặt hàng ồ ạt đương nhiên chúng tôi vui rồi.
Thú thật, không có sản phẩm này thì AVAC khó khăn lắm, cả trăm mạng đói. Công ty đói chính là áp lực đè nặng lên tôi suốt 2 năm qua. Ngày tôi mới về, AVAC rất khó khăn, luôn trong tình trạng cầm hơi hấp hối. Cùng một lúc chúng tôi vừa phải cố hết sức để công ty sống sót vừa dành dụm mọi nguồn lực và thời gian cho nghiên cứu ASF.
Bạn cứ hình dung, AVAC chỗ nào cũng thiếu tiền những mãi đến tận tháng 7/2022 - ngày AVAC ASF LIVE được phép lưu hành, chúng tôi chỉ duy nhất dùng tiền của tập đoàn. Trong khi đó ai cũng biết, phát triển vắc xin luôn là cuộc cạnh tranh toàn cầu của rất nhiều tập đoàn đa quốc gia.
Sống sót đã khó, sống sót để chạy đua với các ông lớn của thế giới đương nhiên cực khó. Cũng may, áp lực và khó khăn tôi chịu được. Có áp lực mới vui, nên cũng không vấn đề gì. Đến hôm nay trên đầu tôi mới thấy vài sợi bạc. Tóc còn đen nghĩa là áp lực vẫn chưa xi nhê gì.
Khi chạm được tay vào thành công, ngoài lời cảm ơn dành đến những người đã luôn bên cạnh, ủng hộ, tin tưởng thời gian qua, bỗng nhiên mình cũng không khỏi bâng khuâng. Bởi vì giống như bạn vừa leo lên đỉnh một con dốc thẳng đứng, lại thấy ngay trước mắt con dốc khác cao hơn, dài hơn…
Đến hôm nay coi như tôi đã vượt qua bản thân mình, không phụ lòng tin của mọi người, nhất là người vợ quá cố. Bao nhiêu khó khăn đã vượt qua, bao thử thách đã không còn là gì nhưng những hy sinh như thời gian cho gia đình, cho bản thân đã không bao giờ thể lấy hay mua lại…
Lý do gì để một doanh nghiệp thường xuyên khó khăn suốt 10 năm liều lĩnh lao vào con đường cạnh tranh từng làm khó cả thế giới hơn 100 năm qua thưa ông?
AVAC chính thức tham gia vào đường đua khốc liệt này vào năm 2020. Chúng tôi thừa hiểu đây là hành trình mạo hiểm. Tuy nhiên cơ hội và rủi ro luôn song hành cùng nhau. Thậm chí chúng tôi biết chắc rủi ro chiếm nhiều phần hơn cả thành công kìa. Nhưng chỉ cần bạn làm được thì lợi ích là cực kỳ lớn.
Một khi sản phẩm được sử dụng rộng rãi, chúng tôi tự tin sẽ góp phần giúp người chăn nuôi toàn thế giới phòng chống hiệu quả dịch bệnh. Như vậy, vắc xin ASF thành công - chúng tôi không đơn thuần có được kinh tế. Sinh kế của người chăn nuôi, sự an toàn cho chính họ và cộng đồng, an ninh lương thực của cả đất nước… được đảm bảo - đó là đích lớn lao tôi hướng đến.
Tất cả các đơn vị khi bước chân vào dự án phát triển ASF chắc chắn cũng đều hướng đến những mục tiêu như vậy. AVAC có gì ngoài liều lĩnh và quyết tâm thưa ông?
Đúng là AVAC lúc đó thiếu tiền nhưng chúng tôi lại đầy đủ 3 điều kiện quan trọng để làm vắc xin so với thế giới.
Điều kiện thứ nhất là Chủng giống virus, thứ hai là Tế bào và thứ ba - Dữ liệu. Các đơn vị phát triển đều có thể nhập chủng virus gốc từ Hoa Kỳ, nhưng chất lượng vacxin phụ thuộc lớn vào công nghệ tế bào. Một số doanh nghiệp dùng tế bào đại thực bào sơ cấp thu từ việc giết mổ lợn. Loại tế bào này tạp nhiễm, không ổn định và chi phí cao.
Trong khi đó, AVAC đã làm chủ công nghệ về tế bào và virus, tối ưu được con giống và thích ứng giống vacxin nhân trên tế bào dòng DMAC. Sở dĩ tôi tự tin bởi vì DMAC là kết quả tôi trực tiếp nghiên cứu và hoàn thiện với nhiều tính năng vượt trội, đã được đăng ký bằng độc quyền sáng chế.
Còn về dữ liệu, thử nghiệm vacxin phải thực hiện trên hàng chục nghìn con lợn từ sơ sinh đến lợn nái để đảm bảo độ lớn về liều, tuổi bài thải, tái độc, kháng thể mẹ truyền… Việc nghiên cứu cũng phải thực hiện trong các phòng thí nghiệm, khu thử nghiệm kiểm soát tốt mới có được các dữ liệu đáng tin cậy.
Chính vì vậy, để thu được dữ liệu vacxin hiệu quả, các thử nghiệm phải được thực hiện ở các nước đang có dịch cùng một cơ sở hạ tầng đủ tiêu chuẩn. Xét về khía cạnh này, AVAC có lợi thế rất lớn, chúng tôi có đủ cơ sở vật chất và năng lực thực hiện các nghiên cứu, tại một nơi đang có dịch như Việt Nam. Trong khi việc này rất khó thực hiện ở những nước chưa có bệnh DTLCP, những nước phát triển, đang kiểm soát tốt dịch bệnh.
AVAC đã trả ông bao nhiêu tiền cho công nghệ sáng chế này?
Tôi góp vốn vào AVAC bằng giá trị sở hữu trí tuệ của mình. Và DMAC chỉ là một phần công nghệ tôi góp vào AVAC. Bên cạnh DMAC còn là các dòng tế bào, các chủng giống dùng cho sản xuất vacxin phòng bệnh tiêu chảy cấp (PED), viêm da nổi cục (LSD), tai xanh...
Nhưng quan trọng nhất vẫn là khả năng vận hành bộ máy doanh nghiệp khoa học công nghệ kể từ khâu R&D cho tới kiểm soát toàn bộ quy trình sản xuất ra đến sản phẩm cuối cùng là các vacxin trên.
Xin phép không tiết lộ con số cụ thể, nhưng lãnh đạo tập đoàn xác nhận giá trị vốn hóa tôi góp vào lên tới hàng triệu USD.
Và lợi ích kinh tế đem lại cho AVAC là gì?
Suốt 10 năm kể từ ngày thành lập, 2022 là năm đầu tiên AVAC có lãi. Vacxin tả lợn châu Phi được cấp phép lưu hành vào tháng 7/2022, nhanh chóng đóng thúc đẩy doanh thu cả năm tăng vọt. Kết quả tổng doanh thu năm vừa rồi cao vượt trội so với năm 2021.
Bên cạnh đó, với uy tín tạo dựng được từ vacxin tả lợn châu Phi, doanh thu các sản phẩm vacxin khác của AVAC cũng tăng trưởng theo. Một sản phẩm có hiệu quả tương đương vacxin nhập ngoại, giá chưa bằng một nửa thì đương nhiên, doanh nghiệp chăn nuôi nào cũng sẽ cân nhắc sử dụng.
Để được Bộ NN&PTNT cho phép lưu hành vacxin tả lợn châu Phi trên toàn quốc, các doanh nghiệp sản xuất phải tiêm giám sát 600.000 liều trên 600.000 con lợn. Đây được đánh giá là một con số quá khó khăn khi mà theo thực tế, trong vòng 3 tháng, một doanh nghiệp thông thường chỉ có khả năng tiêm giám sát chưa đầy 1.500 liều. AVAC đã xử lý vấn đề này như thế nào?
Việc thử nghiệm được 600.000 liều giám sát đúng là một thử thách. Trung bình để tiêm giám sát trên 1 cơ sở nhỏ cũng phải trải qua 9 bước, mất rất nhiều thời gian, nhân lực và chi phí. Cần nhiều người để giám sát một trại lợn như vậy. Chưa kể ám ảnh của người dân về dịch tả lợn châu Phi khiến chẳng có chủ trại nào dám cho mình thử nghiệm trên lợn của họ.
Rất may, CP Việt Nam sau những lần hợp tác và trao đổi thông tin, đã có niềm tin vào công nghệ và sản phẩm của AVAC. Sự hợp tác với họ chính là chìa khóa giúp chúng tôi có cơ sở giải được bài toán khó mà thế giới đã vướng cả 100 năm qua.
Tính đến hết tháng 11, vacxin tả lợn châu Phi của AVAC đã được tiêm giám sát trên 260 trại của CP tại 30 tỉnh, cho 272.000 con lợn. Tỷ lệ đáp ứng miễn dịch đạt 94,85%. Trong tháng 12 và tháng 1/2023, mỗi tháng tiêm khoảng 200.000 liều. Như vậy, đến tháng 2/2023, con số 600.000 liều là đạt đủ.
Hàng trăm trại lợn là tài sản khổng lồ mang tính sống còn của CP tại Việt Nam, vì sao họ đồng ý cho AVAC tiêm vacxin?
Trước hết, phải nói thẳng làdoanh nghiệp chăn nuôi rất cần vacxin tả lợn châu Phi. Bởi vì hơn ai hết, họ rất thấm nỗi đau dịch bệnh này mang lại. Thiệt hại một lúc hàng trăm tỷ đồng là chuyện hết sức bình thường khi dịch xảy ra. Cho nên họ thường xuyên và liên tục “đốt đuốc” tìm các nhà phát triển vacxin. Thậm chí, khi có những tín hiệu khả quan về vacxin, họ sẵn sàng hợp tác. .
Riêng với CP, chúng tôi thuyết phục họ thông qua các bằng chứng khoa học. Và trước khi gặp gỡ nhau để bàn bạc về vacxin tả lợn châu Phi thì vacxin lợn tai xanh của AVAC cũng là loại uy tín, đã được sử dụng rộng rãi tại hệ thống trang trại của Hoàng Anh Gia Lai, CJ Vina Agri. Hay vacxin tiêu chảy cấp cũng đang được Hoàng Anh Gia Lai, Dabaco, New Hope, CP sử dụng.
Nắm rõ thông tin về chúng tôi rồi, nhưng đừng tưởng cứ thế là họ tin ngay. Với tiềm lực phòng thí nghiệm, trung tâm kiểm nghiểm của mình, chính CP cũng đã tổ chức tự thử nghiệm, tự đánh giá hiệu quả vacxin dịch tả lợn Châu phi của AVAC tại một số trại từ trước đó. Khi có kết quả chắc chắn trong tay rồi, họ mới nhanh chóng tổ chức tiêm kiểm soát trên diện rộng 600.000 liều như vậy.
Làm được vacxin nhưng điều quan trọng với một doanh nghiệp là phải bán được. Sau khi đạt đủ 600.000 liều tiêm giám sát thì bức tranh của AVAC sẽ là gì?
Đó sẽ là thị trường cho xuất khẩu, trong khi thị trường trong nước cần sự lan tỏa từ kết quả tiêm vacxin giám sát từ các đơn vị như CP.
Chúng tôi đã ký thỏa thuận phân phối độc quyền bên Philippines với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ nông nghiệp nông thôn Việt Nam, xúc tiến các hoạt động đăng ký phân phối tại Ấn Độ, Indonesia, Myanmar hay Thái Lan… Trong đó, thị trường Philippines dự kiến phân phối tối thiểu 10 triệu liều trong vòng 3 năm, Indonesia khoảng 10 triệu liều/năm, Ấn Độ khoảng 200.000 – 500.000 liều/năm.
Công suất của AVAC là 2 - 5 triệu liều/tháng, có nghĩa là những đơn hàng này cũng không phải là đơn hàng lớn?
Đúng vậy, thị trường trong nước vẫn là thị trường lớn và là thị trường ưu tiên của AVAC. Không bán được trong nước, mình sẽ không bán được cho nơi nào khác cả, đúng không? Và nếu được thị trường trong nước chấp nhận, một năm có thể bán hàng chục triệu liều.
Hơn nữa, khi xây dựng được đội ngũ chuyên nghiệp, cung cấp dịch vụ tốt thì ngoài vacxin tả lợn châu Phi, chúng tôi có thể tăng trưởng doanh số của các loại vacxin khác đang sản xuất.
Chẳng hạn như khi vacxin phòng bệnh Viêm da nổi cục trên trâu bò của AVAC được hội đồng thẩm định cho phép sử dụng trên quy mô toàn quốc, tôi tin rằng đây sẽ là sản phẩm đột phá và có sức cạnh tranh tốt. Các doanh nghiệp chăn nuôi của Việt Nam sẽ không cần phải nhập vacxin từ Thổ Nhĩ Kỳ hay Ai Cập nữa khi hiệu quả vacxin AVAC đã được kiểm nghiệm và giá chỉ bằng 70% sản phẩm nhập, thậm chí thấp hơn.
Vacxin tả lợn châu Phi là sản phẩm mới. Nhưng AVAC không phải là đơn vị đầu tiên, cũng không phải là đơn vị duy nhất phát triển. Tôi biết các đơn vị khác vẫn đang nghiên cứu và theo đuổi dự án của mình về sản phẩm vacxin phòng dịch tả lợn châu Phi. Do vậy, không có chuyện mình đã làm ra được loại vacxin này thì cứ thế bán thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Chúng tôi cũng đã xác định, vài năm nữa sẽ có đối thủ. Và thậm chí nếu đối thủ có công nghệ vượt trội hơn, an toàn hơn, hỗ trợ tốt hơn về giá hoặc dịch vụ hậu mãi thì kịch bản mất hẳn thị phần hoàn toàn có thể xảy ra.
Như vậy có nghĩa là vòng đời của một loại vacxin không chỉ phụ thuộc vào dịch bệnh mà còn phụ thuộc vào đối thủ của doanh nghiệp. Trong lĩnh vực này, chỉ sản phẩm hàng đầu mới có cơ hội đi được vào thị trường, được các doanh nghiệp chăn nuôi sử dụng.
Để dự báo vòng đời cho vacxin, chúng ta cần dự báo khi nào đối thủ có thể đăng ký được, họ có lợi thế về mặt công nghệ nào và sản phẩm có thể đưa ra giá bao nhiêu. Đồng thời, xác định xem sản phẩm đó phù hợp với đối tượng nào, phù hợp với khu vực nào đang có dịch? Dự báo các kịch bản khác nhau từ tốt nhất đến xấu nhất. Xấu nhất có thể là 3 năm, còn tốt là 10 năm.
Để đảm bảo cho những kịch bản xấu không thành hiện thực, kế hoạch dự phòng cho các rủi ro của AVAC là gì?
Rủi ro lúc nào cũng có, nhưng nếu như quản trị tốt và có sự chuẩn bị đầy đủ về nghiên cứu cũng như khuyến cáo phù hợp thì sản phẩm sẽ đi được vào thị trường.
Tôi cũng đang tiếp tục tìm kiếm những chuyên gia nghiên cứu phục vụ cho các dự án tiềm năng. Tôi gọi đó là của để dành. Một dự án như vậy có thể hôm nay chưa cần, nhưng vài năm nữa, khi dịch bệnh nổ ra mà đã có sự chuẩn bị thì mình sẽ là người lấy được cơ hội để đi đầu thị trường.
Mặc dù vậy, đây lại là vấn đề khó nhất mà tôi đang phải đối mặt. Tìm được nhân sự chất lượng cao trong ngành thú y ở Việt Nam rất khó. Trong khi đó, nhu cầu nhân sự mảng này ở Việt Nam rất cao khi mà ngành chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi lợn ngày càng tăng về quy mô trang trại tập trung.
Có rất nhiều doanh nghiệp có tiền, nếu muốn đầu tư vào chăn nuôi, họ có thể mở trại rất nhanh. Nhưng xây trại xong thì nhân sự vận hành, kỹ sư chăn nuôi ở đâu, làm như thế nào thì lại không giải quyết được.
Cảm ơn ông về những chia sẻ này!
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: PHỤNG SỰ ĐẤT NƯỚC
Xem tất cả >>- Dấu ấn đồng hành cùng phụ nữ Việt trong hành trình kiến tạo giá trị tốt đẹp cho xã hội của Number 1 Soya Canxi
- Năng lượng tích cực – Cộng đồng vững mạnh: Những giá trị cốt lõi làm nên sự tin yêu của hàng triệu người Việt với thương hiệu Number 1 suốt hai thập kỷ
- Trưởng CLB Trái tim nhân ái: “Khi giúp đỡ được người khác, lòng tôi thấy yên vui”
- Người đàn ông 24 lần đối diện tử thần, không thể nghe nói và đi lại trở thành “thuyền trưởng” cho nhóm thanh niên trẻ xứ đại ngàn
- Từng bị bắt nạt chỉ vì gương mặt khác lạ, TikToker “triệu view” vượt qua mặc cảm, lan tỏa tri thức đến cộng đồng