MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sự phát triển kinh tế phải là thước đo 'tín nhiệm' cán bộ

Trò chuyện với Tiền Phong về câu chuyện một số địa phương “bước qua nỗi sợ, tạo đột phá kinh tế”, ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, sự phát triển kinh tế của các địa phương là thước đo cao nhất của tinh thần lãnh đạo.

Thời gian qua có nhiều bộ chỉ số đánh giá về sự tín nhiệm của doanh nghiệp, nhân dân với hệ thống chính quyền như PAPI, PCI... Đây là những đánh giá khách quan cho sự tiên phong, tinh thần dám nghĩ, dám làm.

Tiên phong, tinh thần dám nghĩ, dám làm

Ông Vũ Tiến Lộc nói: Hiện tượng cán bộ, công chức né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc đã có từ trước đây nhưng chưa lan rộng và phổ biến như hiện nay. Từ năm 2019, tôi đã có các văn bản kiến nghị và trực tiếp phát biểu trước cuộc họp của Chính phủ và Quốc hội phản ánh về tình trạng chồng chéo xung đột giữa các văn bản quy phạm pháp luật ở nước ta. Riêng trong lĩnh vực kinh tế, mới thực hiện rà xét sơ bộ một số văn bản pháp luật về đầu tư, xây dựng, đất đai, đấu thầu, nhà ở, môi trường,…chúng tôi đã phát hiện tới 25 điểm chồng chéo, xung đột, hệ thống pháp luật của chúng ta còn có nhiều khoảng trống, khoảng mờ, không rõ ràng.

Sự phát triển kinh tế phải là thước đo 'tín nhiệm' cán bộ - Ảnh 1.

Tại Bắc Giang, nhờ cán bộ nỗ lực sáng tạo, dám làm nên công nghiệp liên tục phát triển. Ảnh: Nguyễn Thắng

Khi luật pháp, chính sách còn những điểm không rõ ràng thì quá trình xử lý công việc sẽ rất chậm trễ, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cả các cán bộ công chức và người dân, doanh nghiệp. Tất nhiên trong điều kiện trước đây khi mà công cuộc phòng chống tham nhũng chưa được đẩy mạnh thì lúc đó có thể còn có một số ý kiến khác nhau thì người lãnh đạo có thể nhìn thấy lợi ích chung họ vẫn quyết để thúc đẩy các dự án đầu tư kinh doanh. Nhưng khi công cuộc phòng chống tham nhũng đẩy mạnh thì vụ việc có thể được xem xét lại, thậm chí hồi tố nếu thấy có tư lợi.

Sự phát triển kinh tế phải là thước đo 'tín nhiệm' cán bộ - Ảnh 2.

Ông Vũ Tiến Lộc.

Việc này dẫn đến tình trạng sợ không dám làm, không dám quyết. Quá trình thực hiện thủ tục hành chính chậm lại, phê duyệt dự án chậm lại rất nhiều so với trước đây. Thực tế hiện nay, tại TP. HCM hàng trăm dự án đang bị chậm về thủ tục, riêng trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản TP.HCM có tới 70% dự án, cả nước có tới 65% dự án gặp khó khăn về pháp lý , không triển khai được .

Theo ông, tiêu chí về hiệu quả kinh tế cần được coi trọng ra sao trong đánh giá cán bộ?

Sự phát triển kinh tế của các địa phương là thước đo cao nhất của tinh thần năng động của lãnh đạo. Thời gian qua có nhiều bộ chỉ số đánh giá về sự tín nhiệm của doanh nghiệp, nhân dân với hệ thống chính quyền như PAPI, PCI... Đây là những đánh giá khách quan đối uy tín, năng lực lãnh đạo, sự tiên phong và tinh thần dám nghĩ, dám làm .

Ở nhiều địa phương hiện nay đã xây dựng bộ chỉ số thước đo sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp tới cấp quận, huyện, sở ban ngành . Đây là kênh dân chủ để đánh giá hiệu quả của hệ thống cơ quan chính quyền. Một số nơi, Nghị quyết của cấp ủy, chính quyền còn đưa bộ chỉ số này vào để đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, tôi cho rằng đây là một xu hướng tích cực.

Hoàn thiện pháp luật

Thực tế cho thấy một bộ phận không nhỏ cán bộ, lãnh đạo ở nhiều nơi vô tình hoặc hữu ý tạo ra “nút thắt”, cản trở kinh tế phát triển, thậm chí đi vào trì trệ. Cần giải pháp gì để tháo gỡ “nút thắt” này, thưa ông?

Gốc rễ ở đây là những bất cập, thiếu hoàn thiện của pháp luật, chính sách dẫn đến cán bộ, công chức không dám làm vì làm gì cũng vướng, cũng sợ. Như tôi đã nhắc đến 65-70% dự án bất động sản gặp trở ngại vì pháp lý. Nếu gỡ được khó khăn về pháp lý đó thì các dự án sẽ đi nhanh vào thực tiễn, giảm được thời gian, chi phí cho các doanh nghiệp. Thế nhưng thực tế tiền đầu tư rồi, thủ tục chậm không thể hoàn thành bị chôn tiền, phải vay ngân hàng để tái đầu tư. Thậm chí đến khi hoàn thành rồi thì cơ hội đầu tư cũng vuột mất.

Thời gian vừa qua có những địa phương không phê duyệt được các dự án mới mà nếu có thì cũng rất ít so với những năm trước đây, mà không có nhiều dự án mới thì làm sao có tăng trưởng nhanh.

Một ví dụ như loại hình bất động sản Condotel - Bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, cách đây 10 năm các nhà đầu tư đã kiến nghị rất nhiều về việc cấp sổ đỏ, sổ hồng cho loại hình này nhưng không ai quyết. Vừa qua, Chính phủ đã có Nghị quyết tháo gỡ, nhưng nếu giải quyết được sớm 10 năm thì thị trường sẽ khác, nhiều doanh nghiệp sẽ sống, nhà đầu tư và người dân bớt khó khăn, giờ thì đã chậm.

Thị trường bất động sản vừa rồi bị đẩy giá lên cao, người dân khó tiếp cận được một phần lý do là thiếu nguồn cung vì các địa phương không phê duyệt các dự án mới. Người ta sợ là đúng vì các quy định pháp luật chưa thống nhất, quy hoạch không rõ ràng. Khi chưa sửa được các quy định liên quan thì cán bộ làm sẽ vi phạm, thế nên các địa phương cũng “bó tay”.

Trước mắt, tôi nghĩ phải giải quyết được những bất nhất trong văn bản pháp luật, chính sách có liên quan. Bên cạnh đó, phải bồi dưỡng, xây dựng được đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, có sự tận tụy và liêm chính. Nhất thiết phải có chính sách bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Chúng ta đã có những đột phá trong thực hiện phòng chống tham nhũng, trừng trị tội tham nhũng thì trong bảo vệ cán bộ cũng phải được đột phá như vậy. Đặc biệt cần thúc đẩy tinh thần đổi mới, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung của người đứng đầu.

Cần đổi mới chính sách tiền lương, thu nhập cho cán bộ, công chức. Đầu tư cho con người là quan trọng không kém đầu tư cơ sở hạ tầng. Đầu tư thông qua tiền lương để thực sự thu hút người tài, để họ yên tâm sống được với đồng lương và thu nhập.

Gần đây, một Bộ trưởng đã phải nói thẳng ra một địa phương gửi đến gần 600 văn bản lên Bộ, cơ quan T.Ư trong 1 năm để hỏi ý kiến về nhiều vấn đề nhẽ ra không cần hỏi. Ông có cho rằng đây là một biểu hiện cụ thể giấy trắng mực đen về “nỗi sợ sai” đang cản trở quá trình phát triển không?

