MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự gián đoạn của Trung Quốc và giải pháp Việt Nam đưa ra để "cứu" ngành sản xuất là gì?

Thay vì chờ đợi mọi thứ trở lại bình thường, các doanh nghiệp sản xuất hoàn toàn có những cách tiếp cận mới để chuẩn bị cho các tác động lâu dài.

Các vấn đề hiện tại đang là thách thức lớn cho toàn bộ chuỗi cung ứng trong sản xuất – bị ảnh hưởng từ nguyên liệu thô đến người tiêu dùng cuối cùng. Hơn nữa, Trung Quốc - tâm điểm bùng phát virus - là trung tâm sản xuất của thế giới trong hai đến ba thập kỷ. Do đó, gián đoạn sản xuất tại đây không chỉ gây ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp quốc tế lớn mà còn tác động lên khả năng sản xuất toàn cầu.

Theo ước tính của Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD), sự bùng phát COVID-19 có thể khiến FDI toàn cầu giảm 5% -15%, do sự sụp đổ trong lĩnh vực sản xuất cùng với việc đóng cửa nhà máy. 

Các tác động tiêu cực của COVID-19 đối với các khoản đầu tư FDI dự kiến ​​sẽ cao trong các ngành công nghiệp năng lượng, ô tô và hàng không. Do dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu, các nhà sản xuất ô tô, hóa chất, điện tử và máy bay đang phải đối mặt với những lo ngại về sự sẵn có của nguyên liệu thô. Trong lĩnh vực điện tử, điện thoại thông minh và điện tử tiêu dùng đã cắt giảm mạnh hoạt động sản xuất và hoãn việc giới thiệu các sản phẩm mới cùng với sự bùng phát COVID-19, do đó đã làm gián đoạn việc cung cấp linh kiện.

Các nghiên cứu về tác động của COVID-19 đối với ngành sản xuất toàn cầu được phân loại thành ô tô, thực phẩm và đồ uống, hóa chất, máy móc, điện và điện tử, kim loại, hàng không, dược phẩm và thiết bị y tế. 

Ngành công nghiệp điện tử đang bị ảnh hưởng đáng kể do dịch COVID-19, vì Trung Quốc chiếm gần 85% tổng giá trị linh kiện sử dụng trong điện thoại thông minh và gần 75% trong TV. Tất cả các thành phần quan trọng, chẳng hạn như bảng mạch in, màn hình di động, chip LED, bộ nhớ, bảng TV di động mở và tụ điện được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giải pháp từ Chính phủ Việt Nam

Việc quản lý chuỗi cung ứng trong bối cảnh đại dịch toàn cầu đã trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp tại Việt Nam đã bị ảnh hưởng và các nhà máy thuộc các lĩnh vực khác nhau đã chậm lại do nguồn nguyên liệu thô, hậu cần và đội ngũ lao động chịu nhiều áp lực do tình hình chung trên toàn thế giới. 

Việt Nam, được coi là trung tâm sản xuất trong tương lai sau Trung Quốc, đã có cách riêng để ứng phó với tình hình này. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện một số biện pháp và đưa ra các gói hỗi trợ kích thích nền kinh tế.

Khi COVID-19 tiếp tục làm chậm các hoạt động kinh tế trên toàn cầu, chính phủ Việt Nam đã công bố một số biện pháp và gói kích thích kinh tế để hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời điểm hiện tại. 

Trong đó bao gồm cả việc ban hành Chỉ thị số 11ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 và một khoản tiền trị giá 1,3 tỷ USD để tăng thanh khoản, giảm thuế và hỗ trợ người lao động có thu nhập thấp trong một số lĩnh vực. 

Các chính sách tiền tệ giúp định hướng xuất khẩu cho các ngành công nghiệp, công nghệ và nông nghiệp, như giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu (đây là lãi suất mà các tổ chức phải chịu khi vay vốn ngắn hạn trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), trần lãi suất cho vay...

Phương pháp ứng phó tiềm năng cho doanh nghiệp sản xuất

Về nguyên liệu thô, các doanh nghiệp nên xem xét chuyển sang nhà cung cấp từ các thị trường trong nước hoặc quốc tế khác hiện vẫn có sẵn. Việc thay thế này nên được thực hiện để tạo ra các kế hoạch dự phòng trong quản lý chuỗi cung ứng.

Đối với các doanh nghiệp vẫn cần lao động (truyền thống) thủ công và luôn cần duy trì hoạt động, tăng cường thực hiện chính sách về An toàn, Sức khỏe và Môi trường (HSE) tại nơi làm việc để bảo vệ nhân viên của họ. Tạo ra một kế hoạch số hóa ví dụ như một nhà máy thông minh cũng là một giải pháp thay thế tiềm năng nên được xem xét cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để giảm rủi ro lây lan Covid-19.

Hơn nữa, để giải quyết thách thức trong khâu sản xuất và đóng gói do các nhà cung cấp nguyên liệu không thể xuất khẩu, tốt nhất là doanh nghiệp nên đánh giá lại chuỗi giá trị để hợp lý hóa sản xuất. Điều này có thể được thực hiện bằng cách nhanh chóng đánh giá các chương trình sản xuất và quảng cáo cho tiêu dùng trong nước hoặc lập kế hoạch mở rộng kho lưu trữ.

Phân phối từ các cảng và trung tâm phân phối vẫn phụ thuộc vào vận tải nội địa, đặc biệt là vận tải đường bộ. Các doanh nghiệp nên xem xét một kế hoạch hành động kịp thời để sử dụng các phương pháp phân phối khác tại các chặng đầu và giữa (ví dụ: vận tải đường thủy) đến chặng cuối (ví dụ: thương mại điện tử). Kế hoạch xử lý hàng hóa phải được đánh giá lại sau đó lên lịch với các nhà phân phối chính.

Cuối cùng, để tránh rủi ro khi mua hàng số lượng lớn, các doanh nghiệp nên khuyến khích mua hàng trực tuyến như một giải pháp cho người dùng cuối cả trong và ngoài nước đồng thời tạo các chương trình khuyến mãi để kích cầu mua sắm. Điều này có thể được phối hợp thực hiện với các bên hậu cần và giao hàng, nhằm mục đích hợp lý hóa thời gian giao hàng và theo dõi sản phẩm.

Đối với những chủ doanh nghiệp, đây là thời điểm để đánh giá lại doanh nghiệp bằng các câu hỏi: một chuỗi cung ứng lý tưởng là chuỗi cung ứng như thế nào? Những thay đổi nào có thể sẽ có hiệu quả và nó sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp của bạn như thế nào trong dài hạn?

(Tham khảo YCP Solidiance, Research and Market) 

Sự gián đoạn của Trung Quốc và giải pháp Việt Nam đưa ra để cứu ngành sản xuất là gì? - Ảnh 1.

Cẩm Lan

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên