MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sao mới nổi trên chính trường Trung Quốc

31-08-2016 - 10:06 AM | Tài chính quốc tế

Dư luận đang chờ xem Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi nào mới hé lộ danh tính người có thể kế nhiệm ông vào năm 2022.

Một số gương mặt đang nổi lên trong chính trường Trung Quốc khi Chủ tịch Tập Cận Bình tiến hành đợt thay đổi nhân sự vào cuối tuần rồi để mở đường cho đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) vào năm tới.

Định hình Bộ Chính trị mới

Một số đồng minh của ông Tập đã được bổ nhiệm vào những vị trí chủ chốt, báo hiệu sự nghiệp chính trị của họ sẽ còn thăng tiến trong thời gian tới. Một trong những ngôi sao được nói đến nhiều là ông Trần Toàn Quốc, người vừa trở thành tân Bí thư Khu tự trị Tân Cương. Tại Tân Cương, ông Trần Toàn Quốc, 61 tuổi, thay thế ông Trương Xuân Hiền, một trong 25 ủy viên Bộ Chính trị hiện nay.

Theo SCMP, ông Trần Toàn Quốc công tác tại tỉnh Hà Nam đã hơn 25 năm và trở thành phó bí thư tỉnh này vào tháng 4-2003, làm việc dưới trướng Bí thư Lý Khắc Cường (hiện là Thủ tướng Trung Quốc) trong 18 tháng. Đến đầu năm 2010, nhân vật này trở thành chủ tịch tỉnh Hà Bắc rồi được bổ nhiệm làm bí thư Tây Tạng nửa năm sau đó. Ông hiện là ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa 18.

Nhiều khả năng ông Trần Toàn Quốc sẽ có tên trong Bộ Chính trị mới tại Đại hội Đảng 19 bởi vị trí bí thư Tân Cương thường bảo đảm một ghế trong cơ quan quyền lực này. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng không nên kết luận quá sớm bởi vẫn có khả năng xảy ra thay đổi vào phút chót do tác động của nhiều yếu tố, như sự tranh đua quyền lực mạnh mẽ. Trong số các ủy viên Bộ Chính trị còn có bí thư Bắc Kinh, Thiên Tân, Thượng Hải, Trùng Khánh và Quảng Đông.

Một ngôi sao đang lên khác là ông Trần Hào, người vừa ngồi vào ghế Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam sau 18 tháng làm chủ tịch tỉnh này - một sự chuyển đổi vị trí được đánh giá là nhanh hơn bình thường. Đáng chú ý, ông Trần Hào từng dưới quyền ông Tập Cận Bình khi ông làm Bí thư Thành ủy Thượng Hải năm 2007.

Trong khi đó, ông Lý Kỷ Hằng sau khi thôi làm Bí thư Tỉnh ủy Vân Nam đã chuyển sang làm Bí thư Khu tự trị Nội Mông. Một người thân cận khác với ông Tập - ông Lâu Dương Sinh - từ Phó Bí thư Tỉnh ủy trở thành chủ tịch tỉnh Sơn Tây.

Sự bổ nhiệm này thu hút nhiều chú ý bởi Sơn Tây là một mục tiêu quan trọng của chiến dịch chống tham nhũng do ông Tập phát động. Sơn Tây chính là quê nhà của ông Lệnh Kế Hoạch, từng là phụ tá của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Ông Lệnh bị cáo buộc là người cầm đầu “băng đảng Sơn Tây”, tập hợp các quan chức cao cấp và doanh nhân xuất thân hoặc có liên hệ đến địa phương này.

Bớt quan tâm đến đối ngoại

Đây là đợt điều chỉnh nhân sự cấp cao đầu tiên kể từ khi các cuộc họp kín của giới lãnh đạo đương nhiệm và đã nghỉ hưu Trung Quốc diễn ra tại khu nghỉ mát Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc vào đầu tháng 8.

Đến tháng 10 tới, kỳ họp toàn thể lần thứ 6 của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 18 dự kiến sẽ mở đường cho việc giới thiệu những gương mặt mới trong ban lãnh đạo tại đại hội đảng 19, nhất là những nhân vật có tiềm năng thay thế một số ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa 18 về hưu.

Ông Tập nhiều khả năng sẽ đưa đồng minh vào Bộ Chính trị và Thường vụ Bộ Chính trị (gồm 7 ủy viên) tại đại hội này trong nỗ lực củng cố quyền lực. Ngoài ra, dư luận đang chờ xem Chủ tịch Trung Quốc đương nhiệm khi nào mới hé lộ danh tính người có thể kế nhiệm mình vào năm 2022. Thường thì người ta sẽ biết nhân vật này khoảng 5 năm trước khi quá trình chuyển giao quyền lực diễn ra.

Nhà phân tích chính trị Trương Lập Phàm tại Bắc Kinh nhận định những quyết định bổ nhiệm nêu trên cho thấy ông Tập rõ ràng có ý chọn người của mình vào những vị trí chủ chốt dù một số nhân vật bị đánh giá là chưa có đủ kinh nghiệm. Từ giờ cho đến khi đại hội diễn ra, ông Tập sẽ còn bổ nhiệm thêm người vào các vị trí trọng yếu ở tỉnh và chính phủ - Reuters dẫn nguồn tin thân cận với giới lãnh đạo Trung Quốc cho biết.

Theo tờ The Hindu (Ấn Độ), bước đi như thế có thể dẫn đến sự ra đời của một trật tự quyền lực mới dưới sự giám sát của ông Tập. “Từ nay đến Đại hội Đảng 19, giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ tập trung nhiều hơn vào mặt trận đối nội, trong đó có cải tổ quân đội và thúc đẩy kinh tế, bớt quan tâm vấn đề đối ngoại” - một nguồn tin giấu tên tiết lộ với tờ báo.

Theo Hoàng Phương

Người lao động

Trở lên trên