Sau 40 tuổi, làm được 8 điều này thì cơ thể vô cùng cảm kích, tuổi thọ kéo dài thêm 24 năm
Một chuyên gia đưa ra một số lời khuyên thiết thực về 8 thói quen đơn giản giúp bạn sống khỏe mạnh hơn và kéo dài tuổi thọ.
- 01-05-2024Sau 40 tuổi, đây là 4 thực phẩm nên ăn nhiều để bổ tim, dễ dàng kiểm soát đường huyết, xương khớp chắc khỏe
- 22-04-2024Sau 40 tuổi, nam giới uống 2 loại nước ngọt mát này sẽ giúp cơ thể sung mãn, trường thọ: Vừa dưỡng thận, vừa hạ đường huyết lại chống ung thư hiệu quả
- 09-04-2024Sau 40 tuổi, chức năng thận dần suy giảm, BS khuyên nên làm ngay 6 việc: Rất dễ nhưng nhiều người bỏ qua
Giữ gìn sức khỏe không chỉ là chuyện của hôm nay, mà còn là "đầu tư" cho tương lai.
Bằng cách ưu tiên việc chăm sóc sức khỏe, bạn đang tự tặng cho mình món quà là có nhiều thời gian hơn cho tương lai. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc áp dụng những thói quen lành mạnh có thể kéo dài tuổi thọ của bạn. Ví dụ, tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh và cải thiện sức khỏe tim mạch mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim, tiểu đường và một số bệnh ung thư. Một chế độ ăn uống cân bằng giàu trái cây, rau, protein nạc và ngũ cốc nguyên hạt sẽ cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết hỗ trợ các chức năng cơ thể và tránh khỏi bệnh tật.
Ngoài ra, ngủ đủ giấc mỗi đêm sẽ làm trẻ hóa cơ thể và tâm trí, góp phần mang lại sức khỏe tổng thể và tuổi thọ. Việc thực hiện những lựa chọn lối sống này không chỉ giúp kéo dài tuổi thọ mà con tăng thêm sức sống cho những năm tháng cao tuổi, đảm bảo bạn có thể tận hưởng một cuộc sống năng động trong tương lai.
Dưới đây, Richard Smith-Bernal, người sáng lập nhà hàng chay The Juice Smith (Anh), đưa ra lời khuyên thiết thực về việc thực hiện tám thói quen đơn giản mà tất cả chúng ta nên áp dụng để kéo dài tuổi thọ.
8 thói quen giúp kéo dài tuổi thọ sau tuổi 40
Một nghiên cứu của Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ công bố năm ngoái đã nhấn mạnh những thói quen có mối tương quan chặt chẽ với tuổi thọ. Sau năm 40 tuổi, áp dụng 8 thói quen sau đây có thể giúp tăng 24 năm tuổi thọ đối với nam và 21 năm đối với nữ, theo nghiên cứu.
1. Có một chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng
Duy trì một chế độ ăn lành mạnh nghĩa là tìm kiếm sự cân bằng trong chế độ ăn. Thay vì tập trung vào việc hạn chế ăn món gì, hãy chuyển suy nghĩ của bạn sang việc bổ sung nhiều thực phẩm bổ dưỡng hơn. Hãy bắt đầu bằng cách kết hợp thêm một loại rau vào bữa ăn hàng ngày của bạn trong tuần này. Sau đó, dần dần giới thiệu một loại hạt mới vào tuần tiếp theo. Sau đó, hãy kết hợp một loại trái cây siêu thực phẩm khác vào chế độ ăn.
Richard lưu ý: "Hãy nhớ rằng, thỉnh thoảng bạn có thể nuông chiều bản thân, vì vậy đừng quá khắt khe với bản thân nếu bạn mắc sai lầm. Điều quan trọng là cố gắng đạt được sự cân bằng và nhất quán trong thói quen ăn uống".
2. Ngủ tốt
Có được giấc ngủ chất lượng có thể là một thách thức, đặc biệt là khi bạn cần cân bằng giữa công việc và các hoạt động xã hội khác. Thay vì chỉ tập trung vào việc đi ngủ sớm hơn, hãy ưu tiên cải thiện chất lượng giấc ngủ với thời gian bạn có. Việc thiết lập một thói quen thư giãn buổi tối có thể giúp bạn dần dần tránh xa công nghệ khi đến gần giờ đi ngủ.
Richard cho biết: "Bằng cách giảm tiếp xúc với ánh sáng xanh và giảm thiểu kích thích, cơ thể bạn có thể dễ dàng rơi vào trạng thái buồn ngủ sớm hơn một cách tự nhiên, dẫn đến giấc ngủ ngon hơn và chất lượng hơn".
3. Tập thể dục thường xuyên
Kết hợp tập thể dục thường xuyên vào cuộc sống có thể tăng đáng kể cơ hội sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn. Bí quyết là hãy khám phá những hoạt động mà bạn thực sự yêu thích. Thay vì đầu tư vào thẻ tập gym mà bạn có thể không bao giờ sử dụng vì không thích máy tập thể dục, hãy khám phá các lựa chọn khác.
Có lẽ bạn tìm thấy niềm vui khi leo núi hoặc tham gia một giải đấu thể thao ở địa phương. Nếu bạn là người yêu thích sách nói hoặc podcast, tại sao không đi bộ hoặc chạy quanh khu phố trong khi nghe những chương trình yêu thích?
Richard nói: "Bằng cách tìm ra những hoạt động mang lại cho bạn niềm vui, bạn sẽ có nhiều khả năng gắn bó với chúng hơn".
4. Không lạm dụng opioid
Điều này có vẻ hiển nhiên hoặc hoàn toàn có thể tránh được, nhưng với đại dịch opioid đang lan rộng trong thập kỷ qua, việc tránh nó ngày càng trở nên khó khăn hơn. Trên thực tế, hầu hết những người bị nghiện opioid ban đầu đều bắt đầu sử dụng thuốc giảm đau opioid được kê đơn vì lý do y tế.
Đừng xem nhẹ bất kỳ đơn thuốc nào từ bác sĩ. Nói chuyện với bác sĩ về những rủi ro của opioid và tìm ra kế hoạch cân bằng giữa nhu cầu giảm đau của bạn với những nguy hiểm trước mắt. Và nếu bạn thấy mình gặp khó khăn trong việc bỏ thuốc theo toa, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ - càng sớm thì càng tốt.
5. Không uống rượu hoặc không nhậu say thường xuyên
Không nhậu say thường xuyên là rất quan trọng để duy trì một lối sống lành mạnh. May mắn thay, điều này dễ thực hiện hơn bạn tưởng. Tìm những cách khác để giao tiếp mà không cần dựa vào rượu là điều quan trọng. Hãy thử đồ uống và cocktail không chứa cồn, đồng thời cân nhắc mang theo loại nước trái cây ưa thích của riêng bạn đến các bữa tiệc. Uống đủ nước cũng là điều cần thiết.
Richard nói: "Khi rượu là một phần nổi bật trong văn hóa của chúng ta, nhiều người đánh giá thấp mối liên hệ chặt chẽ của nó với bệnh mãn tính. Không bao giờ là quá muộn để đánh giá lại mối quan hệ của bạn với rượu".
6. Không hút thuốc lá (bao gồm cả thuốc lá điện tử)
Cộng đồng y tế đã đồng ý trong nhiều thập kỷ về sự nguy hiểm của việc hút thuốc. Nhưng với sự xuất hiện của thuốc lá điện tử hoặc vape, có một cách hút thuốc mới được tiếp thị là 'an toàn' hơn thuốc lá truyền thống. Tuy nhiên, nhiều loại vape vẫn chứa thuốc lá và các hóa chất độc hại khác mà bạn hít thẳng vào phổi.
Richard nói: "Thuốc lá điện tử không phải là giải pháp cho vấn đề hút thuốc. Hãy nói chuyện với bác sĩ về những cách khác để giảm bớt cơn nghiện nicotine mà không gây hại cho phổi của bạn".
7. Duy trì các mối quan hệ xã hội tích cực
Xây dựng và duy trì các mối quan hệ xã hội tích cực trong suốt cuộc đời là rất quan trọng cho hạnh phúc. Sự cô đơn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho cả sức khỏe thể chất và tinh thần, bao gồm gia tăng căng thẳng, trầm cảm và thậm chí làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính.
May mắn thay, có nhiều cách để chống lại sự cô đơn và nuôi dưỡng những kết nối có ý nghĩa. Một lựa chọn là dành thời gian và kỹ năng của bạn để giúp đỡ những người khác trong cộng đồng. Hoạt động tình nguyện không chỉ cho phép bạn tạo ra tác động tích cực mà còn mang đến cơ hội gặp gỡ những người có cùng chí hướng, chia sẻ sở thích và giá trị của bạn. Bạn cũng có thể khám phá các hoạt động xã hội khác trong cộng đồng của mình, chẳng hạn như các giải đấu thể thao địa phương hoặc các lớp học nghệ thuật.
Công nghệ cũng có thể là một công cụ có giá trị để tìm kiếm và duy trì các kết nối xã hội.
8. Quản lý căng thẳng
Kiểm soát căng thẳng là điều cần thiết để duy trì sức khỏe tốt, vì căng thẳng liên tục có thể khiến cơ thể chịu áp lực và làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Tin tốt là nhiều thói quen giúp nâng cao sức khỏe tổng thể cũng rất tốt trong việc giảm căng thẳng. Ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên, tương tác xã hội tích cực và ngủ đủ giấc đều là những hoạt động quan trọng trong việc kiểm soát căng thẳng. Bằng cách áp dụng những thói quen này, bạn sẽ cải thiện sức khỏe của mình và tích cực giảm mức độ căng thẳng trong cả tinh thần và cơ thể.
Richard nói: "Hãy coi nó như một mũi tên trúng hai đích. Mỗi thói quen tích cực mà bạn kết hợp đều góp phần nâng cao sức khỏe tổng thể và khả năng đối phó với căng thẳng của bạn".
Kết luận
Cũng theo nghiên cứu này, áp dụng chỉ một trong những thói quen này cũng có thể làm tăng tuổi thọ. Bạn áp dụng càng sớm thì càng tốt, nhưng chỉ áp dụng một trong những thói quen này ở độ tuổi 40, 50, 60 hoặc thậm chí ở độ tuổi 90 cũng có thể tạo nên sự khác biệt.
Richard nói: "Không bao giờ là quá muộn để tạo ra sự thay đổi tích cực cho sức khỏe của bạn. Hãy làm quen với các thói quen tích này một cách từ từ".
(Theo Mirror)
Đời sống và pháp luật