Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước Thống đốc
Nguyễn Văn Giàu cho biết trong 29 ngày của tháng 9, tín dụng chỉ tăng
2,48% (chứ không phải 4,5%). Mức tăng này là bình thường. Nếu tín dụng tháng 9
tăng đến 4,5% thì đã tác động mạnh tới kinh tế vĩ mô.
Nghị quyết 18/NQ - CP đã
chỉ rõ, năm nay chúng ta phải tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát
cao và đảm bảo tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5%. Do vậy, các ngành, các cấp cần
đặt mục tiêu lớn đó lên hàng đầu. Việc vẫn có ý kiến phân tích, bình luận là
thiếu vốn, khó tiếp cận vốn... là chưa chính xác.
Năm nay, nhu cầu vay ngoại tệ nhiều nên tín dụng ngoại tệ tăng
Trả lời về sự chênh lệch đáng kể giữa tỷ lệ
tăng trưởng tín dụng USD và VND, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho biết nếu
so với các năm, tỷ lệ tín dụng ngoại tệ năm 2010 có diễn biến khác một chút,
nhưng không phải khác thường. Những năm trước, ngoại tệ huy động được nhưng nhu
cầu vay ít, nên các ngân hàng phải gửi ở nước ngoài.
"Năm nay, nhu cầu vay ngoại
tệ nhiều nên tín dụng ngoại tệ tăng. Điều này là bình thường. Đã có những ý
kiến bình luận, dự báo ngoại tệ sẽ căng thẳng. Nhưng tôi cho rằng, quan trọng
là ở sự điều hành của Chính phủ và sự phối hợp giữa các Bộ, ngành khá tốt. Cũng
có ý kiến đánh giá, thông lệ cuối năm nhu cầu ngoại tệ thường lớn. Nhưng tôi
lại không nghĩ thế và thị trường sẽ là câu trả lời", ông Giàu cho biết.
Về biện
pháp nào để cân bằng tín dụng USD và VND, Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho
rằng các NHTM đã báo cáo, tỷ lệ tín dụng USD và VND đã có sự tính toán, quản lý
rất chặt chẽ. Ví dụ, đối với khách hàng là doanh nghiệp xuất khẩu thì ngân hàng
"nắm" phần chuôi, đảm bảo khi doanh nghiệp có nguồn ngoại tệ về sẽ
trả nợ cho ngân hàng.
"Còn trong trường hợp cho vay doanh nghiệp nhập khẩu, NHTM
cũng phải "trông giỏ bỏ thóc" để nhà nhập khẩu có trách nhiệm trả nợ
đúng hợp đồng. Hơn nữa, tôi được biết, nhiều ngân hàng đã thuê các chuyên gia
tư vấn để thẩm định tín dụng; tăng cường năng lực quản trị rủi ro...", ông Giàu nói.
Tính
đến ngày 27/9/2010, tăng trưởng tín dụng đạt 19,27%, đến cuối tháng 9/2010 tăng
khoảng 19,5%. Trong tổng dư nợ toàn ngành hiện nay, dư nợ tín dụng khu vực phi
sản xuất hiện nay là 385.000 tỷ đồng, tăng 18,2% - thấp hơn mức dư nợ chung của
toàn hệ thống.
Trong
đó dư nợ cho vay BĐS 218.000 tỷ đồng, tăng 18%; dư nợ cho vay chứng khoán
15.000 tỷ đồng, tăng 19,8%; dư nợ tín dụng tiêu dùng 151.000 tỷ đồng, tăng
19,7%. Một số lĩnh vực sản xuất ưu tiên cho vay đều có mức tăng trưởng dư nợ
cao: khu vực nông nghiệp - nông thôn tăng 19%; khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa
tăng 20%.
|
(Trích website Ngân hàng Nhà nước) V.Minh