MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài chính ngân hàng: Con đường dài khám phá bản thân

15-09-2017 - 14:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Từ một cô gái học trường Nhân Văn, yêu màu tím nhưng tôi lại chẳng đến với nghề mình mong muốn là làm du lịch. 12 năm rời ghế đại học, tôi lại có đến 10 năm gắn bó với nghề tài chính ngân hàng ở 1 công ty tài chính và 4 ngân hàng thương mại với 8 vị trí khác nhau.

LTS: Chúng tôi xin giới thiệu bài dự thi của tác giả Nguyễn Thị Ái Trinh - khối SME ngân hàng ABBank gửi tới cuộc thi viết về Nghề Tài chính Ngân hàng: Thử thách và Vinh quang do Cafef phối hợp với báo Trí thức trẻ tổ chức.

--------------

Họp lớp đại học. Sau 12 năm ra trường, đây là lần họp lớp đông đủ nhất. Những người bạn của lớp Pháp 01A khóa 2001-2005 của trường Nhân Văn ngày nào cùng ngồi lại bên nhau. Chúng tôi cùng nghe nhạc Pháp, cùng ngắm mưa rơi, cùng ôn chuyện xưa, chia sẻ chuyện nay trong một chiều tháng Tám…

Hơn nửa lớp giờ đã xuất ngoại. Những thành viên còn ở Việt Nam hầu hết làm việc trong ngành du lịch, nhà hàng khách sạn, marketing, nghĩa là đa số vẫn sử dụng ngoại ngữ, tiếng Pháp hoặc tiếng Anh làm ngôn ngữ chính trong cuộc sống, trong công việc hằng ngày. Và đa số đều gắn bó với tổ chức công tác từ lúc ra trường đến giờ.

Chỉ mình tôi làm ngân hàng. Chỉ mình tôi sau 12 năm ra trường đã có 10 năm trải nghiệm trong ngành tài chính ở 1 công ty tài chính và 4 ngân hàng thương mại cổ phần với 8 vị trí công việc khác nhau. Có bạn đùa “Trinh đi hết hệ thống ngân hàng chưa?” Có bạn lo lắng “Ngân hàng lúc này thấy nhiều người lên báo giải trình quá. Trinh cẩn thận nhe”. Ấm áp biết bao tình bạn…

Ra về, lòng miên man tự hỏi…Ừ nhỉ? Sao giờ mình lại làm trong ngành tài chính ngân hàng? Sao ngày xưa yêu màu tím, không thích xem thời sự, suốt ngày xí xô xí xào, mơ ước trở thành hướng dẫn viên du lịch, giờ lại suốt ngày theo dõi tin kinh tế, chính trị, giá vàng, giá đô, giá dầu, giá gạo, tình hình thiên tai mùa vụ, cập nhật dự thảo, thông cáo của Ngân hàng Nhà nước, của Bộ, Ban, Ngành,...?

Có lẽ bởi ông bà xưa đã bảo “Nghề chọn ta, chứ ta không thể chọn nghề”.

Có lẽ bởi tuy trước đây tôi thích ngoại ngữ, thích nghề du lịch, nhưng nghề tài chính ngân hàng đã chọn tôi. Và 10 năm qua, tôi đã sống bằng nghề này, đã được học hỏi, được phát triển với sự chỉ bảo, dìu dắt, hỗ trợ của những người đồng nghiệp đáng kính, đáng mến trong nghề.

Với lý lịch trích ngang như thế, với thời gian và những vị trí công tác đã trãi qua, lúc này trong tôi chỉ một cảm nhận: “Tài chính ngân hàng là con đường dài khám phá bản thân”.

Vì sao lại như vậy?

Là bởi lẽ, trong ngành này, dù bạn là ai, bạn học chuyên ngành nào, hiện bạn đang có bằng đại học, cao đẳng, trung cấp hay phổ thông, thì chỉ cần bạn chịu khó, tận tâm, cầu thị, cầu tiến thì ngành này luôn có việc cho bạn.

Trong ngành tài chính, bạn sẽ được nhìn thấy những lộ trình cụ thể, những ví dụ sinh động về phát triển, về thăng tiến, về thành công. Đó sẽ là động lực mạnh mẽ nhất để bạn không ngừng học hỏi nâng cao kiến thức, hoàn thiện bản thân.

Trong ngành này, bạn sẽ được thử thách bản thân hằng ngày giữa đúng và sai, tuân thủ và vi phạm, tận tâm và vô cảm, chừng mực và bất chấp.

Bởi …

Và còn hơn nữa, có rất nhiều các vị CEO, người nổi tiếng vẫn chọn tài chính ngân hàng như ngành nghề đầu tư tiếp theo, hoặc là một phần trong danh mục đầu tư, sau khi họ đã thành công ở những lĩnh vực, ngành nghề đầu tư khác.

Làm trong ngành tài chính, tôi từng được cộng tác với rất nhiều đồng nghiệp tốt nghiệp trung học phổ thông, bộ đội xuất ngũ làm nhân viên tư vấn khách hàng, nhân viên thu nợ trực tiếp ở công ty tài chính; đồng nghiệp có bằng trung cấp, cao đẳng, đại học chuyên ngành kế toán, ngoại ngữ, thể dục thể thao, … làm nhân viên hành chính, nhắc nợ, tư vấn khách hàng, hỗ trợ tín dụng tại ngân hàng. Rồi qua quá trình làm việc, giao lưu, tương tác với đồng nghiệp, cấp trên, các phòng, ban khác cùng hệ thống, mỗi người sẽ tự mình, hoặc được đồng nghiệp, cấp trên định hướng, đánh giá được bản thân phù hợp với công việc nào, chuyên môn gì, muốn phát triển hơn thì phải bổ sung, hoàn thiện điều gì.

Có lẽ chỉ trong ngành này, bạn mới dễ dàng tìm thấy đồng nghiệp, cấp trên khi hai buổi sáng chiều ở nơi công tác cũng là đồng môn hoặc là giảng viên của bạn ở những lớp văn bằng 2, cao học buổi tối.

Có lẽ đặc thù ngành này luôn “khát” nhân sự “văn võ song toàn”, không ngừng nêu cao tinh thần “học, học nữa, học mãi”. Học ở công việc, học ở đồng nghiệp, học ở đối tác, học ở khách hàng …

Cũng có lẽ chỉ ngành này mới phổ biến cơ chế khuyến khích, hỗ trợ cán bộ nhân viên luân chuyển giữa các Khối, Trung Tâm, Phòng, Ban, Đơn vị trong hệ thống nội bộ của tổ chức. Đó chính là là điều kiện tuyệt vời để bạn có thể khám phá năng lực bản thân và phát triển sự nghiệp.

..........

Còn bạn muốn sáng 8h đến cơ quan, chiều 5h về. Tiếp nhận, phản hồi, xử lý công việc theo đúng SLA (cam kết về thời gian cung cấp dịch vụ) của nơi công tác. Sau giờ làm bạn có thể không nghe điện thoại. Vì khách hàng giải ngân muộn so với kế hoạch, trễ lịch thanh toán với đối tác, cán bộ nhân viên của khách hàng bị chậm nhận lương là việc của khách hàng và chuyên viên tư vấn khách hàng? Đừng ảo tưởng. Đó không phải việc của bạn.

…Không cần chăm sóc khách hàng sau khi giải ngân. Không cần nhắc, không cần thông báo cho khách hàng số tiền chính xác của mỗi kỳ trả nợ mà chỉ cần họ thanh toán đúng số tiền theo lịch trả nợ dự kiến? Đó là việc của tổ chức và của khách hàng, không phải việc của bạn.

…Kiếm được nhiều, thậm chí rất nhiều tiền bằng cách hỗ trợ khách hàng kê khống nguồn thu, nâng giá trị tài sản bảo đảm, “bùa chú” hồ sơ để khách hàng được giải ngân theo kế hoạch và “chia phần trăm” cho bạn. Việc xử lý nợ và rủi ro mất vốn đã giải ngân là việc của tổ chức… Đó lại càng không phải việc của bạn – một nhân viên tài chính ngân hàng.

Trong ngành này, những cơ hội “bạn có thể…” như trên là một vài trong vô vàn cơ hội bạn sẽ gặp khi tác nghiệp. Và những cơ hội ấy sẽ giúp bạn khám phá, đồng thời xác thực bạn là người tận tâm hay vô cảm, có trách nhiệm hay vô trách nhiệm, liêm chính hay tham lam, bất chấp hay chừng mực.

Vâng, đó là những dòng chia sẻ cảm nhận về nghề tài chính ngân hàng của tôi – một cô gái theo chuyên ngành ngoại ngữ, mơ ước trở thành hướng dẫn viên du lịch, đã có 10 năm đi trên “con đường dài khám phá bản thân” này. 10 năm – một chặng đường không quá ngắn và cũng chưa đủ gọi là dài nhưng tôi đã thu thập thêm cho mình một cuộc sống gia đình hạnh phúc với người chồng chia sẻ với công việc của vợ cùng tấm bằng về tài chính ngân hàng luật, cùng lượng kiến thức vừa phải để được trả mức lương đầy đủ cho cuộc sống.

10 năm tôi đã đi trên con đường làm nghề tài chính ngân hàng, và chắc chắn sẽ còn đi tiếp, bởi tôi tin rằng để được đi trên con đường ấy, bản thân phải luôn giữ tinh thần lạc quan, tỉnh táo, đam mê học hỏi, sáng tạo và không ngừng hoàn thiện bản thân. Con đường ấy tuy không trải đầy hoa hồng nhưng cũng không hẳn chỉ toàn sỏi đá. Mỗi chặng đường sẽ có những chướng ngại vật mà mình phải vượt qua và khi đã chinh phục được rồi thì niềm vui ấy lại là động lực để tiếp tục hành trình khám phá chặng đường mới. Tôi vẫn tin vào tương lai rằng cuộc đời là những chuyến đi, cứ đi sẽ đến, cứ tìm sẽ thấy, thành công sẽ đến nếu bản thân không ngừng cố gắng.

Nguyễn Thị Ái Trinh - khối SME ngân hàng ABBank

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên