Tăng quyền hạn cho lực lượng Công an trong quản lý dịch vụ đòi nợ
Đây là nội dung quan trọng tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2007/NĐ-CP ngày 14-6-2007 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, do Bộ Tài chính soạn thảo.
- 28-08-2018Kinh doanh dịch vụ đòi nợ: Thiện, ác mong manh
- 22-08-2018Bộ Công an sẽ "quản" toàn bộ dịch vụ đòi nợ thuê
Cần xiết chặt dịch vụ đòi nợ thuê Kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có bằng đại học
Dịch vụ đòi nợ: tràn lan sai phạm
Theo Bộ Tài chính, sau hơn 10 năm thực hiện, Nghị định 104 của Chính phủ đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực này đã được tăng cường hơn, qua đó kiểm soát chặt chẽ điều kiện thành lập, hoạt động đối với doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ đòi nợ để từng bước đưa ngành nghề này vào nề nếp.
Tuy nhiên, do tính chất nhạy cảm của hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ nên trên thực tế, hoạt động của các công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt còn xảy ra các vi phạm về an ninh, trật tự. Những sai phạm liên quan đến an ninh trật tự như vụ Công ty Tai Ga (TP.Hồ Chí Minh) đòi nợ có hành vi “khủng bố” với những đối tượng xăm trổ đầy người, ăn mặc bặm trợn, nói năng cộc lốc, xấc xược, khủng bố không chỉ con nợ mà ngay cả nhà riêng của mẹ ruột khách nợ đã ngoài 70 tuổi cũng bị tìm đến quấy phá…, hay nhân viên Chi nhánh Công ty Công Lý (TP.Hồ Chí Minh) có hành vi cấu kết với các đối tượng xã hội đen để bắt cóc, tống tiền để đòi nợ… là ví dụ điển hình.
“Các công ty đòi nợ sử dụng nhân viên không đủ tiêu chuẩn, hoạt động không đúng địa chỉ, không đúng nội dung ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong khi đó, công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng còn hạn chế do các DN thường xuyên không thực hiện báo cáo theo quy định”, đại diện Bộ Tài chính chỉ ra những sai phạm điển hình.
Nguyên nhân chính của các hạn chế là do các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ vẫn chưa thực hiện đúng các quy định tại Nghị định 104, chủ yếu vi phạm các quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ và vi phạm về an ninh trật tự xã hội. Trong khi đó, vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước còn mờ nhạt, chỉ khi xảy ra các vụ việc thì lực lượng công an mới tham gia xử lý ổn định an ninh, trật tự xã hội.
Hơn nữa, tại Nghị định 104, trách nhiệm Bộ Công an chưa được quy định, lực lượng Công an không có thẩm quyền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng, cần phải có quy định chặt chẽ hơn để kiểm tra, giám sát các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ, đồng thời cần nâng cao vai trò của lực lượng công an nhân dân trong việc quản lý Nhà nước đối với hoạt động này và khẳng định “chỉ có lực lượng công an mới có đủ lực lượng và nghiệp vụ đưa hoạt động này vào quy củ”.
Vì vậy, cơ quan này khẳng định tính cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị định 104 để đảm bảo phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật và loại bỏ các hạn chế nêu trên.
Nhân viên công ty đòi nợ sẽ bắt buộc phải mặc đồng phục. |
Bắt buộc mặc đồng phục khi đòi nợ
Trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung nhiều quy định của Nghị định 104, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung quy định về trang phục đối với nhân viên đòi nợ khi thực hiện các hoạt động đòi nợ, như phải mặc trang phục, đeo thẻ nhân viên và xuất trình giấy giới thiệu... Bên cạnh đó, bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Công an đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ để tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động này.
Thực tế, thời gian qua, tại các địa phương, tình trạng DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ tổ chức thành đoàn, tụ tập đông người với trang phục kiểu “xã hội đen", "đầu gấu" đi thu nợ, gây rối tại nơi ở, nơi sản xuất của cá nhân, tổ chức khách nợ... gây tâm lý hoang mang, cản trở kinh doanh, ảnh hưởng đến danh dự, quyền tự do của cá nhân, tổ chức là khách nợ. Do vậy, việc quy định về trang phục cho người lao động trong DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ là rất cần thiết, nhằm tăng cường sự giám sát của toàn xã hội đối với hoạt động này.
Thông qua việc nhận diện nhân viên đòi nợ, sẽ hạn chế tình trạng tụ tập, gây rối, đồng thời giúp nâng cao nhận thức của xã hội về ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng là ngành nghề hợp pháp; tạo yên tâm cho cá nhân, khách nợ khi tiếp xúc, làm việc với những nhân viên đòi nợ có mang trang phục.
Việc quy định về trang phục còn tạo ra ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động trong DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ, hạn chế các vi phạm khi thực hiện đòi nợ, thể hiện sự chuyên nghiệp của người lao động trong DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Ngoài ra, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành nghề nhạy cảm trên phương diện an ninh, trật tự do các sai phạm chủ yếu của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ hiện nay là sử dụng các biện pháp thu hồi nợ bất hợp pháp kiểu “xã hội đen”. Trên phương diện kinh doanh, kinh doanh dịch vụ đòi nợ cũng như hoạt động kinh doanh thông thường khác, tự chủ về hoạt động và tự chịu trách nhiệm đối với kết quả hoạt động của mình. Do đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành để quy định về trách nhiệm quản lý đối với từng mặt hoạt động của DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Cụ thể, Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự; xử lý vi phạm hành chính. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Các địa phương chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn tỉnh, thành phố. Đặc biệt, bỏ quy định UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải báo cáo Bộ Tài chính về tình hình kinh doanh dịch vụ đòi nợ trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo định kỳ hàng năm và đột xuất.
“Việc bổ sung quy định trách nhiệm của Bộ Công an trong việc quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, xử lý vi phạm hành chính sẽ giúp hoạt động này đi vào nề nếp vì lực lượng công an có thể theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động này và có thể can thiệp trực tiếp nhằm ngăn chặn những sai phạm của các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ làm mất trật tự, an ninh xã hội”, Bộ Tài chính khẳng định.
Công an nhân dân