Tái cơ cấu kinh tế Việt Nam: Trao quyền cho phụ nữ đang có xu hướng tụt lùi
Đây là thông điệp được ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nêu lên tại Hội thảo "Thúc đẩy trao quyền cho phụ nữ trong quá trình tái cơ cấu kinh tế tại Việt Nam".
-
Người dân, DN đóng góp nguồn tài chính cho các quỹ ngoài ngân sách gần như không biết chi tiết việc sử dụng, chi tiêu các quỹ ra sao
Phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động kinh tế với vai trò doanh nhân, quản lý doanh nghiệp ngày càng nhiều. Hỗ trợ phụ nữ phát huy vai trò kinh tế của họ là điều quan trọng để góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và bao trùm.
Ông Raymond Mallon, cố vấn cao cấp của dự án RCV cho biết, GDP bình quân đầu người của thế giới có thể thiệt hại tới 27% do khỏang cách về giới. Ngay cả những quốc gia tốt nhất trong khu vực cũng có thể tăng GDP lên trên 10% nếu cải thiện vấn đề bình đẳng giới.
Thực tế cho thấy, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện rất nhiều cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của doanh nghiệp. Trong 20 năm, những cải cách về môi trường kinh doanh đã có tác động tích cực đến doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp nữ nói riêng, đặc biệt là các doanh nghiệp nữ nhỏ và siêu nhỏ.
Tuy nhiên, các kết quả này không đồng đều. Các doanh nghiệp nữ Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng bất bình đẳng giới ở Việt Nam còn cao. Trong bảng xếp hạng thế giới, khoảng cách giới ở Việt Nam đang ở mức trung bình. Vấn đề ông Cung lo ngại là Việt Nam đang có chiều hướng đánh mất vị trí hiện tại.
Theo WEF, quá trình thực hiện “trao quyền cho phụ nữ” đang có những bước đi thụt lùi trong vài năm gần đây. Khoảng cách giới của Việt Nam đã giảm từ vị trí 42 (2007) xuống 62 (2016). Chỉ số về cơ hội kinh tế đã giảm từ vị trí 11 xuống 33. Trong lĩnh vực vực chính trị thứ hạng của Việt Nam còn tụt tới 42 bậc.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, CIEM hiện là đầu mối thực hiện dự án thúc đẩy trao quyền cho phu nữ. Trong tương lai, viện sẽ tìm hiểu nhu cầu nữ giới và khảo sát những thực tiễn tốt. Từ đó dự án sẽ có đề xuất nhưng giải pháp cải thiện bình đẳng giới gắn với CIEm tìm kiếm những điển hình và tập trung vào cải thiện môi trường kinh doanh.
Nghiên cứu các tác động của việc cải thiện môi trường kinh doanh đối với phụ nữ hiện chỉ ra rất nhiều bất bình đẳng. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ thấp hơn nam; vấn đề khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp của mình còn khó khăn. Đặc biệt, doanh nghiệp nữ đang bị kiểm tra nhiều và chịu mức chi phí không chính thức cao hơn nhiều doanh nghiệp nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia khuyến nghị chính sách nhà nước cần thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp nữ. Trong đó, đặc biệt chú trong xây dựng khuôn khổ pháp luật kinh doanh bình đẳng giới, giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, đảm bảo tiếp cận nguồn lực dễ dàng hơn cho doanh nghiệp. Bên cạnh, đó cần có các hỗ trợ như đào tạo, tập huấn, tư vấn, huấn luyện và cung cấp các dịch vụ tư vấn về tài chính và pháp lý. Đồng thời nhà nước cần tăng cường vai trò của các nữ doanh nhân trong các hiệp hội kinh doanh nhằm làm cho các hoạt động của hiệp hội này phù hợp hơn với phụ nữ.