MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Sức bật cho hạ tầng giao thông TP HCM: Gian nan chuyện vốn

Với cơ chế đặc thù về huy động vốn, chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng, Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội được xem như cánh cửa mở ra nhiều cơ hội, tạo sức bật cho hạ tầng giao thông và kinh tế - xã hội TP HCM phát triển.

Những dự án quan trọng đáng lẽ đã hoàn thành hoặc băng băng ngày về đích nếu như không bị chững lại bởi các vướng mắc về huy động nguồn vốn.

Năm 2012, dự án xây dựng cầu đường Bình Tiên (nối quận 6 với quận 8, TP HCM) diễn ra lễ động thổ. Người dân quanh khu vực phấn khởi, mường tượng vài năm nữa công trình dài hơn 3 km không chỉ giúp khai thông việc đi lại mà còn tạo cơ hội đổi đời cho hàng ngàn hộ ở hai bên.

Ngóng đợi

Dự án được kỳ vọng giảm ùn tắc hướng đi từ trung tâm thành phố để vào Quốc lộ 1 đến các tỉnh ĐBSCL. Thế nhưng, hơn 10 năm trôi qua, nhà dân nằm trong khu giải tỏa đã xuống cấp trầm trọng mà cầu vẫn chưa thấy.

Từ đường Bến Bình Đông, chúng tôi rẽ vào đường Cây Sung (phường 14, quận 8). Phía tay phải, nhiều căn nhà được bồi thường để nhường mặt bằng cho một phần dự án hiện lên hình ảnh nhếch nhác, đất đá cùng rác thải ngổn ngang. Bên tay trái, hàng chục căn khác cũ kỹ, xuống cấp…

Sức bật cho hạ tầng giao thông TP HCM: Gian nan chuyện vốn - Ảnh 1.

Dự án cầu đường Bình Tiên bắc qua kênh Tàu Hũ còn dang dở

Nghe hỏi về cầu đường Bình Tiên, ông Dương Ngọc Điệp (72 tuổi, nhà trên đường Cây Sung) thở dài. Ông Điệp kể dự án đã có rất lâu, không nhớ rõ thời gian, chỉ mang máng lúc đó đoàn cán bộ đến đo vẽ, thông báo về tiền giải tỏa nhưng rồi không còn liên lạc gì.

Người con trai lớn thất nghiệp sau đại dịch COVID-19, con gái bị bệnh bẩm sinh, ông và vợ hằng ngày bán hủ tiếu sống qua ngày. "Căn nhà bị xuống cấp, nền thấp hơn mặt đường. Mỗi khi mưa thì nước tràn vào, trên dột xuống, phải hấp tấp di dời đồ đạc. Chúng tôi chỉ mong nhận tiền bồi thường từ dự án để về quê sinh sống" - ông Điệp nói.

Cùng chung tâm trạng với ông Điệp, bà Nguyễn Thị Nên (70 tuổi, nhà trên đường Cây Sung) than nhà cửa không được xây mới, muốn bán để chuyển đi nơi khác cũng bất thành vì nghe đến dự án dừng quá lâu này ai cũng nản. Cứ ngóng trông rồi thất vọng. Nếu dự án không khả thi thì nên mở hướng để bảo đảm quyền lợi của người dân.

Cũng thuộc dự án cầu đường Bình Tiên, nhiều hộ dân sống trên đường Bình Tiên (phường 3, quận 6) khi được hỏi đều bày tỏ buồn phiền bởi dự án ngưng trệ quá lâu. Chưa kể, vì công trình chưa làm nên phương tiện từ trung tâm thành phố ra các khu đô thị phía Nam phải theo những trục đường như cầu Nguyễn Tri Phương, cầu Chữ Y, cầu Chà Và, cầu Nhị Thiên Đường... khiến các tuyến này thường xuyên quá tải, đi lại khó khăn.

Để hạn chế ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, chính quyền quận 6 và quận 8 nhiều lần kiến nghị HĐND TP HCM và UBND thành phố xem đây là dự án cấp bách giải quyết bài toán giao thông liên quận, tạo cơ hội ổn định đời sống kinh tế cho người dân bị ảnh hưởng.

Các cửa ngõ "ngạt thở"

Là cửa ngõ kết nối TP HCM qua các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, tuyến Quốc lộ 13 đoạn qua TP HCM dài hơn 5 km (từ ngã tư Bình Phước đến cầu Bình Triệu với 6 làn xe) thường xuyên ùn ứ vì là "cổ chai" trước khi nối sang địa bàn tỉnh Bình Dương với 8 làn xe.

Sức bật cho hạ tầng giao thông TP HCM: Gian nan chuyện vốn - Ảnh 3.

Quốc lộ 13 đoạn qua TP HCM quá tải nhiều năm nay. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tình trạng này phổ biến trong cả ba thời điểm sáng, trưa và chiều khi lượng phương tiện dồn dập. Nhiều lúc, dòng ô tô nối đuôi nhau dày đặc, kéo dài hơn 2 km từ ngã tư Bình Triệu đến đoạn giao đường Hiệp Bình (TP Thủ Đức). Anh Phan Văn Tài, một tài xế xe tải, lý giải vì là trục đường chính dẫn vào thành phố, lại gần Bến xe Miền Đông, ô tô ra vào nhiều nên tắc triền miên. Có hôm anh mất hơn 2 giờ đi từ Thủ Dầu Một đến quận 4, dù quãng đường chưa đầy 30 km.

Trước đó, đoạn Quốc lộ 13 trên là một thành phần của dự án cầu đường Bình Triệu 2, thực hiện theo hình thức BOT. Khi đang tìm nguồn vốn để triển khai thì Nghị quyết 437/2017 Quốc hội ban hành có nội dung dừng dự án BOT trên các đường hiện hữu.

Do đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP HCM đề xuất mở rộng Quốc lộ 13 với tổng vốn gần 10.000 tỉ đồng bằng nguồn vốn ngân sách nhưng do nguồn vốn hạn hẹp nên nhiều năm dự án chưa thể triển khai.

Ở cửa ngõ phía Tây, tuyến Quốc lộ 1 đoạn qua huyện Bình Chánh dài 9,6 km cũng "ngạt thở" vì áp lực giao thông. Đoạn này chưa được mở rộng so với các đoạn còn lại từ cầu Bình Điền về TP Thủ Đức khi mặt cắt ngang chỉ 19 m, 6 làn xe, chưa có dải phân cách giữa ô tô và xe máy.

Đoạn quốc lộ mang tính huyết mạch của cửa ngõ phía Tây này được đề xuất mở rộng lên 52 m với tổng vốn 12.900 tỉ đồng. Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, nhu cầu mở rộng rất cấp bách trong bối cảnh đoạn tuyến đang quá tải, xe máy phải trộn dòng với ô tô rất nguy hiểm.

Còn ở cửa ngõ Tây Bắc, Quốc lộ 22 (đi qua huyện Hóc Môn) kết nối TP HCM với tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và cửa khẩu quốc tế Mộc Bài đã quá chật chội so với nhu cầu giao thông hiện tại. Hầu như ngày nào đoạn từ ngã tư Trung Chánh đến ngã tư Hóc Môn đều ùn ứ vào những khung giờ cao điểm sáng và chiều.

Tại nút giao giữa Quốc lộ 22 với các đường Nguyễn Ảnh Thủ, Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn), dù có dải phân cách giữa làn ô tô và xe máy nhưng nhiều xe máy vẫn len lỏi vào làn ô tô gây nhiều rủi ro tai nạn. Tuyến đường tuy chỉ gần 5 km nhưng là nỗi ám ảnh của cánh tài xế, doanh nghiệp.

Vận dụng Nghị quyết 98

Văn phòng UBND TP HCM vừa có thông báo truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi về cập nhật, bổ sung quy hoạch giao thông vào Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Theo đó, hệ thống giao thông của TP HCM cần nghiên cứu trên cơ sở quy hoạch thành phố là đô thị đa trung tâm với định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD), từng bước giảm dần áp lực tại khu trung tâm, hướng đến hình thành và phát triển các khu đô thị vệ tinh... Trong thông báo, ông Phan Văn Mãi giao Sở Giao thông Vận tải khẩn trương nghiên cứu, tham mưu danh mục các công trình giao thông ưu tiên đầu tư để tập trung hoàn thành trong vòng 3-5 năm tới, trên cơ sở vận dụng Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội. P.Anh

Xếp hàng chờ ưu tiên

Ở phía Nam, người dân các quận 4, 7, 8 và huyện Nhà Bè vào khu trung tâm TP HCM chủ yếu qua các cây cầu như Nhị Thiên Đường, Chánh Hưng, Chữ Y, Nguyễn Văn Cừ, Tân Thuận và Kênh Tẻ. Tuy nhiên, những cây cầu này cơ bản quá tải do bề ngang hẹp. Vì thế, không khó để ghi nhận tình trạng ùn ứ giao thông thường xuyên diễn ra trên các tuyến đường Nguyễn Hữu Thọ, Nguyễn Tất Thành... khi ô tô, xe máy thường xuyên xếp hàng nhích từng chút.

5-box-duong-nguyen-tat-thanh

Hình ảnh thường thấy trên đường Nguyễn Tất Thành (quận 4, TP HCM). Ảnh: ÁI MY

Cầu đường Nguyễn Khoái (nối quận 4 sang quận 7 và quận 1) được kỳ vọng khởi công sớm để giải tỏa áp lực giao thông trên. Dự án được HĐND TPHCM chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2016. Qua nhiều lần điều chỉnh hướng tuyến, đến nay tổng mức đầu tư dự án dự kiến 2.500 tỉ đồng. Sở Giao thông Vận tải TP HCM đã đề xuất UBND TP HCM chấp thuận chủ trương đầu tư trong năm 2021, trình HĐND TP HCM thông qua kế hoạch vốn trung hạn 2021 - 2025 để làm dự án. Tuy nhiên, dự án một lần nữa phải gác lại do thành phố không cân đối được vốn vì phải bố trí vốn cho các dự án cấp bách khác.

(Còn tiếp)

Theo THU HỒNG - ÁI MY

Người lao động

Trở lên trên