MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sữa Quốc tế bất ngờ lột xác trước khi về tay chủ mới: Lãi trăm tỷ quý 2, biên lợi nhuận ngang ngửa Vinamilk, Masan

24-07-2020 - 12:09 PM | Doanh nghiệp

Blue Point đã chính thức trở thành chủ mới của Sữa Quốc tế khi nâng sở hữu lên 58% vào giữa tháng 7.

Đầu tháng 7/2020, Đại hội đồng cổ đông bất thường của CTCP Sữa Quốc tế (IDP) đã thông qua việc chấp thuận cho CTCP Blue Point mua đến 90% tổng số cổ phần của công ty mà không cần chào mua công khai. Thời gian hoàn thành giao dịch dự kiến là tháng 12/2020.

Trước đó, cổ đông nắm quyền chi phối là nhóm quỹ VinaCapital VOF và Daiwa PI Partners. Đến ngày 10/7, Blue Point đã sở hữu 58,4% cổ phần của IDP.

Từng thua lỗ rất lớn trong giai đoạn 2016-2018, IDP đã gây bất ngờ lớn khi công bố mức lãi ròng 114 tỷ đồng trong quý 2.

Chi tiết, quý 2/2020 Công ty ghi nhận doanh thu 1.114,5 tỷ, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ, khấu trừ giá vốn Công ty đạt 405,5 tỷ lãi gộp - cải thiện mạnh so với mức 160 tỷ hồi quý 2/2019.

Biên lãi gộp IDP vọt lên mức 36% - ngang ngửa với tỷ suất lợi nhuận của những doanh nghiệp hàng đầu của ngành FMCG như Masan Consumer, Vinasoy. Được biết, mức biên lãi gộp của Vinamilk trung bình 5 năm trở lại đây ổn định tại mức 46-47%.

Tham gia cuộc chơi truyền thông với các "đại gia", trong kỳ IDP cũng chịu chi mạnh cho chi phí bán hàng (tăng từ 104 tỷ lên 279 tỷ đồng), chi phí quản lý cũng tăng... Với chi phí khuyến mãi tăng 45% lên hơn 129 tỷ, đặc biệt chi phí quảng cáo đột biến 350% lên 274 tỷ đồng.

Khấu trừ, Công ty thu về mức lãi ròng hơn 114 tỷ, cao gấp gần 3 lần so với thực hiện cùng kỳ năm 2019. Lũy kế nửa đầu năm, IDP đạt doanh thu 1.905,5 tỷ, tăng 117% và LNST 150,5 tỷ, tăng 146% so với nửa đầu năm ngoái.

Nhờ lợi nhuận tăng mạnh và huy động được thêm 332 tỷ đồng từ bán cổ phiếu, vốn chủ sở hữu của IDP từ mức -41 tỷ hồi đầu năm đã tăng lên 441 tỷ đồng. Hiện tại, IDP vẫn còn lỗ lũy kế 428,5 tỷ đồng.

Mức giá phát hành vào khoảng 52.700 đồng/cp, tương ứng định giá IDP ở mức 3.100 tỷ đồng.

Sữa Quốc tế bất ngờ lột xác trước khi về tay chủ mới: Lãi trăm tỷ quý 2, biên lợi nhuận ngang ngửa Vinamilk, Masan - Ảnh 1.

Về IDP, được thành lập năm 2004 Công ty được biết đến với thương hiệu Sữa Ba Vì, Love’in Farm. Nhưng, so với các doanh nghiệp khác trong ngành như Vinamilk, Dutch Lady, TH Milk thì quy mô IDP còn khá nhỏ. Năm 2009, Công ty bắt đầu phát triển nông trại bò sữa LIF Love'in Farm với tổng chi phí đầu tư 600 tỷ đồng, tiếp cận và hỗ trợ khoảng 2.500 hộ nông dân với tổng 10.000 con bò sữa tại Ba Vì và khu vực lân cận.

Năm 2010, IDP thành lập nhà máy thứ 2 tại Ba Vì, sau 3 năm Công ty chính thức cho ra mắt dòng sữa Love'in Farm bao gồm sữa chua nông trại và sữa chua từ 100% sữa tươi. Công ty cũng triển khai mô hình Nông trại ra cả nước, dự kiến nâng tổng số đàn bò sữa lên 50.000 con với sản lượng trung bình 450-500 tấn/ngày.

Những tham vọng của IDP được tiếp sức với khoảng đầu tư 75 triệu USD từ 2 nhà đầu tư lớn VinaCapital và Tập đoàn đầu tư Daiwa (Nhật Bản) vào tháng 11/2014. Sau khi được VinaCapital rót vốn, IDP kỳ vọng sẽ trở thành thế lực mới trên thị trường sữa. Cùng thời điểm đó, "phù thủy marketing" Trần Bảo Minh, tên tuổi lừng lẫy trong các chiến dịch marketing của Pepsi, Vinamilk, Asia Foods… cũng chính thức được bổ nhiệm vai trò CEO của IDP.

Dù vậy, kết quả kinh doanh của IDP đã không quá khởi sắc như kỳ vọng, thậm chí thua lỗ liên tiếp khiến lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2019 lên đến 580 tỷ đồng, rơi vào tình trạng âm vốn chủ. Chỉ bước sang năm 2019 con số kinh doanh mới cải thiện và bắt đầu có lợi nhuận. Đây cũng là thời điểm VinaCapital nhường lại "cuộc chơi" cho chủ mới.

Ngày 3/7, ĐHĐCĐ bất thường của IDP đã thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên Hội đồng quản trị là ông Jumpei Nakamura và ông Nguyễn Tuấn Dũng. Đồng thời bổ nhiệm 2 thành viên thay thế là ông Tô Hải – hiện là Tổng giám đốc Chứng khoán Bản Việt và ông Hồ Sĩ Tuấn Phát – Tổng giám đốc Lothamilk.

BCTC

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên