MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NHNN nên cân nhắc quy định về trần lãi suất

10-06-2015 - 10:06 AM | Tài chính - ngân hàng

Sửa đổi Bộ Luật Dân sự, chuyên gia tài chính, TS. Cấn Văn Lực phản biện: "Nếu lấy lý do công bố trần lãi suất cơ bản mới để chống cho vay nặng lãi, tôi cho là còn phải cân nhắc".

TS Cấn Văn Lực
TS Cấn Văn Lực
Chuyên gia tài chính ngân hàng
288 bài viết

* Quan điểm của ông về việc xác lập trần lãi suất cơ bản mới trong Bộ Luật Dân sự sửa đổi?

- Chúng ta có thể công bố như một số nước vẫn làm, ngay cả khi lãi suất cơ bản không sát với tình hình thị trường những năm qua. Ở đây, vấn đề quan trọng là công bố trần lãi suất để làm gì?

Chúng ta có nhiều cách để bảo vệ người tiêu dùng và khống chế việc cho vay năng lãi, không cần đưa vào Bộ Luật Dân sự.

Mặt khác, việc khống chế ở mức trần như vậy sẽ phá vỡ tính thị trường trong hoạt động tín dụng, đồng nghĩa với việc ngân hàng (NH) cho vay chịu rủi ro cao hơn. Đó là chưa kể đến mức trần đó sẽ làm thị trường méo mó.

* Ông nói có nhiều cách kiểm soát, khống chế cho vay năng lãi thay vì đưa ra một mức trần trong bộ luật, vậy đó là gì ?

- Lãi suất tái cấp vốn hay lãi suất tái chiết khấu quan trọng hơn rất nhiều. Các nước vẫn dùng lãi suất này để điều hành nền kinh tế, bởi nó định hướng mặt bằng lãi suất của thị trường, định hướng tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng.

Tôi nghĩ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nên tập trung sử dụng công cụ này.

Bên cạnh đó, phải tăng cường tính thị trường, tính thương mại trong cho vay, gần như phải đảm bảo 100%. NHNN phải cho phép các ngân hàng, khách hàng trên cơ sở thỏa thuận cho vay.

Ngân hàng phải chịu trách nhiệm 100% về quyết định cho vay của mình, không cho vay theo chỉ định.

Trường hợp ngân hàng làm chính sách thì phải tách riêng. Với những công trình Chính phủ muốn hỗ trợ, phải có chính sách rõ ràng và ngân hàng phải tuân thủ, ví dụ, 50 lĩnh vực ưu tiên cho vay hiện nay.

Một điểm quan trọng nữa, NHNN cần nghiên cứu để tăng cường khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, có thể bằng hình thức tăng mạng lưới chi nhánh các ngân hàng hoặc tăng hệ thống ngân hàng điện tử qua điện thoại, internet.

Việc sửa đổi Bộ Luật Dân sự đang được kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII bàn thảo, được kỳ vọng sẽ giải quyết những bất cập hiện nay, tạo điều kiện cho lộ trình tự do hóa lãi suất trong hoạt động ngân hàng, đồng thời có giải pháp chống cho vay nặng lãi.

Bên cạnh đó, tăng cường hiểu biết cho doanh nghiệp, người dân về tài chính - ngân hàng, qua đó tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ tài chính, giúp người dân không vướng vào vay nặng lãi hoặc tín dụng đen.

Quản lý rủi ro những ngân hàng áp lãi suất cho vay cao đối với người dân và doanh nghiệp, không để lãi suất cao đến mức người vay không trả được nợ.

Chính phủ cũng cần có biện pháp kiểm soát ngân hàng ngầm, tín dụng đen, ủy thác cho vay để người dân tiếp cận được nhiều hơn với lãi suất hợp lý hơn.

* Dự thảo sửa đổi Bộ Luật Dân sự cũng hướng đến tự do hóa lãi suất trong hoạt động ngân hàng, theo ông, có khi nào lãi suất tái cấp vốn ở mức 1% ?

- Cái đó phải tùy vào lĩnh vực ưu tiên, cũng như đảm bảo mức độ cạnh tranh của thị trường, đảm bảo không ảnh hưởng quá nhiều để liên quan đến lạm phát. Tôi nghĩ, đấy là bài toán phải cân nhắc kỹ lưỡng trong điều hành lãi suất ngắn, trung và dài hạn của NHNN.

* Cũng liên quan đến lãi suất, theo ông, từ nay đến cuối năm có thể thêm ít nhất một đợt hạ lãi suất?

- Tôi nghĩ, thời gian tới lãi suất khó giảm thêm. Trần lãi suất hiện nay khá thấp, đặc biệt liên quan đến lãi suất huy động, vẫn phải đảm bảo lãi suất huy động thực dương cho người gửi tiền. Như vậy, giảm lãi suất đầu vào rất ít, thậm chí gần như không còn.

Cần hết sức lưu ý, lạm phát tăng có thể gây áp lực trở lại trong bối cảnh tăng giá một số mặt hàng, trong bối cảnh lượng tín dụng năm ngoái cũng như năm nay đẩy ra nền kinh tế cao hơn so với trước đây, và biết đâu giá dầu trên thế giới sẽ tăng trở lại.

* Cảm ơn ông!

Theo Xuân Hùng

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên