MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu nền kinh tế không phải ở việc huy động nguồn lực

Phân bố và sử dụng hiệu quả sẽ khơi thông dòng chảy nguồn lực cần thiết trong tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

TS Nguyễn Đình Cung
TS Nguyễn Đình Cung
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ
109 bài viết

Khi bàn luận về tái cơ cầu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thời gian qua có nhiều nhận định được đưa ra là phải cần nhiều nguồn lực với những con số rất lớn, trong khi khả năng huy động nguồn lực của nền kinh tế nước ta đang hết sức hạn chế.

Những phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) sẽ đưa đến cái nhìn khác về về việc huy động và sử dụng nguồn lực hiệu quả trong tái cơ cấu nền kinh tế ở Việt Nam hiện nay.

PV: Thưa ông, trong một nhận định gần đây ông có cho rằng, tư duy huy động nguồn lực để tái cơ cấu nền kinh tế hiện đang không còn phù hợp. Ông có thể cho biết vì sao ông lại đưa ra nhận định này và các nguồn lực hiện nay đã được huy động đến mức độ nào?

TS. Nguyễn Đình Cung: Trên thực tế trong những năm qua, chúng ta đã huy động rất tốt các nguồn lực trong xã hội. Trong đó, huy động đầu tư xã hội đã đạt đến mức 34 – 35% GDP; Huy động thu ngân sách đạt tới 22 – 23% GDP; Chi ngân sách đạt tới 28% GDP; Huy động hệ thống ngân hàng cung cấp cho nền kinh tế đã hơn 100% GDP và hằng năm vẫn tăng thêm ở mức 17 – 20%; huy động đầu tư nước ngoài cũng đã chiếm tới 28% tổng đầu tư xã hội…


Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương -CIEM (Ảnh: Internet)

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương -CIEM (Ảnh: Internet)

Đây là những có số huy động nguồn lực hết sức rất lớn theo chuẩn mực quốc tế, trong khi bội chi ngân sách nước ta ở mức cao và vẫn đang tiếp tục gia tăng. Nếu xét về mức huy động nguồn lực, Việt Nam đứng trong số những quốc gia hàng đầu trên thế giới.

Cho nên vấn đề của Việt Nam hiện nay để tái cơ cấu nền kinh tế không phải là ở việc huy động nguồn lực. Vấn đề trọng tâm cần xem lại là việc phân bố nguồn lực sai lệch và sử dụng nguồn lực hết sức kém hiệu quả, gây lãng phí.

Bởi lẽ, nếu cứ tiếp tục huy động thêm trong khi sử dụng nguồn lực kém hiệu quả, lãng phí sẽ không những không làm cho thịnh vượng quốc gia tăng thêm, mà còn làm sói mòn nguồn lực quốc gia, kéo giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Từ những thực tế này tôi cho rằng, trước tiên chúng ta phải làm sao phân bố lại nguồn lực để sử dụng một cách có hiệu quả. Khi đã sử dụng có hiệu quả thì chắc chắn nguồn lực sẽ tự chảy về, còn cứ sử dụng không hiệu quả thì có huy động bao nhiêu rồi đến lúc các kênh, nhánh, suối nguồn lực cũng sẽ khô cạn dần.

PV: Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016 – 2020, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng có đưa ra con số cần khoảng 480 tỷ USD. Theo ông thì nguồn lực này sẽ được huy động từ đâu?

TS. Nguyễn Đình Cung: Trong đề án tái cơ cấu nền kinh tế được Bộ trưởng trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nêu trọng tâm là phân bố lại và sự dụng có hiệu quả nguồn lực hiện có, sau đó mới tính đến việc huy động các nguồn lực xã hội.

Có thể mọi người đọc không kỹ đề án vì chúng tôi đã giải thích rất rõ là trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng không phải là việc huy động nguồn lực. Cách tiếp cận của đề án trước hết phải phân bố lại nguồn lực và sử dụng nguồn lực một cách có hiệu quả.

Con số 480 tỷ USD đề án đưa ra chẳng qua chỉ là sự ước lượng rằng, nếu khi cần phải huy động thì sẽ huy động, nhưng đó không phải con số để tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà đó chỉ là một con số giả định. Nếu đọc kỹ đề án này sẽ thấy, việc huy động nguồn lực chỉ đứng hàng thứ yếu, nhất định không phải là ưu tiên hàng đầu để tái cơ cấu nền kinh tế.

Chỉ khi chúng ta phân bố lại và sử dụng thật hiệu quả nguồn lực hiện có, nếu cần phải huy động, chỉ tính riêng khu vực nhà nước, nếu tính sơ bộ theo giá sổ sách thì con số cần huy động cũng phải lên tới trên 500 tỷ USD, hoặc cao hơn con số này rất nhiều.

Tôi muốn khẳng định lại, chỉ khi sử dụng nguồn lực hiệu quả thì vòng phát triển mới có cơ hội nới rộng ra, từ đó con số huy động sẽ là rất lớn. Điều này cũng là muốn nhấn mạnh một điều, khi sử dụng nguồn lực hiệu quả sẽ khơi thông dòng chảy nguồn lực, từ đó làm tăng tiềm năng phát triển của nền kinh tế, tăng tính cạnh tranh và thịnh vượng quốc gia.

PV: Theo lý giải và phân tích của ông thì chúng ta sẽ cần phải phân bố và sử dụng nguồn lực như thế nào mới có hiệu quả?

TS. Nguyễn Đình Cung: Hiện nay cơ chế phân bố nguồn lực của chúng ta phần lớn vẫn là cơ chế hành chính xin – cho, trong khi thị trường đóng vai trò rất thứ yếu.

Muốn thay đổi lại phân bố nguồn lực trước tiên phải xây dựng lại thể chế phân bố nguồn lực, trọng tâm là cải cách những thể chế của thị trường nhân tố sản xuất, đặc biệt là thị trường vốn, đất đai, lao động và thị trường khoa học công nghệ…để những thị trường đặc biệt là đất đai và tài nguyên khoáng sản phải đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong phân bố và sử dụng nguồn lực.

Đặc biệt là chúng ta phải lấy giá của các yếu tố này là giá thị trường, không phải giá do quyết định hành chính xin – cho tạo nên. Từ đó tín hiệu của thị trường sẽ chỉ dẫn đâu là dự án hiệu quả và đâu là dự án không hiệu quả để nguồn lực chảy vào chỗ nào.

Để thực hiện điều này sẽ không hề dễ dàng, thậm chí hết sức khó khăn và phức tạp, bởi vì cơ chế hành chính xin – cho đang gắn với “quyền” và “lợi” của rất nhiều cơ quan, của rất nhiều người.

PV: Giả định khi cần phải huy động và phân bổ nguồn lực ở con số 480 tỷ USD cho tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), chúng ra sẽ phải làm thế nào mới là phù hợp để tận dụng được mức đầu tư này, thưa ông?

TS. Nguyễn Đình Cung: Tái cơ cấu DNNN là một trọng tâm của tái cơ cấu nền kinh tế được nêu ra tại Đại hội Đảng lần trước cũng như Đại hội Đảng lần này. Tái cơ cấu là việc thay đổi lại sự phân bố nguồn lực. Tái cơ cấu DNNN cũng như khu vực Nhà nước không phải là thu hẹp phạm vi của kinh tế nhà nước mà ở đây là thay đổi lại danh mục đầu tư của Nhà nước.

Thoái vốn hay cổ phần hóa DNNN chẳng qua là rút vốn từ DNNN để tạo ra dòng chảy từ nguồn lực xã hội lấp vào nơi vốn Nhà nước đã được rút ra. Điều này sẽ tạo cho khu vực kinh tế tư nhân và xã hội có được những cơ hội đầu tư và phát triển.

Tuy nhiên, để tăng tính hiệu quả của nguồn lực, Nhà nước sau khi lấy vốn từ các DNNN không được đưa vào chi ngân sách thường xuyên. Cần phải hình thành một danh mục các dự án đầu tư, đặc biệt là đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế cũng như hạ tầng xã hội để Nhà nước tập trung đầu tư vào các dự án đó.

Lấy ví dụ, nước ta đang cần vốn đầu tư cho dự án Sân bay Long Thành. Nhiều người nói rằng dự án rất thiếu vốn và không biết huy động từ đâu, nhưng tôi lại thấy rằng vốn đang có rất nhiều ở trong nền kinh tế.

Cụ thể là chúng ta chỉ cần thoái vốn ở một số DNNN sẽ có vài chục tỷ USD, rất dễ dàng để tập trung vào dự án Sân bay Long Thành hoàn thành sớm trong thời gian ngắn từ 2 – 3 năm. Trên thế giới người ta đã làm thế rồi, tại sao chúng ta cứ chần chừ với câu hỏi phải huy động vốn ở đâu?

Do đó, khi Nhà nước đã có sẵn nguồn lực từ tái cơ cấu và phân bố lại danh mục đầu tư của Nhà nước sẽ là 1 mũi tên đạt được 2 mục đích. Mục đích thứ nhất là huy động được thêm nguồn lực xã hội và mục đích thứ hai là sử dụng nguồn lực đó một cách có hiệu quả hơn. Đồng thời với đó là chúng ta mở rộng được vòng phát triển to hơn theo cấp số nhân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên