MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Soi lợi nhuận ngành thủy sản sau 6 tháng

Trong khi nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng cao thì AGF và HVG trở thành điểm tối của ngành thủy sản.

Theo ghi nhận của Tổng Cục Thống kê thì kết thúc 6 tháng đầu năm 2019, ngành thủy sản là điểm sáng của khu vực nông nghiệp khi tăng trưởng khá ở mức 6,45% do nhu cầu thị trường tiêu thụ tăng cao và là mức tăng trưởng cao nhất của 6 tháng đầu năm trong 9 năm trở lại đây. Trên sàn niêm yết các doanh nghiệp ngành thủy sản cũng đã đồng loạt công bố doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng.

Kết thúc 6 tháng đầu năm 2019 nhiều doanh nghiệp ngành thủy sản đã công bố mức lợi nhuận tích cực, nhiều công ty thậm chí còn lãi tăng nhiều lần so với cùng kỳ năm trước nhờ sự thuận lợi chung của toàn ngành. Tuy nhiên ở chiều ngược lại vẫn còn doanh nghiệp báo lãi sụt giảm thậm chí thua lỗ.

Nửa sáng

Với Vĩnh Hoàn (VHC) mặc dù ghi nhận doanh thu giảm gần 6% so với cùng kỳ nhưng nhờ thu hơn 100 tỷ từ bán đứt Vạn Đức Tiền Giang trong quý 2 nên LNST 6 tháng đạt 699 tỷ đồng tăng 64% so với cùng kỳ.

Năm 2018, Vĩnh Hoàn đã lập kỷ lục lợi nhuận với con số lên đến 1.442 tỷ đồng. Năm 2019, Vĩnh Hoàn tiếp tục hưởng lợi từ các thị trường lớn khi công ty vẫn hưởng thuế suất 0% tại Mỹ dù kết quả đợt rà soát hành chính lần thứ 14 (POR14) không được như mong đợi với nhiều doanh nghiệp khác. Cùng với đó, thuế thủy sản vào thị trường châu Âu (EU) sẽ được giảm từ 5,5% xuống 0% theo lộ trình 3 năm sẽ là điều kiện để công ty tăng xuất khẩu vào thị trường này (xuất khẩu tại EU quý I tăng 40%).

Nam Việt (ANV) cũng đang vươn lên mạnh mẽ khi quyết liệt thoái vốn ngoài ngành và đầu tư cho con cá tra. Sau khi ghi nhận lợi nhuận kỷ lục 600 tỷ năm 2018, Nam Việt tiếp tục báo lãi 6 tháng đầu năm 2019 hơn 353 tỷ đồng, tăng 87% nhờ vào tăng trưởng từ các thị trường hiện hữu và chi phí nguyên liệu đầu vào thấp. Đáng chú ý là biên lợi nhuận gộp công ty cải thiện mạnh từ 15,6% trong nửa đầu năm 2018 lên 25,4% trong 6 tháng 2019. Biên lợi nhuận sau thuế cũng tăng từ 11,5% lên 17,9%.

Soi lợi nhuận ngành thủy sản sau 6 tháng - Ảnh 1.

Nguồn: ANV

NAV hiện có tới 24 vùng nuôi, có tổng diện tích nuôi cá tra là 400 ha cung cấp hơn 120.000 tấn cá và các khu vực nuôi cá rô phi được xây dựng trên sông với hơn 4.000 lồng nổi sản xuất hơn 80.000 tấn cá mỗi năm. Bốn nhà máy chế biến với tổng sản lượng lên tới 1.500 tấn sản phẩm hoàn thiện mỗi ngày, đây là công suất sản xuất lớn nhất so với các nhà sản xuất cá tra và cá rô phi tại Việt Nam, cùng với hệ thống kho lạnh lớn có công suất 35.000 tấn.

Thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) dù không có quy mô và thị phần lớn như VHC, ANV nhưng cũng có hiệu quả kinh doanh rất cao. Năm 2018 ACL ghi nhận LNST kỷ lục 230 tỷ đồng, gấp 11 lần năm 2017. Trong 6 tháng đầu năm 2019 doanh thu của công ty tăng 18% lên 1.629 tỷ đồng, LNST thu về hơn 113 tỷ đồng, gấp 2 lần cùng kỳ năm 2018. Biên lợi nhuận gộp tăng cao cộng thêm các chi phí không biến động nhiều là yếu tố chính giúp công ty đạt kết quả trên.

Doanh nghiệp cá tra này đã dịch chuyển cơ cấu bán hàng với nhiều phân khúc khác nhau tại nhiều thị trường. Công ty còn chính thức là nhà cung cấp cho siêu thị Walmart, đạt thị phần lớn tại nhiều thị trường truyền thống như Nam Mỹ, Trung Đông,… và thâm nhập sâu vào thị trường châu Á (doanh số tại Trung Quốc tăng 27% năm 2018).

Camimex Group (CMX) cũng có kết quả kinh doanh 6 tháng rất ấn tượng, mặc dù chỉ đạt 511 tỷ đồng doanh thu thuần tăng 10% so với cùng kỳ nhưng biên lãi gộp tăng mạnh đã giúp lãi ròng lên tới 71 tỷ đồng tăng cao gấp hơn 4 lần nửa đầu năm 2018. Theo lãnh đạo của Camimex, hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực và hiệp định thương mại tự do Việt Nam EU (EVFTA) nếu được thông qua trước tháng 5/2019 sẽ là những điều kiện thuận lợi để Công ty hoàn thành kế hoạch. Bên cạnh những thuận lợi của ngành thủy sản do các hiệp định thương mại tự do thì CMX cũng có lợi thế cạnh tranh rất lớn nhờ các chứng chỉ về sinh thái.

Một số doanh nghiệp khác cũng có kết quả khả quan trong nửa đầu năm 2019 như Thực phẩm Sao Ta (FMC) lãi 92 tỷ đồng tăng 51%; Thủy sản Mekong (AAM) lãi gần 7 tỷ đồng vượt luôn 6% kế hoạch kinh doanh cả năm 2019, Thủy sản số 4 (TS4) lãi gần 6 tỷ đồng tăng gần 43%.

Soi lợi nhuận ngành thủy sản sau 6 tháng - Ảnh 2.

Nửa tối

Tuy nhiên ở chiều ngược lại IDI và ABT đã cùng nhau báo lãi sụt giảm chưa kể đến tình cảnh bi đát của Thủy sản An Giang (AGF) và ông lớn một thời Hùng Vương (HVG). 

Theo đó sau khi báo lãi mỗi quý lên tới cả trăm tỷ thì sang quý 2/2019 IDI chỉ thu về hơn 67 tỷ đồng lãi ròng khiến mức lợi nhuận trong nửa đầu năm 2019 sụt giảm 30% so với cùng kỳ bất chấp mức doanh thu tăng trưởng tới 31% - cao nhất toàn ngành. Trước đó vào năm 2018 IDI báo lãi lên tới 628 tỷ đồng cao nhất trong vòng 10 năm qua. Tiếp đó là mức sụt giảm của ABT lãi ròng 6 tháng đạt gần 27 tỷ đồng giảm 28% so với cùng kỳ, tuy nhiên nguyên nhân sụt giảm là do cùng kỳ năm trước ABT được nhận cổ tức, lợi nhuận được chia.

Đáng lưu tâm hơn cả là tình cảnh thua lỗ của AGF và HVG, trong khi AGF báo lỗ 120 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019 và hiện nằm trong diện cổ phiếu bị tạm ngừng giao dịch, duy trì diện kiểm soát và cảnh báo nguy cơ hủy niêm yết. Hùng Vương (HVG) cũng công bố trong quý 3/2019 lỗ rất lớn 129 tỷ đồng – khiến niên độ tài chính 9 tháng của công ty kết thúc với mức lỗ tổng cộng 257 tỷ đồng nâng tổng lỗ lũy kế chưa phân phối đến hết quý 3/2019 lên đến 650 tỷ đồng. Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVG cũng nằm trong diện kiểm soát đặc biệt.

Hiện Minh Phú (MPC) vẫn chưa nộp BCTC quý 2/2019, doanh nghiệp này đã xin gia hạn thời gian nộp đến 15/8/2019. Một thông tin quan ngại đối với MPC là mới đây ông lớn ngành tôm của Việt Nam đã bị phía Mỹ cáo buộc hành vi lách thuế. Tính đến hết quý 1/2019, Minh Phú (MPC) ghi nhận doanh thu tăng hơn 10% lên 3.400 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế tương ứng đạt hơn 90 tỷ đồng, giảm 30% so với cùng kỳ 2018. Sau cáo buộc tránh thuế phá giá tôm, Minh Phú (MPC) đã thông báo điều chỉnh giảm 38% kế hoạch lợi nhuận và chia thêm 20% cổ tức năm 2018.

Minh Hương

HNX&HSX

Trở lên trên