Tôi cho rằng có trách nhiệm cả từ hai phía, thực sự có những vấn đề quy định chưa rõ từ trung ương nên địa phương phải hỏi, mặt khác cũng có vấn đề thuộc thẩm quyền của địa phương nhưng địa phương sợ trách nhiệm nên hỏi trung ương cho chắc! Hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm là có thật! Tôi nghĩ rằng có sự phối hợp công tác chưa tốt giữa các bộ ngành và các địa phương. Các bộ ngành cũng phối hợp còn chưa tốt. Trong lĩnh vực xây dựng chính sách, pháp luật ở nước ta chủ yếu do Chính phủ đề xuất và soạn thảo. Chính phủ giao cho các Bộ ngành liên quan đến lĩnh vực. Đến từng bộ ngành, cục vụ nào quản lý việc đó thì chắp bút soạn thảo. Như vậy thì sẽ có tình trạng kéo thuận lợi về cho mình, đẩy khó khăn về phía người dân, doanh nghiệp, thiếu khách quan. Cơ quan soạn thảo đóng vai trò vô cùng quan trọng, cách nhìn người quản lý đưa văn bản đôi khi có vấn đề lợi ích trong soạn thảo do đó có cả tham nhũng trong xây dựng chính sách.

Do đó, điều quan trọng dần phải trung lập hóa bộ máy làm chính sách, pháp luật. Nên giảm vai trò của cơ quan cấp phép, tăng cường bộ phận tổng hợp, pháp chế trong xây dựng chính sách để có góc độ khách quan hơn.

Hiện nay mỗi bộ ngành phụ trách văn bản trong lĩnh vực của mình, các bộ ngành khác tham gia khá hạn chế nên dễ phát sinh chồng chéo, không nhất quán, không xử lý kịp thời. Nhiều lần tôi đã đề nghị quốc hội tiến hành rà xét thường xuyên để bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, đề nghị Quốc hội ban hành một luật sửa nhiều luật để cùng lúc xử lý nhiều bất cập liên quan. Còn nếu chờ chu trình sửa đổi từng văn bản luật thì rất chậm trễ, không đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.

Để khắc phục triệt để “nỗi sợ” trong cán bộ, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng trở lại đúng bản chất, chúng ta cần phải làm gì thưa ông?

Đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng là việc có liên quan đến vận mệnh chế độ, sự phát triển của đất nước. Phải minh bạch hóa môi trường kinh doanh của đất nước, rèn luyện và đào tạo được một đội ngũ cán bộ có năng lực liêm chính, đây là cái gốc của vấn đề, là yếu tố căn bản của một môi trường kinh doanh có sức cạnh tranh cao. Hiện các doanh nghiệp lớn, các dự án đầu tư lớn khi đầu tư vào các nước họ cũng lựa chọn các nơi có môi trường đầu tư minh bạch, không tham nhũng như vậy. Do đó phòng chống tham nhũng là mục tiêu đúng và chúng ta đã tạo được bước đột phá trong lĩnh vực này !

Tuy nhiên, làm sao vừa phòng, chống tham nhũng tốt vừa thúc đẩy kinh tế thì phải loại trừ được bệnh sợ sai. Để làm được điều đó phải đảm bảo được an toàn cho đội ngũ cán bộ công chức trong thi hành công vụ. Tất nhiên, phải nâng cao đạo đức, tinh thần trách nhiệm cho cán bộ công chức. Ngoài ra phải có môi trường pháp lý minh bạch, rành rõ những điều mà công chức được làm, và những cái mà người dân không được làm….

Cùng với đó, hệ thống thể chế phải kiên quyết đoạn tuyệt với các loại giấy phép con. Những năm qua chúng ta đã bỏ hàng ngàn giấy phép con, nhưng cũng có trăm , hàng ngàn giấy phép con ra đời với nhiều hình thức khác nhau. Giấy phép con và cơ chế xin - cho là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng, tiêu cực phát sinh.Việc đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số , xã hội số, chính quyền số ,bảo đảm minh bạch hóa ,tạo điều kiện tương tác người dân, doanh nghiệp và công chức trong môi trường số .Mọi thủ tục thực hiện tối đa trên môi trường mạng, tất cả công khai không có sự tiếp xúc trực tiếp sẽ giảm bớt nguy cơ tham nhũng và trục lợi, phiền hà.

Theo Trần Hoàng - Quyền Thành (Thực hiện)

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên