‘Siêu ủy ban’ nói về xử lý dự án thua lỗ ngành công thương
Năm 2024, Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cùng tập đoàn, tổng công ty rà soát, đưa ra chính sách trọn gói, cơ chế chính sách nhằm xử lý tồn đọng cho dự án thua lỗ ngành công thương. Từ đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, dự án thoát khỏi vướng mắc.
- 20-12-2023Bắt Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM: Số tiền nợ thuế 'khủng' hơn 1.528 tỷ của Xuyên Việt Oil
- 20-12-2023Việt Nam tiếp tục xuất siêu 8 năm liên tiếp, tăng gấp 3 lần năm 2022
- 20-12-2023Quý 1 tăng trưởng âm, kinh tế của tỉnh là cứ điểm sản xuất của "ông lớn" Toyota, Honda có kết quả ra sao trong năm 2023?
Đó là thông tin được ông Hồ Sỹ Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - trao đổi bên lề hội nghị tổng kết công tác năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024, diễn ra sáng 20/12.
Nhiều dự án thoát lỗ, bắt đầu có lãi
Ông Hồ Sỹ Hùng cho biết, Ủy ban quản lý vốn sẽ tăng cường phối hợp, xử lý vướng mắc của dự án thua lỗ ngành công thương trước đây. Các dự án này đã qua nhiều đời chính sách nên việc xử lý cần tránh những vết xe vướng mắc trước đây.
“Mỗi dự án cụ thể đòi hỏi giải pháp xử lý phức tạp. Ví dụ, với dự án gang thép Thái Nguyên, Uỷ ban cùng tổng công ty đàm phán với nhà thầu Trung Quốc về điều kiện, khả năng xử lý”, ông Hùng cho biết.
Riêng với việc xử lý khó khăn của Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS), Uỷ ban phối hợp Tập đoàn Dầu khí Việt Nam rà soát tài sản, chi phí tài chính đưa vào chi phí đầu tư, không đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh. Từ đó, có hình thức phù hợp, tạo điều kiện cho DQS phục hồi, sản xuất kinh doanh bình thường, có khả năng cạnh tranh.
Với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành công thương, Ủy ban đã thực hiện đầy đủ, có kết quả nhiệm vụ được giao. Đã có 8/12 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, định hướng xử lý cụ thể. Sau khi có phương án xử lý, một số dự án, doanh nghiệp có lãi, giảm lỗ lũy kế, đóng góp cho ngân sách nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp. Bảo đảm duy trì việc làm, đời sống cho hàng nghìn lao động, góp phần ổn định chính trị xã hội tại địa phương.
Một số dự án, doanh nghiệp đã có lãi, giảm lỗ lũy kế gồm: Nhà máy sản xuất phân bón DAP 1 - Hải Phòng của Công ty cổ phần DAP - Vinachem từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi và hết lỗ lũy kế từ tháng 1/2022. Dự án sản xuất xơ sợi Polyester Đình Vũ - PVN có nhiều chuyển biến tích cực như: duy trì vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi DTY, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí.
Các dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón (Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình và Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai ) duy trì sản xuất kinh doanh, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế. Mặc dù, còn lỗ lũy kế nhưng từ năm 2021 đến nay, do thị trường thuận lợi (giá phân bón cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây), 3 dự án, doanh nghiệp này ước lãi 2.632 tỷ đồng vào năm 2022.
Dự án gang thép Thái Nguyên - TISCO giai đoạn 2; dự án thép Việt Trung của Tổng công ty Thép Việt Nam và DQS, Ủy ban đã hoàn thiện phương án theo chỉ đạo của Chính phủ và tiếp tục hoàn thiện phương án trình Bộ Chính trị.
Tổng doanh thu 19 tập đoàn, tổng công ty hơn 1,1 triệu tỷ đồng
Năm nay, Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, tổng doanh thu công ty mẹ của 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,13 triệu tỷ đồng, bằng 105,15% kế hoạch năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 53.256 tỷ đồng (không tính EVN), bằng 166,09% kế hoạch năm 2023. Số tiền nộp ngân sách nhà nước đạt 79.252 tỷ đồng, bằng 199,96% kế hoạch năm 2023.
Đã có 14/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách nhà nước.
Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động năm nay của Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tiêu biểu như: Một số tập đoàn, tổng công ty chưa đạt chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đã giao. Một số dự án đầu tư còn chậm tiến độ triển khai và giải ngân, công tác thanh quyết toán các dự án xây dựng cơ bản kéo dài làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực. Việc tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất tại các tập đoàn, tổng công ty nhìn chung còn chậm so với yêu cầu đề ra. Tồn tại vướng mắc, khó khăn trong sắp xếp lại, xử lý nhà, đất như quy hoạch đất tại địa phương, hồ sơ giấy tờ, tranh chấp quyền sử dụng đất.
“Do những khó khăn khách quan, một số tập đoàn, tổng công ty có mức lợi nhuận âm làm ảnh hưởng không nhỏ tới tổng lợi nhuận của 19 tập đoàn, tổng công ty”, lãnh đạo Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết.
Tiền phong