Sự trỗi dậy của các thành phố công nghiệp cấp 2 sẽ thúc đẩy thị trường BĐS tỉnh ven Hà Nội phát triển trong năm 2021
Hưởng lợi từ làn sóng bất động sản công nghiệp, các thành phố công nghiệp cấp 2 như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên...đang đứng trước tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt một số thị trường chưa phát triển như Hải Dương cũng đang trở thành điểm dừng chân lý tưởng cho các nhà đầu tư.
Theo đánh giá của CBRE, làn sóng BĐS công nghiệp đang trỗi dậy mạnh mẽ trên khắp cả nước. Nhu cầu bất động sản công nghiệp sắp tới là lớn, tuy vậy nguồn cung đất công nghiệp sẵn sàng bàn giao ngay tại các khu công nghiệp tại cả hai miền đều trong tình trạng khan hiếm. Đây là điểm bất lợi của bất động sản công nghiệp Việt Nam và cần phải khắc phục để khơi thông được dòng vốn dịch chuyển vào Việt Nam.
"Trong bối cảnh khan hiếm quỹ đất cho các dự án BĐS công nghiệp, KCN, các nhà đầu tư buộc phải tìm kiếm giải pháp thay thế. Theo đó, họ phải chuyển hướng tìm kiếm các vùng đất mới. Các nguồn cung đất công ngiệp sẽ dịch chuyển về các tỉnh, thành phố công nghiệp cấp 2 nhờ mức giá thuê cạnh tranh và tỷ lệ lấp đầy còn thấp", Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam, bà Dương Thùy Dung cho hay.
Tại khu vực phía Bắc, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh thường được nhắc đến đầu tiên trong mảng thu hút đầu tư bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, thời gian gần đây những thành phố công nghiệp cấp 2 như Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Hưng Yên, Hải Dương đang trở thành điểm đến lý tưởng với quỹ đất nhiều, giá thuê đất còn rẻ.
Đặc biệt, trong các thành phố BĐS công nghiệp cấp 2 thì Hải Dương đang nổi lên như một điểm sáng phát triển công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy lên đến gần 100%. Đến nay, tỉnh Hải Dương có 12 khu công nghiệp đã được phê duyệt quy hoạch xây dựng với tổng diện tích quy hoạch hơn 2.400 héc ta. Trong đó 10 khu công nghiệp đã được thành lập và đi vào hoạt động như An Phát Complex và một số khác đang được triển khai gấp rút là Quốc Tuấn- An Bình.
Hải Dương cũng là một trong những địa phương năng nổ nhất trong việc phát triển các khu công nghiệp mới đón làn sóng đầu tư sắp tới. Thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cũng cho biết, hiện có nhiều huyện, thành phố, thị xã đã có văn bản xin bổ sung tổng cộng trên 50 cụm công nghiệp mới, với tổng diện tích lên tới trên 3.000 ha. Nhiều cụm công nghiệp trong số đó đã có nhà đầu tư xin làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp trong và ngoài nước
Các khu công nghiệp tại Hải Dương có tỷ lệ lấp đầy gần như tuyệt đối.gần 100%, vượt Hưng yên, Hải Phòng, Bắc Ninh.
Trong khi các thành phố công nghiệp cấp 2 tăng cường quỹ đất mở thêm các công nghiệp, nhiều doanh nghiệp BĐS lớn cũng đã nhanh tay gom quỹ đất phát triển các dự án phục vụ nhà ở cho kỹ sư, chuyên gia nước ngoài. Giai đoạn cuối năm 2020, Hải Dương nổi lên như một thị trường BĐS sôi động khi liên tiếp các doanh nghiệp lớn về đây.
Đầu tiên phải kể đến dự án quy mô 100ha, tổng vốn đầu tư 1 tỷ USD của Công ty Ecopark Hải Dương - thành viên Tập đoàn Ecopark. Mới đây nhất, Công ty Ecopark Hải Dương - thành viên Tập đoàn Ecopark đã chính thức ra mắt tòa tháp đôi cao nhất Hải Dương Lighthouse nằm trong tổ hợp tỷ đô này. Tháp đôi Lighthouse sau khi hoàn thành sẽ là Tổ hợp đô thị nghỉ dưỡng tiêu chuẩn 5 sao đầu tiên tại Hải Dương, cung cấp một phần nhu cầu về nhà ở chất lượng cao đang thiếu cho hàng chục nghìn kỹ sư, chuyên gia nước ngoài đang làm việc tại Hải Dương.
Bên cạnh Ecopark còn phải kể đến Tập đoàn FLC khi Tập đoàn này vừa có văn bản đề nghị UBND tỉnh Hải Dương cho phép đầu tư đầu tư ba dự án, gồm: Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Hồ Bến Tắm; Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao và vui chơi giải trí Cồn Vĩnh Trụ; Khu đô thị mới Bắc Cầu Hàn.
Ngoài ra, còn một loạt "ông lớn" khác trong lĩnh vực bất động sản có đại bản doanh ở Hà Nội và các địa phương khác về Hải Dương đầu tư phát triển dự án. Tiêu biểu như: Khu đô thị phía Tây Nam Cường Hải Dương, Khu đô thị làng Việt Kiều Âu Việt, Apec Mandala Wyndham Hải Dương, TNR Stars Riverside, Ngọc Sơn Riverside…
Ngoài Hải Dương, các doanh nghiệp bất động sản cũng đổ về các thành phố bất động sản công nghiệp cấp 2 khác tìm kiếm cơ hội đầu tư. Có thể kể đến như Danko chuẩn bị đầu tư một dự án đô thị nhà ở tại Vĩnh Phúc sau dự án Khu đô thị Danko Thái Nguyên, Tập đoàn Bách Việt cũng sắp ra mắt dự án chung cư cao cấp quy mô lớn nhất tại Bắc Giang. Tại Vĩnh Phúc, Tập đoàn FLC cũng vừa khỏi công trung tâm hội nghị quốc tế...
Có thể nói, dưới sự dịch chuyển của thị trường BĐS công nghiệp, các sản phẩm BĐS nhà ở cũng đang được hưởng lợi theo, đặc biệt là tại những thành phố công nghiệp cấp 2, nơi có hệ thống hạ tầng giao thông thuận tiện nhưng giá đất chưa bị đẩy lên quá cao. Đặc biệt, trong làn sóng bứt tốc mạnh mẽ của BĐS công nghiệp, nguồn cung nhà ở chất lượng cao cho các khu vực này còn thấp và yếu đã tạo ra cơ hội cho nhà đầu tư bất động sản trong bối cảnh các thị trường lớn như Hà Nội và TPHCM đang chững lại.