MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Soi lợi nhuận đáng mơ ước của các doanh nghiệp đắt giá nhất thị trường chứng khoán

09-08-2017 - 11:11 AM | Doanh nghiệp

Hầu hết các doanh nghiệp có thị giá trên 150.000 đồng trên sàn chứng khoán đều có lãi tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm. Nhiều doanh nghiệp cũng có EPS dẫn đầu thị trường.

Trên sàn niêm yết và UpCOM tính đến hiện nay có tổng cộng 7 doanh nghiệp có cổ phiếu có thị giá trên 150.000 đồng/cổ phiếu. Các doanh nghiệp này đều đã công bố kết quả kinh doanh quý 2/2017 với kết quả ấn tượng: Hầu như doanh nghiệp nào cũng đạt EPS (thu nhập trên mỗi cổ phần) ít nhất từ 6.000 đồng/cổ phiếu trở lên! Tức, mười đồng vốn bỏ ra thu về ít nhất 6 đồng lãi. Có một số doanh nghiệp còn đạt tỷ lệ cao ngất ngưởng, 1 đồng vốn thu hơn 1 đồng lãi.

Đầu tiên phải kể đến là VCF của VinaCafé Biên Hòa. Là một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong ngành cà phê gần 50 năm, VinaCafé Biên Hòa là một cái tên khá quen thuộc với người tiêu dùng Việt. Trước đây, VinaCafé Biên Hòa có cổ đông lớn nắm quyền chi phối là Tổng công ty cà phê Việt Nam (Vinacafe). Sau này, Vinacafe bán cổ phần cho Masan và Masan liên tục tăng sở hữu tại VCF. Hiện, Masan nắm giữ gần 70% vốn của VinaCafé Biên Hòa.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của VinaCafé Biên Hòa khá tốt trong nhiều năm liền. 4 năm gần đây nhất, lợi nhuận trên vốn của công ty đều đạt trên dưới 1 lần tương đương EPS hàng năm đều ~10.000 đồng. Đến năm 2017, VinaCafé Biên Hòa đã quyết định chi đậm cho quảng cáo để nâng cao lợi thế cạnh tranh và dẫn đầu thị trường nên thua lỗ vào quý 1. Doanh thu quý 2 đạt 851 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt hơn 1.270 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế quý 2 đạt 68,3 tỷ đồng, tăng mạnh 34% so với cùng kỳ năm 2016 nâng lợi nhuận lũy kế 6 tháng đầu năm lên 30,6 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ 2016. Sự sụt giảm kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ chủ yếu là do ảnh hưởng từ kết quả thua lỗ quý 1.

EPS 6 tháng đầu năm 2017 đạt 1.200 đồng. Với kết quả đạt được 6 tháng đầu năm 2017, công ty mới hoàn thành phần nhỏ kế hoạch mà ĐHCĐ giao phó.

Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD). 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần của Coteccons đạt 10.544 tỷ đồng tăng 29%, LNST đạt 713 tỷ đồng tăng 19% so với cùng kỳ tương đương EPS đạt 8.799 đồng.

Tại thời điểm cuối quý 2, Coteccons có lượng tiền và các khoản tương đương tiền ở mức 1.786,8 tỷ đồng giảm 10% so với đầu kỳ. Công ty hoàn toàn không có vay nợ ngân hàng và có lượng tiền gửi tại các ngân hàng lên tới gần 3.886 tỷ đồng tăng 51% so với đầu kỳ. Các khoản phải thu và tồn kho lần lượt là 3.994 tỷ và 1.523 tỷ đồng, lần lượt tăng 14,6% và 23% so với thời điểm đầu năm.

Coteccons hiện đang giao dịch trên thị trường chứng khoán với mức giá 211.000 đồng/cổ phiếu tương đương vốn hóa lên đến 16.243 tỷ đồng.


Biến động giá cổ phiếu CTD 1 năm qua

Biến động giá cổ phiếu CTD 1 năm qua

Cổ phiếu VCS của Vicostone cũng là cổ phiếu giá cao thứ 3 trên sàn chứng khoán. Ngoài hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng, việc được hoàn hơn trăm tỷ tiền thuế đã giúp Vicostone đạt 2.220 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 53% so với cùng kỳ, LNST đạt 577,6 tỷ đồng tăng 95% cho kỳ 6 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm ngoái tương đương EPS đạt 6.931 đồng.

Bước ngoặt định hướng lại thị trường từ nội địa sang xuất khẩu đã giúp Vicostones có bước ngoặt lớn trong kinh doanh và năm 2015, 2016 đã trở thành một trong những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhất thị trường chứng khoán. EPS năm 2015 lên đến hơn 8.600 đồng và 2016 lên đến hơn 10.800 đồng. VCS tiếp tục đạt lợi nhuận cao 6 tháng đầu năm 2017.

Công ty Cổ phần Bến xe Miền Tây (WCS) cũng là một doanh nghiệp "thú vị" trên thị trường chứng khoán khi mà hoạt động kinh doanh nhiều năm liền giữ được ở mức cao. WCS luôn thuộc nhóm các doanh nghiệp có EPS cao nhất thị trường chứng khoán. Bí quyết của doanh nghiệp này Một mình trong mảng cung ứng dịch vụ Khai thác và kinh doanh bến xe cho xe khu vực từ thành phố Hồ Chí Minh đi toàn bộ các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nên WCS không chịu áp lực cạnh tranh nào đáng kể. Cứ một mình kiếm tiền thì tiền chỉ chui vào 1 túi, khó ai cướp mất.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, doanh thu thuần đạt 63,4 tỷ đồng tăng 6,8% so với cùng kỳ, LNST đạt gần 32 tỷ đồng tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái tương đương EPS đạt 10.538 đồng.

Hoạt động kinh doanh của Công ty cổ phần Mía đường Sơn La (SLS) khá đặc biệt và dường như không chịu tác động nhiều của giá đường. Điều này được thể hiện qua việc giá đường đi xuống kể từ đầu năm 2011 và tạo đáy vào cuối tháng 8/2015, nhưng doanh thu và lợi nhuận của SLS vẫn giữ mức tăng trưởng hoặc ít biến động trong giai đoạn này ngoài năm 2014. Sau đó nhanh chóng tăng trưởng mạnh về lợi nhuận kể từ 2015 đến nay, thậm chí về con số tuyệt đối năm 2015, 2016 , SLS đã phá vỡ kỷ lục lợi nhuận đạt được năm 2012 với các con số lần lượt là xấp xỉ 78.8 và 137 tỷ đồng.

Do giá mía thu mua thấp hơn hẳn so với mức phổ biến từ xấp xỉ hơn 7% cho tới hơn 40%, trong khi giá mía thu mua chiếm tới 80% giá thành sản xuất đường đã giúp mía đường Sơn La có kết quả kinh doanh khá đặc biệt như vậy trong nhiều năm qua. Ngoài ra với lợi thế vùng nguyên liệu ổn định, ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết cũng như việc thuế thu nhập doanh nghiệp bằng 0% do Sơn La là tỉnh thuộc diện miễn thuế thu nhập doanh nghiệp là trợ lực giúp SLS đạt kết quả lợi nhuận cao.

Kết quả kinh doanh năm 2017 (niên độ từ 1/7/2016 đến 30/6/2017) của SLS tiếp tục ở mức cao với lợi nhuận sau thuế cả niên độ 2017 lên 163 tỷ đồng. Với vốn điều lệ hiện tại chưa đầy 82 tỷ đồng, Mía đường Sơn La là một trong số rất ít doanh nghiệp niêm yết có hoạt động kinh doanh “một vốn, hai lãi” khi EPS (lợi nhuận trên cổ phần) lên đến gần 20.000 đồng/cổ phiếu.


Cùng với kết quả kinh doanh ấn tượng, giá cổ phiếu SLS cũng tăng mạnh năm qua

Cùng với kết quả kinh doanh ấn tượng, giá cổ phiếu SLS cũng tăng mạnh năm qua

Cổ phiếu SGN của Công ty cổ phần Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SAGS) là một ngôi sao mới nổi trên thị trường chứng khoán hơn 1 năm trở lại đây. Chính thức giao dịch trên UpCOM từ cuối năm 2015, cổ phiếu SGN đã nhanh chóng tăng hơn một gấp đôi chỉ trong vòng hơn 1 năm. Sự tăng trưởng giá cổ phiếu SGN một phần lớn là nhờ công ty này có hoạt động kinh doanh rất đặc thù gần như độc quyền khai thác kết cấu hạ tầng, trang thiết bị của Cảng hàng không, sân bay; cung ứng dịch vụ bảo dưỡng tàu bay, phụ tùng, thiết bị hàng không; cung ứng các dịch vụ phục vụ kỹ thuật thương mại mặt đất...ở khu vực kinh doanh của mình.

6 tháng đầu năm 2017, SAGS đạt gần 130 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế tương đương mức EPS khá cao trên thị trường: 5.669 đồng.

Cuối cùng phải kể đến cổ phiếu VNM của Vinamilk. Là doanh nghiệp đầu ngành sữa, Vinamilk có nhiều câu chuyện để nhà đầu tư tìm hiểu. Sự tăng trưởng đều đặn của doanh nghiệp này qua các năm đã giúp những nhà đầu tư ưa thích doanh nghiệp phát triển bền vững dễ dàng trong quyết định sở hữu cổ phiếu doanh nghiệp này.

Khác với các doanh nghiệp như VinaCafé Biên Hòa, Coteccons hay Vicostone là những doanh nghiệp mới tăng trưởng mấy năm trở lại đây, "vẻ đẹp" của Vinamilk nằm ở chỗ tăng trưởng ổn định cao hơn bình quân chung của ngành. Vinamilk cũng có nhiều động thái mới trong việc khai thác thị trường xuất khẩu cũng như mở rộng tệp khách hàng sang nhóm khách hàng cao cấp, sẵn sàng chi tiền cho những sản phẩm đắt giá.

6 tháng đầu năm 2017, Vinamilk đạt 25.400 tỷ đồng doanh thu, tăng 2.600 tỷ, tương ứng tăng 11,5% so với nửa đầu năm 2016. Lợi nhuận gộp đạt 12.360 tỷ đồng, tăng 11,6% - tương ứng với tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 48,6%. Trừ đi các chi phí, Vinamilk đạt 6.920 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, LNST thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 5.857 tỷ đồng, tăng 17,8%.

Nhìn vào kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp có thị giá trên 150.000 có thể thấy, có vẻ như các doanh nghiệp có thị giá cao đều là những doanh nghiệp kinh doanh tốt, thuộc top đầu của thị trường chứng khoán.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên