Tại sao Việt Nam nên cẩn trọng với nới lỏng tiền tệ và bài toán cân đối chính sách khắc phục hậu quả dịch Covid-19 sẽ như thế nào?
“Cần phải đánh giá dư địa chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Dù có nhiều cải thiện trong giai đoạn vừa qua, chúng ta vẫn cần cân nhắc dự phòng dư địa này nhằm tiếp tục ứng phó với những kịch bản, biến động kinh tế khác trong thời gian tới”, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói với Trí Thức Trẻ.
-Nhiều phân tích đã được đưa ra để nói rằng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam bị tác động tiêu cực vì dịch Covid-19. Theo ông, để giảm thiểu những tác động do dịch bệnh gây ra, những việc cần làm là gì?
Trong thời gian qua, chúng ta đã thấy những báo cáo về tình hình kinh tế xã hội liên quan đến các vấn đề mới phát sinh, trong đó có cả dịch Covid-19. Những thông tin này tương đối dày và đa chiều, bao gồm cả đánh giá tác động nhìn từ phía Chính phủ, doanh nghiệp và những kiến nghị chính sách.
Tôi cho rằng cần lưu ý để phân biệt những chính sách nào thực sự mới, liên quan đến ứng phó với dịch Covid-19, chính sách nào đã và đang thực hiện nhằm xử lý những vấn đề căn bản của nền kinh tế. Dịch Covid-19 không thể khiến chúng ta xao nhãng, thay vào đó, cần thực thi chính sách nghiêm túc, nhanh nhạy và hiệu quả hơn. Đó là yêu cầu rất quan trọng.
Với dịch Covid-19, yếu tố quan trọng nhất theo tôi là chính sách liên quan đến thông tin. Thông tin ở đây một mặt cân đối được tính chính xác, đầy đủ, một mặt phải tạo cho người dân, thị trường tâm lý yên tâm, tránh tâm lý phản ứng thái quá.
Nếu chúng ta có thể tiếp tục cách làm như thế này với truyền thông, hiệu quả xử lý những tác động của dịch bệnh có thể đi theo hướng tích cực, ít bị vướng vào những vấn đề do chịu ảnh hưởng tâm lý thị trường.
Bản thân những thông tin đấy cần nhìn dịch bệnh một cách đầy đủ. Chẳng hạn, diễn biến dịch bệnh có thể dẫn tới những hoạt động kinh tế mới, một số ngành mới xuất hiện, như tư vấn vệ sinh phòng dịch cho doanh nghiệp, v.v.
Tư duy ở đây là phải hướng vào xử lý vấn đề dịch bệnh nói chung, đồng thời tạo được điều kiện cho các ngành mới đó phát triển một cách lành mạnh, tránh phát triển chộp giật.
-Vậy kiến nghị cụ thể cho Chính phủ của ông như thế nào?
Đầu tiên là tiếp tục theo dõi, có những đánh giá cụ thể, chi tiết tình hình ở trong và ngoài nước. Ví dụ ở trong nước, các địa phương, các nhóm ngành nghề, nhóm doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh như thế nào. Thậm chí, cần phân tích đến các nhóm xã hội ở các độ tuổi khác nhau.
Mỗi nhóm sẽ phải cần những chính sách khác nhau; nếu không có đánh giá chi tiết, sẽ rất khó cho Chính phủ đề ra các kế hoạch hành động đủ, kịp thời, và có khả năng đi vào cuộc sống.
Thứ hai, Chính phủ cần thường xuyên đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, người dân để cung cấp đầy đủ thông tin cho họ. Điều này giúp cho toàn xã hội bình tĩnh đối phó dịch bệnh. Ngược lại, sự an tâm của người dân, doanh nghiệp sẽ giúp Chính phủ thuận lợi hơn trong việc thực thi các chính sách.
Song song với việc cung cấp thông tin, qua đối thoại, Chính phủ có thể lắng nghe thêm thực trạng của các doanh nghiệp trong mùa dịch, các vấn đề phát sinh mà doanh nghiệp gặp phải, từ đó làm cơ sở để tháo gỡ khó khăn.
Chính phủ cũng nên cân nhắc việc chủ động đứng ra làm kênh kết nối thông tin giữa các nhóm doanh nghiệp lại với nhau. Trước nay, khi nói đến đối thoại, chúng ta chủ yếu chỉ có Chính phủ với doanh nghiệp, còn nay, phải tính đến cả doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Điều này giúp cộng đồng doanh nghiệp có những bước phối hợp và chia sẻ với nhau. Thực tế cho thấy không phải doanh nghiệp nào cũng gặp bất lợi về Covid-19, hay trong nhóm gặp bất lợi thì mức độ thiệt hại cũng không giống nhau. Do đó, nếu không được thông tin, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ kiến nghị lên những chính sách chung chung. Các nhà hoạch định sẽ khó để xác định liều lượng, thời điểm ban hành chính sách một cách cụ thể.
Thứ ba, Chính phủ nên xem xét cẩn trọng các chính sách có thể sử dụng vừa chống được dịch, vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.
Ví dụ nói đến thông quan xuất nhập khẩu, yêu cầu đặt ra là vừa đối phó, đảm bảo được chất lượng hàng hoá, phòng tránh dịch bệnh nhưng không tạo ra những chi phí bất hợp lý về thời gian, tiền bạc cho doanh nghiệp. Nói gì thì nói, cộng đồng doanh nghiệp phải có sức sống, phải phát triển được, sau đó mới tính đến yếu tố bền vững của cả nền kinh tế.
Các chính sách hỗ trợ kinh tế khi đặt ra cần phải cân nhắc thấu đáo về thời điểm, liều lượng cũng như phạm vi.
-Dịch Covid-19 đã khiến nhiều nước trong khu vực xem xét đến việc nới lỏng tiền tệ. Theo ông, Việt Nam có nên tính đến biện pháp này không?
Nghiên cứu biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ luôn là cần thiết trong bối cảnh kinh tế khó khăn. Nhưng với Việt Nam, cần phải cân nhắc thêm về thời điểm áp dụng chính sách này.
Thứ nhất, phải đánh giá cẩn trọng mức độ thiệt hại ở hiện tại và tương lai của Covid-19 với nền kinh tế trong nước. Từ đó chúng ta mới ước tính được nhu cầu hỗ trợ hoặc nới lỏng chính sách tiền tệ đến đâu.
Thứ hai, trên thực tế, cộng đồng doanh nghiệp đã kiến nghị không ít giải pháp trong nhiều năm nhưng vì nhiều điều kiện, lý do mà chưa thực hiện được. Ví dụ như hạ lãi suất cho vay cho doanh nghiệp.
Những năm vừa qua, mặt bằng chi phí lãi vay cho sản xuất – kinh doanh có giảm, nhưng tôi nhận thấy mức độ giảm chưa tương xứng với kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, trước khi thực hiện nới lỏng tiền tệ, nếu chúng ta có được giải pháp hiệu quả nhằm giảm chi phí lãi vay cho doanh nghiệp thì ý nghĩa sẽ rất tích cực.
Ngoài ra, cần cân nhắc về thời điểm của gói hỗ trợ. Thời điểm đó phải phụ thuộc vào đánh giá triển vọng trong thời gian tới như thế nào. Ví dụ Chính phủ nhận định triển vọng kinh tế không có quá nhiều bất định, việc hỗ trợ có thể sẽ vẫn cần thiết nhưng phải được tính toán dựa trên đánh giá mức độ thiệt hại cụ thể.
Mặt khác, chúng ta cũng cần xem xét dư địa chính sách vĩ mô, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Dù có nhiều cải thiện trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam vẫn cần cân nhắc dự phòng dư địa này để tiếp tục ứng phó với những kịch bản, biến động kinh tế khác trong thời gian tới.
Vì vậy, quan điểm của tôi là khi cân nhắc sử dụng biện pháp nới lỏng tiền tệ, cần những đánh giá thực sự chặt chẽ, thấu đáo.
-Nhiều doanh nghiệp cũng đề cập đến việc giảm thuế, giãn nợ cho các doanh nghiệp bị tác động bởi dịch bệnh, quan điểm của ông với đề xuất này?
Giảm thuế, giãn nợ là những đề xuất được đặt ra rất nhiều lần - ngay cả khi chưa có dịch bệnh - nhằm hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển. Dù vậy, thời gian vừa qua, rõ ràng rất ít đề xuất liên quan đến giảm thuế được xem xét, chứ chưa nói đến việc thực hiện. Việt Nam hướng đến giảm thâm hụt ngân sách nhưng chi ngân sách vẫn còn cao, do vậy, áp lực tăng thu vẫn còn hiện hữu.
Đặt trong bối cảnh trước đây, kiến nghị giảm thuế đã phù hợp rồi. Còn trong hoàn cảnh mới, bức xúc đặt ra cho nền kinh tế là trong ngắn hạn, đòi hỏi hành động nhanh hơn. Nếu chính sách này là cần thiết thì phải cân nhắc thực thi nhanh hơn, kể cả trong ngắn hạn. Và khi giãn, giảm thuế, cần phải chú trọng đến tính minh bạch và trúng được nhóm đối tượng cần thiết. Mà để đúng và trúng, chúng ta lại quay về với yếu tố đặt ra trước đó: Đánh giá thiệt hại chính xác.
-Năm 2003, Việt Nam đã đối mặt với dịch SARS. Nhìn quá khứ đến hiện tại, ông đánh giá như thế nào về khả năng hỗ trợ cho nền kinh tế hậu dịch bệnh?
Theo tôi, Việt Nam đã có kinh nghiệm hơn trong việc đánh giá đúng tình hình, hành xử nhanh nhưng không vội vàng, nắm rõ các công cụ chính sách có thể sử dụng và đưa ra vào thời điểm nào.
Năm 2003, bên cạnh những biện pháp về y tế kịp thời, hiệu quả, Việt Nam còn gặp thuận lợi là đang trong giai đoạn phát triển mạnh khi duy trì được tốc độ tăng trưởng GDP trên 7%. Mặt khác, đây cũng là giai đoạn Chính phủ tăng tốc cải cách nhằm chuẩn bị để gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Do đó, nên khi xảy ra sự cố dịch bệnh, nền kinh tế không đòi hỏi những biện pháp cứu trợ tương đối phức tạp. Tuy nhiên, tôi phải lưu ý lại, trong những hoàn cảnh như SARS hồi 2003 hay Covid-19 năm nay, điều quan trọng là đánh giá tình hình một cách kịp thời, nhưng không vội vã. Tâm lý hốt hoảng sẽ khiến thị trường hỗn loạn.
-Vậy qua tiếp xúc, ông cảm nhận gì về tâm lý của các khối doanh nghiệp trước dịch Covid-19?
Với nhóm doanh nghiệp FDI, tâm thế đến nay là khá vững vì họ có tiềm lực và ít nhiều chủ động được nguồn hàng cung ứng; họ chỉ lo ngại bệnh dịch kéo dài quá thời gian mà tồn kho của họ có thể đáp ứng. Nhưng với cộng đồng doanh nghiệp trong nước thì không như vậy, họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn, nên họ cũng chia sẻ nhiều hơn thông qua các kiến nghị.
Điều này cũng là dễ hiểu khi quy mô doanh nghiệp Việt đa phần là nhỏ và vừa. Những doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu hoặc chuỗi giá trị đều có quan hệ phụ thuộc tương đối với các doanh nghiệp nước ngoài nên việc thiếu bình tĩnh hơn (so với doanh nghiệp FDI) là khó tránh khỏi.
Chính vì vậy, tôi cho rằng việc có kênh chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp - mà Chính phủ trực tiếp kết nối - sẽ giúp các nhóm cộng đồng có sự thông cảm, chia sẻ kinh nghiệm ứng phó. Từ đó, có thể xây dựng kịch bản để cùng điều chỉnh chiến lược sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
-Nói đến kịch bản, tính đến hiện tại, Bộ KHĐT đã đưa ra 2 kịch bản cho tăng trưởng GDP: 6,25% nếu khống chế dịch trong quý I; 5,96% nếu khống chế trong quý II. Thủ tướng lại bày tỏ quyết tâm không hạ mục tiêu tăng trưởng là 6,8%. Ông nhìn nhận như thế nào về điều này?
Diễn biến trên thực tế có thể rất khác vì có nhiều biến số khác nhau đến từ trong và ngoài nước. Nếu Chính phủ thực hiện được các biện pháp vừa đảm bảo hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, vừa tạo được đà cải cách, củng cố niềm tin, giữ được bình tĩnh cho thị trường… có thể kết quả sẽ tích cực hơn các dự báo đưa ra. Nhìn từ góc độ ấy, những dự báo chỉ tạo thêm cơ sở để xây dựng chính sách ứng phó với sự cố phù hợp hơn.
-Truyền thông quốc tế gần đây nhận định nhờ sản xuất ở Việt Nam, Samsung gặt hái thành quả sau 10 năm, còn đối thủ như Apple, Huawei, gặp hạn vì dịch bệnh ở Trung Quốc. Nếu nhìn lạc quan, đây có phải tin tốt trong việc thu hút FDI vào Việt Nam?
Trên thực tế, không phải đến giờ chúng ta mới đặt vấn đề về thu hút FDI từ các tập đoàn lớn. Các doanh nghiệp FDI lớn đã vào Việt Nam từ khá sớm, nhưng, chỉ rất ít doanh nghiệp làm được như Samsung trong tạo dựng quan hệ trực tiếp, chủ động xây dựng năng lực cho các nhà cung ứng trong nước.
Samsung đã đưa ra rất nhiều sáng kiến và chia sẻ các kinh nghiệp giúp cho các nhà cung ứng cũng như xây dựng mạng lưới cung ứng từ các doanh nghiệp trong nước. Từ đó, Samsung ít nhiều đã tạo ra sự gắn kết giữa các doanh nghiệp nội địa và chuỗi sản xuất mà họ làm chủ. Nhờ sự chủ động hơn về nguồn cung, Samsung đã giảm thiểu được tác động so với đối thủ.
Một khía cạnh khác ít được đề cập tới là hình ảnh xã hội của Samsung ở thị trường Việt Nam. Qua truyền thông, Samsung trong mắt đối tác người Việt dường như khá tích cực. Một nguyên nhân quan trọng chính là kết nối giữa tập đoàn này với các doanh nghiệp trong nước. Đây là bài học quan trọng để các doanh nghiệp FDI cũng như các cơ quan quản lý Việt Nam cân nhắc cách tiếp cận phù hợp trong thời gian tới.
Cần nhớ rằng, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong đó, Việt Nam muốn khối FDI chủ động hơn trong việc liên kết, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nội địa.
Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ sử dụng các công cụ thân thiện với thị trường để tạo gắn kết giữa hai khối này. Dù vậy, hiệu quả sẽ phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của chính khối FDI. Theo đó, họ nhìn nhận nguồn cung ứng, thị trường Việt Nam như thế nào trên bản đồ thế giới. Đó là những yếu tố quan trọng để có những bước đi phù hợp.
Dịch Covid-19 cũng ít nhiều khiến doanh nghiệp nước ngoài phải cân nhắc nhiều hơn về quản trị rủi ro trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là cân nhắc việc chuyển một phần đáng kể của chuỗi cung ứng đến Việt Nam.
-Một thông tin khá tích cực trong bối cảnh u ám của dịch bệnh là Hiệp định EVFTA đã được Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Cùng với Hiệp định CPTPP bước sang năm thứ 2, những FTA này có thể hỗ trợ những gì cho Việt Nam?
Từ thực tiễn của 2 năm thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và 1 năm kinh nghiệm khai thác thị trường CPTPP, tôi tin tưởng doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng được nhiều cơ hội hơn trong thời gian tới.
Vấn đề ở đây là làm thế nào để những lợi ích này được đảm bảo một cách bền vững và phù hợp trong quá trình tái cơ cấu kinh tế. Những lợi ích này không chỉ thể hiện ở chỗ xuất khẩu được bao nhiêu tỷ USD mà còn ở việc chiếm lĩnh được bao nhiêu phân khúc trên thị trường, đó là phân khúc nào, có chất lượng cao hay không, mức độ cạnh tranh của hàng Việt...
Hay giá trị gia tăng mà Việt Nam thu được từ nhiều tỷ USD xuất khẩu đấy có tương xứng với mong muốn phát triển của chúng ta hay không. Đó là điều mà Việt Nam đã nhìn thấy trong nhiều năm. Để xử lý được, cần cải thiện năng lực cạnh tranh ở cả góc độ thể chế, doanh nghiệp và ngành hàng.
Trên hết, những kết quả này chỉ có thể hiện thực hóa khi hành động một cách nhất quán trong thời gian đủ dài. Hiệp định CPTPP, EVFTA là sân chơi của những đối tác hàng đầu thế giới. Lợi ích từ đó cũng đủ và đáng để Việt Nam tích cực cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh của mình ở các cấp độ nói trên.
Cảm ơn ông!
Trí Thức Trẻ
- LienVietPostBank giảm 0,5% lãi suất cho vay
- HDBank ủng hộ 10 tỷ đồng phòng, chống Covid-19, chuẩn bị tung gói tín dụng ưu đãi 10.000 tỷ đồng để bình ổn thị trường
- Điểm sáng kinh doanh giữa dịch COVID-19: Các dịch vụ "đi chợ online" bùng nổ
- Ứng phó khẩn cấp với dịch COVID-19: Masan tối đa hoá công suất hệ thống nhà máy mì tôm, thịt chế biến, nước tương…, đảm bảo đủ hàng thiết yếu cho người tiêu dùng
- Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang: Cuộc chiến chống dịch COVID-19 giống như một đội bóng đang thi đấu trận quan trọng, nếu sợ hãi sẽ thua cuộc!