MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tay trắng tới Mỹ, người phụ nữ gốc Việt gây dựng sự nghiệp riêng, trở thành vợ tỷ phú: “Không phải may mắn, cái gì cũng có cái giá của nó”

04-10-2023 - 08:00 AM | Lifestyle

Ở tuổi 29, Mimi Morris sang Mỹ với 2 bàn tay trắng. Chị không ngại làm bất cứ công việc nào để ổn định cuộc sống và nuôi con. 4 năm sau, Mimi gặp CEO Don Morris và tạo nên bước ngoặt trong cuộc đời. 20 năm trôi qua, giờ Mimi có cuộc hôn nhân viên mãn bên người chồng tỷ phú, dù chị miêu tả, cũng từng phải giẫm lên đinh để vượt qua nhiều rào cản.

Những năm gần đây, cái tên Mimi Morris phủ dày trên truyền thông trong nước với hình ảnh xa xỉ, "đậm mùi tiền" trong biệt thự 35 triệu USD ở Mỹ. Chị được biết tới là nữ đại gia gốc Việt, phu nhân của tỷ phú Don Morris - CEO của Morris Group International.

Vậy nhưng, khi nhắc tới điều này, Mimi chia sẻ, chị ghét nhất ai gọi mình là tỷ phú bởi con người không hơn nhau vì đồng tiền. Cởi bỏ lớp "áo choàng của nữ hoàng", Mimi Morris về nhà là người phụ nữ đảm đang, chăm lo việc nhà, nấu từng bữa ăn gia đình, có sự nghiệp riêng và là cánh tay phải đắc lực của chồng trong công việc kinh doanh.

Trước sự ngưỡng mộ của số đông về cuộc sống xa hoa, chị mỉm cười bảo: "Không phải may mắn. Cái gì cũng có giá của nó".

Tay trắng tới Mỹ, người phụ nữ gốc Việt gây dựng sự nghiệp riêng, trở thành vợ tỷ phú: “Không phải may mắn, cái gì cũng có cái giá của nó”  - Ảnh 1.

Cơ duyên nào khiến chị quyết định sang Mỹ lập nghiệp ở tuổi 29?

Khi còn ở Việt Nam, tôi cũng từng là doanh nhân, làm chủ từ nhà hàng đến khách sạn với rất nhiều nhân viên và được nhiều người biết đến. Có thể nói, tôi làm khá tốt công việc kinh doanh của mình. Tới năm 29 tuổi, một bước ngoặt đã tới khi tôi quyết định qua Mỹ và bắt đầu mọi thứ ở nơi đất khách quê người với 2 bàn tay trắng.

Lập nghiệp ở xứ cờ hoa với con số 0, chị đã gặp những khó khăn gì và vượt qua quãng thời gian đó như thế nào?

Lúc mới qua Mỹ, tôi chưa biết phải làm gì cả. Ở cái tuổi lưng chừng cuộc đời, tôi phải làm việc cật lực để vừa lo cho mình, vừa nuôi con. Có lẽ, bất cứ ai lần đầu qua Mỹ cũng sẽ làm mướn, làm thuê, học hành…, tôi cũng vậy.

Ở đây mọi người không ai biết ai, người nào tự lo cuộc sống của người đó. Tôi phải đối mặt với đủ loại chi phí như tiền nhà, tiền xăng xe, bảo hiểm… Mọi thứ khác xa lúc ở Việt Nam khiến tôi càng thêm căng thẳng và áp lực. Quả thực vào thời điểm đó, tôi buộc phải tự lập để có thể thích ứng với cuộc sống mới và cũng khá chật vật trong 1-2 năm đầu.

Tôi nghĩ, tuổi trẻ ai cũng phải trải qua những điều đó, chỉ khác là có người chăm chỉ làm việc, có người không. Và chính sự siêng năng, phấn đấu đã tạo nên khác biệt. Tôi cảm thấy bản thân có khả năng chịu đựng, chịu khó vượt xa người thường.

Tay trắng tới Mỹ, người phụ nữ gốc Việt gây dựng sự nghiệp riêng, trở thành vợ tỷ phú: “Không phải may mắn, cái gì cũng có cái giá của nó”  - Ảnh 2.

Bao lâu sau khi sang Mỹ thì cuộc sống và công việc của chị bước vào giai đoạn ổn định?

5-7 năm sau đó thì cuộc sống và sự nghiệp của tôi mới thực sự ổn định. Trong quãng thời gian đó, việc gì tôi cũng từng làm qua, không kén chọn cái gì. Có lẽ vì lớn lên trong khổ cực, đã từng trải qua nhiều công việc và làm quen rồi nên khi sang Mỹ, tôi không ngại làm bất cứ việc gì. Bản thân tôi cũng tự thấy mình là người rất thích làm việc, đam mê làm việc và có rất nhiều năng lượng. Tôi không thích ngồi không bao giờ, luôn phải kiếm việc gì đó để làm. Người chồng hiện tại còn nể tôi về khoản này. Nhờ vậy mà tôi có được cuộc sống đủ đầy và thành công như hiện tại.

Đối với tôi, công việc là niềm say mê, nhưng mình cũng phải thích thì mình mới làm được. Nhiều khi nhìn lại những gì đã trải qua, đến chính tôi còn thấy sợ. Tôi nói với chồng rằng, nhiều người giàu khi thất bại sẽ không chấp nhận được, có người sốc tới mức tự tử, bởi họ không chịu được cảnh nghèo khó. Còn tôi giờ có cho giàu hay nghèo cũng thế. Tôi vẫn sẽ tiếp tục làm việc để tạo dựng cuộc sống của mình.

Giờ đây, chúng tôi làm việc vì đam mê chứ không phải vì tiền hay tham tiền.

Tay trắng tới Mỹ, người phụ nữ gốc Việt gây dựng sự nghiệp riêng, trở thành vợ tỷ phú: “Không phải may mắn, cái gì cũng có cái giá của nó”  - Ảnh 3.

Ở thời điểm gặp người chồng hiện tại, sự nghiệp của chị đang như thế nào?

Lúc gặp anh Morris, tôi 33 tuổi, đã có nhà và công việc kinh doanh riêng. Quả thực, tôi thấy mình đã rất mạnh mẽ khi làm việc cật lực để có được cuộc sống như thế. Lúc đó nếu nói về sự giàu có thì tôi có thể chưa bằng người khác nhưng để có cuộc sống đủ đầy như vậy thì tôi đã phải phấn đấu rất nhiều.

Cuộc sống và công việc của tôi sau khi kết hôn với anh Morris không thay đổi nhiều. Tôi vẫn tiếp tục sự nghiệp riêng của mình. Tôi rất thích đầu tư BĐS và chuyên về mảng thiết kế. Mọi thứ trong nhà đều do tôi tự tay thiết kế và sắp xếp. Cũng vì đam mê nên tôi dành khá nhiều thời gian cho công việc của mình.

Tay trắng tới Mỹ, người phụ nữ gốc Việt gây dựng sự nghiệp riêng, trở thành vợ tỷ phú: “Không phải may mắn, cái gì cũng có cái giá của nó”  - Ảnh 4.

Với những kinh nghiệm trong kinh doanh của mình, vì sao chị chọn tiếp tục sự nghiệp riêng mà không chung tay giúp sức phát triển tập đoàn cùng với chồng?

Hai chúng tôi ai cũng lỳ, và cả 2 đều cùng làm "boss" (ông chủ - PV) trước đó, khi hợp lại với nhau thì bạn biết chuyện gì xảy ra rồi đấy. Tôi không thích làm chung như thế, mà lựa chọn theo sở thích và sở trường của bản thân và đứng sau hỗ trợ chồng.

Tập đoàn của chồng tôi có những công ty rất lâu đời. Mọi thứ đã đi vào nề nếp, vận hành và hoạt động rất ổn định, nghiêm túc. Vì vậy, tôi giúp thêm những vấn đề như ngoại giao, mua thêm công ty... nhằm hoàn thành mơ ước của chồng là mua lại những công ty cùng ngành trên nước Mỹ và biến công ty đó trở thành tập đoàn lớn nhất ở nước Mỹ.

Từng nói "tôi nghĩ chồng may mắn khi lấy được mình", điều gì khiến chị tự tin chia sẻ như thế?

Tôi tự tin vì biết mình đang làm gì và phải làm gì. Hồi mới quen nhau, chồng có 7 công ty trên toàn thế giới. Sau thời gian chung sống, nay chúng tôi đã có hơn 30 công ty rồi. Tôi nghĩ thành tựu đó có công sức của mình.

Vợ chồng đã ở bên nhau hơn 20 năm rồi, tôi biết chồng mình hạnh phúc hay không. Thật ra để một người đàn ông thành công thì người phụ nữ đằng sau họ rất quan trọng. Trong cuộc sống, tôi luôn cố gắng chu toàn mọi thứ trong gia đình từ nhà cửa, con cái để giúp anh ấy yên tâm, không cần phải lo nghĩ gì mà tập trung 100% chất xám vào công việc. Tôi thấy mình làm việc gấp 100 lần người khác nên tự tin rằng sự phát triển của chồng có sự đóng góp của mình.

Và tới tận thời điểm này, vợ chồng tôi vẫn làm việc không ngừng nghỉ mỗi ngày, có những ngày chỉ ngủ 4-5 tiếng dù anh ấy đã tới tuổi nghỉ hưu, ngoài 70 rồi.

Tay trắng tới Mỹ, người phụ nữ gốc Việt gây dựng sự nghiệp riêng, trở thành vợ tỷ phú: “Không phải may mắn, cái gì cũng có cái giá của nó”  - Ảnh 6.

Điều gì ở người chồng hiện tại khiến chị muốn tiến tới hôn nhân sau một lần đổ vỡ?

Chồng tôi là người quan tâm và chăm sóc vợ rất chu đáo. Anh ấy biết tôi thích gì, muốn gì và luôn biết cách làm tôi vui từ những điều đơn giản như mua tặng tôi đôi giày, đôi dép, túi xách… Hơn nữa, anh ấy còn rất tỉ mỉ và sống rất tình cảm. Khi ở bên anh ấy, tôi luôn cảm thấy rất thoải mái và hạnh phúc. Chúng tôi đến với nhau bằng tình yêu chân thật và trở thành một nửa đặc biệt của nhau.

Để đồng hành với một người đàn ông thành đạt như thế, chị học tập và nâng cấp bản thân thế nào?

Tôi thấy mình học tập được rất nhiều điều từ chồng. Bản thân tôi có sự kiên nhẫn, chăm chỉ nhưng vẫn thiếu chút quyết đoán. Chồng tôi là người giúp tôi lấp đầy sự thiếu sót đó. Lúc đầu, sự quyết đoán, dứt khoát trong mọi việc của chồng khiến tôi có chút áp lực. Tuy nhiên sau này khi đã trải qua nhiều chuyện, tôi hiểu được lý do tại sao anh ấy lại thành công.

Chồng tôi không bao giờ trì hoãn bất cứ điều gì, lúc nào cũng phải ngay và luôn. Sau này khi sống cùng với nhau, tôi lại càng chắc chắn hơn vào những điều mình thấy và cảm nhận được. Tôi tin rằng những điều đó đã giúp anh ấy thành công.

Thế nhưng, không có ai là hoàn hảo cả. Chồng tôi cũng có rất nhiều từ được học từ vợ. Mỗi người có một thế mạnh, năng khiếu riêng, và khi cùng bổ trợ cho nhau, chúng tôi trở nên mạnh hơn và giúp sự nghiệp của cả hai thành công và rực rỡ hơn.

Tay trắng tới Mỹ, người phụ nữ gốc Việt gây dựng sự nghiệp riêng, trở thành vợ tỷ phú: “Không phải may mắn, cái gì cũng có cái giá của nó”  - Ảnh 7.

