Sếp hỏi 'Làm việc mệt không?', câu trả lời của người EQ cao
Với câu hỏi này, dẫu bạn trả lời 'có' hay 'không', sếp đều đánh giá không tốt về bạn. Song, người có trí tuệ cảm xúc cao có cách trả lời khôn khéo giúp dễ dàng ghi điểm trong mắt sếp.
- 20-05-2023Làm việc 5 giờ/ngày chỉ với 1 chiếc máy tính trong phòng điều hoà, người đàn ông kiếm khoảng 22 tỷ đồng/năm một cách dễ dàng
- 17-05-2023Chàng trai đem chiếc mũ của cụ nội đi thẩm định, chuyên gia chỉ phán 1 câu: Cụ của anh là ai?
- 17-05-2023Thạc sĩ Harvard cất bằng đi bán kem, kiếm 5 tỷ đồng/năm một cách dễ dàng
Chốn công sở là một trong những nơi chiếm phần lớn thời gian cuộc đời mỗi người. Gần như toàn bộ thời trẻ và tuổi trung niên, chúng ta gắn bó với công việc và sự nghiệp. Vì thế, nếu không thích nghi được tại nơi làm việc, bạn khó có được cuộc sống thoải mái.
Các tỷ phú hàng đầu thế giới đã chỉ ra, muốn thành công có IQ thôi chưa đủ. Trong bối cảnh hiện nay, trí tuệ cảm xúc (EQ) dần trở thành yếu tố quan trọng giúp một người thành công. Tại nơi công sở, người có EQ cao có thể dễ dàng xây dựng các mối quan hệ, giảm sự căng thẳng giữa nhóm người, xoa dịu xung đột và cải thiện sự hài lòng. Chính vì thế họ cũng có cách đối đáp khéo léo với những câu hỏi của sếp. Bằng cách trả lời thông minh, người có EQ cao không chỉ khiến cấp trên hài lòng mà còn tạo cơ hội thăng tiến trong công việc.
Trên thực tế, tại nơi làm việc, bạn không khó để gặp câu hỏi "làm việc có mệt không" từ người quản lý. Trước câu hỏi này, nếu trả lời có, bạn có thể bị cấp trên đánh giá sức chịu đựng kém. Song trả lời không, sếp cho rằng bạn chưa thực sự tận tâm với công việc.
Với người có EQ cao, họ có cách trả lời thể hiện sự khôn ngoan, khẳng định mình là người có trí tuệ cảm xúc.
Tình huống 1: Trả lời bằng nụ cười và bày tỏ lòng biết ơn
Khi tình cờ gặp sếp trong phòng trà hay thang máy, đôi khi sếp có thể thản nhiên hỏi bạn: "Đi làm về có mệt không".
Lúc này bạn có thể trả lời một cách đơn giản: "Tôi ổn. Cảm ơn anh đã quan tâm". Bằng cách trả lời lảng tránh như vậy, nếu không có mục đích gì khác, cuộc nói chuyện sẽ kết thúc. Khi về bạn đừng quên nói: "Tạm biệt anh, tôi đi trước".
Ảnh minh hoạ
Tình huống 2: Trả lời bằng thành tích + khó khăn + kế hoạch + mục tiêu
Nếu đang trong một dự án quan trọng, bất chợt sếp vỗ vai bạn và hỏi "Làm việc có mệt không?". Có thể, sếp đang muốn quan tâm đến tiến độ của công việc. Trong tình huống này, bạn có thể trả lời theo mẫu sau: Thành tích + Khó khăn + Kế hoạch + Mục tiêu.
Bạn có thể áp dụng như sau: "Tôi vẫn đang thực hiện dự án A và phải thường xuyên tăng ca trong vài ngày gần đây. Tôi đang đến giai đoạn B và đã tích luỹ được C hiệu suất. Tuy nhiên tôi đang gặp một vài vấn đề trong quá trình D. Tôi dự định sẽ giải quyết bằng cách E nhằm đạt được mục tiêu F".
Tình huống 3: Trả lời bằng tình trạng công việc hiện tại + Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới + Tìm hiểu dự án mới + Đề xuất mốc thời gian hoàn thành kế hoạch
Sếp đang nhận được một dự án mới và muốn tìm người để giao nhiệm vụ. Người quản lý có thể ghé qua hỏi "dạo này làm việc có mệt không?" nhằm kiểm tra xem bạn có sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới hay không.
Với trường hợp này, bạn cần trả trả lời: Tình trạng công việc hiện tại + Sẵn sàng nhận nhiệm vụ mới + Tìm hiểu dự án mới + Đề xuất mốc thời gian hoàn thành kế hoạch.
Bạn có thể nói: "Tôi đang thực hiện dự án A đã đến giai đoạn B và đạt được kết quả C. Tôi cần mất D ngày để hoàn thành. Nếu như đang có nhiệm vụ mới, tôi sẵn sàng xử lý song song. Sếp có thể gửi email dự án. Sớm nhất là E ngày tôi sẽ gửi lại kế hoạch cụ thể".
Dù áp dụng cách trả lời nào, thái độ chân thành vẫn là yếu tố quyết định. Nhiều người cho rằng biết nói lời có cánh khiến lãnh đạo vui sự nghiệp sẽ lên như diều gặp gió. Song thực tế những người đã lên đến vị trí quản lý có thể nắm bắt được tâm lý của nhân viên. Suy nghĩ bên trong như thế nào sẽ được chiếu qua ngôn ngữ, hành động và cách diễn đạt của bạn.
Thực tế, người có EQ cao không phải gặp ai cũng khen, cũng nói lời đường mật. Họ là những người biết tạo ra không khí thoải mái trong cuộc trò chuyện trên cơ sở chân thành.
Sự khôn ngoan trong cách ăn nói là liều thuốc tốt giúp ích cho môi trường làm việc, và về lâu dài, nghệ thuật ăn nói là một khía cạnh vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả vẫn là hành động tiếp theo. Bởi hành động là thứ ngôn ngữ thuyết phục nhất. Hãy trở thành người nhất quán trong lời nói và việc làm. Làm được điều này, sự nghiệp của bạn sẽ lên như diều gặp gió.
Phụ nữ Việt Nam