Sau 50 tuổi, nếu cơ thể còn lưu giữ 3 "phẩm chất" sau thì tuổi thọ càng dài lâu, tâm trí càng thông tuệ
Kiếm tiền bao nhiêu mà không có sức khỏe và tuổi thọ thì cũng khó có thể coi là thành công.
- 26-05-2019Từng phỏng vấn 3.000 ứng viên khác nhau, tôi nhận ra đa số người trẻ đều có chung 3 sai lầm tai hại làm thui chột tài năng, đánh mất cơ hội tỏa sáng
- 22-05-2019"Không ai giàu 3 họ" nhưng cả gia tộc này đã giàu có suốt 15 đời nhờ bí quyết tổ truyền: Thay vì dạy con bằng tiền, hãy để chúng học bằng đức
- 09-05-2019Bậc thầy mưu trí Trang Tử chỉ dạy 9 chữ "Mắt không nhìn - Tai không nghe - Tâm không nghĩ": Hiểu thấu trước năm 35 tuổi, ai ai cũng làm nên nghiệp lớn
Khi mức sống của chúng ta đã dần được cải thiện, mọi người trở nên ngày càng chú ý hơn đến vấn đề tuổi thọ của chính mình. Ai cũng biết rằng, kể từ 30 tuổi trở đi, quá trình lão hóa đã bắt đầu diễn ra và đặc biệt ở tuổi 50, đây chính là cột mốc mà sức khỏe thay đổi rõ rệt nhất. Chính vì vậy, Khổng Tử mới nói rằng: "Ngũ thập nhi tri thiên mệnh" có nghĩa là khi người ta tới 50 tuổi sẽ có thể thông hiểu mệnh trời ban, nhìn thấu cuộc sống của chính mình.
Tuổi thọ không bao giờ phụ thuộc vào may mắn mà phụ thuộc chủ yếu vào thói quen ăn uống và lối sống của chúng ta. Vậy, ba đặc điểm chung phổ biến nhất ở những người có tuổi thọ lâu dài và tâm trí thông tuệ khi về già sau đây sẽ là cơ sở quan trọng để chúng ta tham khảo cách giữ gìn sức khỏe của bản thân mình.
1. Nuôi dưỡng cảm giác trẻ trung, tránh xa sự già cỗi từ tinh thần
Với những người thường xuyên theo dõi tiểu thuyết kiếm hiệp Trung Quốc, chắc chắn
không lạ gì vai diễn "lão ngoan đồng", chỉ một người đã lớn tuổi, đầu tóc bạc phơ nhưng tâm trí lại hiếu động và dẻo dai như trẻ con. Trong thực tế cũng vậy, những người lớn tuổi sống thọ thường duy trì một tư duy trẻ trung. Theo ABCNews, các nhà nghiên cứu Đại học College London (Anh) đã phân tích đánh giá trên 6.500 người cao tuổi trong 8 năm và đưa ra kết luận rằng: Những đối tượng cảm thấy già hơn tuổi thật cũng có nguy cơ tử vong cao hơn đáng kể so với những người cảm thấy trẻ hơn tuổi thật của mình.Giáo sư Andrew Steptoe, tác giả nghiên cứu cho biết niềm tin và sức khỏe có mối quan hệ chặt chẽ. Kết hợp duy trì lối sống lành mạnh, cân nặng hợp lý, tinh thần thoải mái, thái độ tích cực với quá trình lão hóa là chìa khóa để gia tăng tuổi thọ. Một suy nghĩ lành mạnh cho phép chúng ta dễ dàng vượt qua những cảm xúc tiêu cực và khó khăn bất trắc trong cuộc đời, từ đó giảm bớt áp lực căng thẳng, tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm nguy cơ mắc các bệnh tuổi già.
2. Thường xuyên tư duy và động não
Nghiên cứu y học cho thấy những người già không thường xuyên động não suy nghĩ dễ mắc các bệnh về thần kinh, tư duy và não bộ nhiều hơn bộ phận còn lại, ví dụ như bệnh thoái hóa não, teo não, suy giảm trí nhớ... Giống như cơ thể, não bộ cần luyện tập thường xuyên ngay từ khi bạn còn trẻ hoặc mới bước vào tuổi trung niên, đặc biệt là trong giai đoạn lão hóa, nguy cơ bạn bị sa sút trí tuệ sẽ tăng gấp đôi cứ mỗi 5 năm tuổi thọ.
Do đó, những người lớn tuổi thường nên kích thích não bộ bằng việc tham gia các hoạt động và trò chơi có thể giữ trí óc minh mẫn như đọc sách, chơi cờ vua, cờ tướng, trò ghép hình hoặc ghép tranh, các trò chơi giải đố Sudoku,... để rèn luyện trí não và khiến đầu óc họ linh hoạt hơn. Giống với việc tập luyện thể lực, bạn càng tập luyện cho não sớm thì càng tốt.
3. Chân tay hoạt động linh hoạt
Ở độ tuổi trung niên nói chung, cơ thể chúng ta không còn thuận tiện và nhẹ nhàng như trước, hành động sẽ tương đối cứng, lại rất dễ mắc các bệnh về xương, khớp. Nguyên nhân chính là do sự lão hóa của cơ thể cộng với các điều kiện môi trường, xã hội, văn hóa không thuận lợi như ô nhiễm môi trường, lao động nặng nhọc và thời tiết thay đổi thường xuyên... Từ đó, chuyển động của chân tay chúng ta trở nên kém linh hoạt.
Kể cả với một vận động viên điền kinh, thời kỳ đỉnh cao của anh ta cũng có giới hạn độ tuổi nhất định nữa là với một người bình thường. Nếu không duy trì tập thể dục thì chức năng thể chất rất dễ bị giảm sút.
Hiện nay có rất nhiều các biện pháp điều trị và dự phòng có hiệu quả các bệnh xương khớp ở người lớn tuổi. Đầu tiên đó là một chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, kết hợp với chế độ thuốc men phù hợp với đặc điểm bệnh lý của mỗi cá nhân. Ngoài ra sự giúp đỡ động viên của gia đình và xã hội có vai trò rất quan trọng. Chính sự hoạt động trong các câu lạc bộ sức khỏe cũng góp phần củng cố thể chất và tinh thần.
Nếu có thể duy trì thói quen tập thể dục sau tuổi 50, chúng ta sẽ giữ thể chất cơ thể ở trạng thái tốt lâu dài hơn. Đối với những người có xu hướng khỏe mạnh và sống thọ, tập thể dục đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường thể lực, cải thiện khả năng miễn dịch và sức đề kháng, giảm khả năng xâm nhập của virus và vi khuẩn từ bên ngoài.
Chính vì vậy, cho dù thời gian không ngừng trôi đi, chúng ta không ngăn được các nếp nhăn dần xuất hiện thì vẫn có thể giữ vững một cơ thể khỏe mạnh, dồi dào sinh lực cùng tinh thần minh mẫn, trí tuệ nếu nỗ lực không ngừng. Thông qua thói quen tích cực tập thể dục, rèn luyện cơ thể, duy trì sự trẻ trung, nhiệt tình với cuộc sống và giữ tinh thần lạc quan, chúng ta sẽ có thêm cơ hội tiếp tục tận hưởng cuộc sống vui vầy bên gia đình.