Không ít người cho rằng Mimi Morris có được cuộc sống nhung lụa hiện tại là nhờ lấy được chồng tỷ phú. Chị phản hồi họ thế nào?

Tôi nghĩ trong cuộc đời này, việc gặp được một người tốt là ông trời cho mình cơ hội, tuy nhiên nắm bắt hay không là do mình chứ không phải nhờ vào may mắn. Bản thân tôi cho rằng cái gì cũng có giá của nó và phải do mình cố gắng, đánh đổi để có được.

Chị có nghĩ rằng, bản thân gặp được anh Morris là một điều may mắn?

Không, tôi không tin vào may mắn. Tôi gặp được người chồng hiện tại và có cuộc sống được như bây giờ là do cả hai đều rất cố gắng. Chúng tôi đều rất nâng niu và trân trọng mối nhân duyên này.

Mọi người thường chỉ nhìn thấy bề nổi, nhìn mọi thứ bên ngoài mà ít khi thấy được những mặt trái và góc khuất. Cũng giống như sự thành công của một người, tôi tin rằng, đó là nhờ sự thông minh, chịu khó, sự kiên nhẫn, chăm chỉ của người ta thôi. Vậy nên tôi mới nói cái gì cũng có cái giá của nó. Điều này rất khó để giải thích nhưng đừng nghĩ người ta thành đạt là do may mắn.

Mọi người sinh ra đều như nhau nhưng có người thành đạt, có người thì không. Cái đó là do mình. Cuộc đời này không có gì là dễ dàng hay đơn giản. Để có ngày hôm nay, tôi và chồng phải trả qua 1 cái giá gấp hàng trăm lần so với người khác.

Không phải ai sinh ra cũng giàu có. Tôi qua Mỹ với 2 bàn tay trắng, còn chồng tôi cũng phải tự lập lớn lên thay vì dựa dẫm vào gia đình. Chồng tôi kể rằng năm 14 tuổi, anh ấy vào làm cho công ty của ba. Công việc đầu tiên chính là cọ toilet đến năm 18 tuổi. Sau thử thách kéo dài 4 năm như thế, chồng tôi mới chính thức được giao việc và trả lương 1-2 USD/giờ. Đây là việc ít người chấp nhận làm nhưng chồng tôi đã làm. Ngay cả khi đã có thành công nhất định, anh ấy vẫn đang làm việc gấp trăm lần so với người khác.

Tay trắng tới Mỹ, người phụ nữ gốc Việt gây dựng sự nghiệp riêng, trở thành vợ tỷ phú: “Không phải may mắn, cái gì cũng có cái giá của nó”  - Ảnh 8.

Chị nói cái gì cũng có cái giá của nó. Trong cuộc hôn nhân này chị đã đánh đổi những gì?

Dĩ nhiên là rất nhiều. Cuộc sống này không đơn giản như mình nghĩ. Không phải có tiền thì sẽ có được hạnh phúc, tiền không phải là tất cả. Khi đến với nhau, cả 2 chúng tôi đều từng có gia đình riêng. Không những thế, sự khác biệt về văn hóa, màu da cũng từng là rào cản. Khi đã dung hòa được điều đó, cả 2 lại có thêm áp lực là làm sao đến với nhau mà mọi người xung quanh, từ gia đình đến con cái tâm phục khẩu phục.

Con đường mà tôi đã đi qua dài, chông gai lắm. Nó rải đầy đinh và tôi phải giẫm lên thì mới qua được. Tôi nghĩ không có 1 cái gì mà không có giá của nó. Cuộc đời này không ai trải thảm đỏ cho mình đi mà phải trải qua 1 chặng đường. Nếu con đường đó dễ dàng thì ai cũng có thể thành công, thành tỷ phú hết.

Đến khi nhìn lại, tôi từng tự hỏi rằng sao bản thân có thể làm được điều đó và cảm thấy mình đã vượt qua con đường đó một cách ngoạn mục. Dẫu vậy, nhiều khi tôi cũng cảm thấy thích thú bởi nhờ những điều đó mà mình trưởng thành và cứng rắn hơn.

Tay trắng tới Mỹ, người phụ nữ gốc Việt gây dựng sự nghiệp riêng, trở thành vợ tỷ phú: “Không phải may mắn, cái gì cũng có cái giá của nó”  - Ảnh 9.

Khoảng cách tuổi tác và sự khác biệt giữa văn hoá phương Tây và Á Đông có mang tới những rắc rối trong cuộc sống hôn nhân của chị không?

Rắc rối thì không, nhưng bất đồng thì nhiều. Thời điểm sang Mỹ, tôi đã 29 tuổi. Dòng máu Việt Nam chảy trong huyết quản, và tôi chịu rất nhiều ảnh hưởng từ bố mẹ, những người sinh ra và lớn lên ở Huế. Ba mẹ tôi luôn dạy con gái rằng, phải biết chăm sóc gia đình, chồng con. Phải chăm sóc chồng con trước hết, rồi mới làm các công việc khác.

Mỗi ngày, tôi luôn dừng công việc trước khi chồng về nhà, để chuẩn bị mọi thứ tươm tất đón anh và con. Người đàn ông bên ngoài họ phải làm rất nhiều công việc, với mong muốn đem tiền về nhà và mang lại cho vợ con cuộc sống hoàn hảo. Anh ấy ra ngoài gặp biết bao nhiêu người, va biết bao nhiêu chuyện nên tôi thực sự muốn nhà là nơi anh ấy muốn về. Một nơi an lành cứ về là thấy nhẹ nhàng, nhẹ nhõm.

Tôi làm rất nhiều điều để thay đổi chồng mình kể từ khi về chung sống. Nhưng cũng có nhiều điều tôi phải chấp nhận, tự mình thay đổi mình để có sự hài hoà. Có những giai đoạn, chúng tôi cãi lộn hoài, nhưng rồi cuối cùng cả hai đều tự thay đổi. Tôi tự đưa ra "luật" trong gia đình là, cái gì tôi không thay đổi được chồng con tôi, thì tôi tự thay đổi chính mình.

Tay trắng tới Mỹ, người phụ nữ gốc Việt gây dựng sự nghiệp riêng, trở thành vợ tỷ phú: “Không phải may mắn, cái gì cũng có cái giá của nó”  - Ảnh 10.

Đó có phải là bí quyết nào giúp chị giữ lửa hôn nhân và có một cuộc sống viên mãn?

Tôi nghĩ cái quan trọng nhất để giữ gìn hạnh phúc gia đình… là bữa ăn. Tôi luôn muốn, thậm chí là bắt buộc gia đình phải có những bữa ăn tối với nhau. Người đàn ông dù làm công việc gì đi nữa thì cuối ngày, họ cũng muốn về nhà để thưởng thức hương vị gia đình. Vậy nên tôi nghĩ rằng người phụ nữ dù không giỏi thì cũng nên biết và học nấu ăn. "Tình yêu đi qua bao tử" nên những bữa ăn trong gia đình rất quan trọng, chúng kết nối những thành viên lại với nhau.

Rõ ràng vợ chồng tôi có thể thuê người làm hay ra ngoài ăn nhưng tôi không thích điều đó. Tôi nghĩ mỗi bữa ăn mình nấu cho chồng sẽ có ý nghĩa và giá trị hơn. Chồng tôi cũng thích cảm giác thoải mái khi mặc pijama và nếm những món ăn tôi nấu. Dù rất mê nhưng anh ấy không yêu cầu tôi phải làm vậy. Tôi chỉ làm vì mình thích và anh ấy cũng vui vẻ vì điều đó.

Bên cạnh những bữa ăn, đôi lúc cách để giữ lửa cho gia đình là hình ảnh mình xinh đẹp, sexy. Có câu, đàn ông yêu bằng mắt nên tôi vẫn cố gắng giữ hình ảnh của mình thật đẹp trong mắt bạn đời. Tôi cho chồng thấy 2 hình ảnh về mình là người vợ đảm đang trong gia đình và bà hoàng khi ở bên ngoài. Khi mình sửa soạn thật xinh đẹp thì chồng mình cũng vui và càng yêu mình hơn.

Còn nếu nói về tiền bạc, thực sự, tiền không phải là tất cả, cũng không phải thứ duy nhất đêm lại hạnh phúc. Người giàu hay nghèo cũng chỉ ngày ăn cơm 3 bữa, ngủ 1 giấc. Có thể là người giàu làm việc nhiều hơn gấp 100 lần. Nên tôi nghĩ, cách mọi người quan tâm, thấu hiểu lẫn nhau mới là quan trọng.

Tay trắng tới Mỹ, người phụ nữ gốc Việt gây dựng sự nghiệp riêng, trở thành vợ tỷ phú: “Không phải may mắn, cái gì cũng có cái giá của nó”  - Ảnh 11.

Chị thích được gọi với danh xưng tỷ phú Mimi Morris hay vợ tỷ phú Don Morris hơn?

Tôi ghét ai gọi mình là tỷ phú Morris bởi tôi cho rằng, con người hơn nhau không phải là vì tiền, mà hơn nhau ở cách cư xử. Không phải cứ ai nhiều tiền hơn thì sang trọng hơn.

Tôi muốn bản thân là người độc lập, muốn là tỷ phú của chính mình hơn là vợ của doanh nhân, tỷ phú. Sự thành công ngày hôm nay là đến từ cả hai phía. Nếu chồng không có hậu phương vững chắc là tôi thì chắc chắn anh ấy không có ngày hôm nay. Dù là một doanh nhân giỏi nhưng chồng tôi không phải giỏi tất cả. Anh ấy rất thẳng thắng, tốt tính nhưng bộc trực quá. Trong kinh doanh, đây không phải là yếu tố tốt cho sự nghiệp.

Trong khi đó, tôi là người sâu sắc, khéo léo hơn. Hoặc cũng có thể vì tôi là người Á Đông nên đọc vị được người khác tốt hơn. Nhờ đó, tôi là người cân bằng, giúp chồng chuyện ngoại giao và đứng sau hỗ trợ công việc.

Tay trắng tới Mỹ, người phụ nữ gốc Việt gây dựng sự nghiệp riêng, trở thành vợ tỷ phú: “Không phải may mắn, cái gì cũng có cái giá của nó”  - Ảnh 12.

"Sắc đẹp là món quà thượng đế ban tặng cho phụ nữ", chị nghĩ sao về câu nói đó?

Tôi nghĩ sắc đẹp chỉ là một phần thôi. Nếu 1 người yêu mình chỉ vì sắc đẹp thì tình yêu đó sẽ không bền. Bởi chẳng ai có thể xinh đẹp mãi mãi, sắc đẹp rồi sẽ có ngày tàn phai. Giống như tôi giờ đã hơn 50 tuổi rồi, nếu chồng tôi yêu tôi vì sắc đẹp thì anh ấy có thể tìm được nhiều người xinh đẹp hơn ở ngoài kia, thế nhưng anh ấy đã chọn tôi.

Điều này cũng được tôi trải lòng với con trai khi nói về tiêu chí lựa chọn bạn gái. Tôi nói rằng mẹ không cần cô gái đó có gia đình giàu sang, là luật sư hay bác sĩ. Mẹ chỉ cần cô ấy là người phụ nữ đơn giản nhưng có tâm hồn, biết yêu thương, trân trọng, chăm sóc con và biết đặt gia đình lên hàng đầu. Đó là điều mẹ mong muốn nhất.

Với tôi, tình yêu xuất phát từ tâm hồn mới có thể trường tồn.

Tay trắng tới Mỹ, người phụ nữ gốc Việt gây dựng sự nghiệp riêng, trở thành vợ tỷ phú: “Không phải may mắn, cái gì cũng có cái giá của nó”  - Ảnh 13.

Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Hồng Đăng - Ánh Lê
Hương Xuân

Hồng Đăng - Ánh Lê

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên