Thăng chức, giấc mộng của những kẻ chỉ biết mơ
Ngày nay, tấm bằng đại học hay kinh nghiệm chuyên môn là chưa đủ để đánh giá việc thăng chức của một người. Ngoài năng lực bản thân, thăng chức còn cần những yếu tố quan trọng khác.
- 07-04-2017Phân vân trước lời đề nghị thăng chức, đây là những việc bạn cần làm để không phải hối tiếc
- 28-02-2017Chuyện bầy chó săn và cục xương: Nếu năng lực chỉ có vậy thì đừng mơ được tăng lương thăng chức, hãy chấp nhận làm nhân viên quèn đi!
- 30-06-2016Đừng mặc quần ngố đi làm trừ khi bạn không muốn được thăng chức
Thăng chức, chắc chắn rồi, không ít thì cũng kha khá người khi đi làm sẽ ôm giấc mộng này. Thăng chức, tăng lương là hai thứ người ta mong muốn nhất khi bước chân vào thế giới công việc. Một thứ là danh vọng, một thứ là tiền tại, làm gì có ai lại chưa từng một lần mơ tới.
Nhưng thăng chức hay tăng lương, chắc chắn chẳng có dễ dàng gì nên nhiều người chỉ dám ôm mộng. Lại có cả những người dám ôm mộng nhưng chỉ biết há miệng chờ sung. Sung rơi vào miệng thì coi như số may, còn sung rơi trật chỗ khác thì lại tiếp tục đợi.
Nếu thăng chức mà chỉ đơn giản như thế, chắc người ta chẳng phải cố gắng làm gì. Khoan bàn tới những mưu mô, xảo trá để chạm tới hai chữ “danh vọng”, nỗ lực là thứ chắc chắn phải có trong quá trình ôm mộng được thăng chức.
Nhưng nhiều người nỗ lực mãi rồi mà cũng chưa thấy kết quả, và cũng chẳng hiểu tại sao mình cố gắng như vậy mà ngày hái trái ngọt chưa tới. Lí do là bởi vì nỗ lực đôi khi cần phải đi kèm với việc hiểu bản thân, biết bản thân yếu chỗ nào thì phải sửa chỗ đó, chứ điểm yếu không tự nó trở thành điểm mạnh được. Dưới đây là một số lí do khiến nhiều người chưa thể thăng chức được.
Bạn không nổi bật
Bạn luôn có mặt đúng giờ, ra về đúng giờ và hoàn thành công việc của mình, nhưng bạn chỉ làm đúng những việc đã được giao và không cố gắng nỗ lực hết mình. Điều này chỉ đủ để bạn duy trì công việc hiện tại chứ không thể giúp bạn leo lên cao hơn trên chiếc thang sự nghiệp.
Bạn thiếu những kỹ năng mềm
Không chỉ các kỹ năng cứng và những hiểu biết về chuyên môn mới quan trọng mà những kỹ năng mềm cũng quan trọng không kém, nhất là khi bạn muốn được thăng chức để làm ở vị trí quản lý. Những kỹ năng mềm này bao gồm khả năng giải quyết các mâu thuẫn, khả năng giao tiếp và ngoại giao…
Bạn không biết tận dụng những phản hồi
Bất cứ ai cũng đều có ít nhất một lần cố gắng “kiềm nén” khi bị chỉ trích. Nhưng bạn phải ghi nhớ điều này, những chỉ trích đấy không phải lúc nào cũng xấu. Rất có thể sếp bạn có một vài điểm đúng và hợp lý khi “trách mắng” bạn. Sếp bạn đang cố gắng chỉ bảo bạn làm sao để có thể cải thiện hiệu suất làm việc nhưng bạn lại không biết tận dụng những “chỉ trích” này để làm việc tốt hơn và chuẩn bị cho việc thăng chức của mình.
Bạn vẫn có suy nghĩ của một nhân viên, không phải của một quản lý
Nếu bạn chỉ cho cấp trên thấy rằng bạn đi làm chủ yếu là vì tiền lương thì bạn sẽ không bao giờ được nằm trong danh sách những ứng cử viên được thăng chức. Tất nhiên rằng bạn không phải tỏ ra là một người “nghiện công việc” hay cố tình ở lại công ty trễ hơn để được sếp nhìn thấy. Bạn đơn giản chỉ cần chứng tỏ rằng bạn yêu thích công việc của mình thật sự.
Bạn “trông đợi” quá nhiều vào việc thăng chức
Trong thời buổi hiện nay, yếu tố chính dẫn đến một sự thăng chức không còn là thời gian bạn làm cho một công ty nữa. Thế giới sẽ không sụp đổ nếu như bạn không được thăng chức. Không quan trọng là bạn đã làm cho công ty được 6 tháng hay 6 năm, cái quan trọng nhất là bạn đã cố gắng và đóng góp được những gì cho công ty.
Nhưng không phải đến đây là hết cơ hội, chẳng có ai sinh ra đã là sếp cả. Ai cũng phải học hỏi dần dần để hoàn thiện bản thân trên cương vị lãnh đạo những người khác. Tất nhiên, chẳng ai có thể trở nên hoàn hảo cả, nhưng khi những điểm yếu được cải thiện, chắc chắn đồng nghiệp của bạn sẽ ủng hộ bạn nhiều hơn. Và khi ấy, thăng chức cũng chỉ là một điều tất yếu thôi! Những yếu tố sau đây vô cùng quan trọng trong việc góp phần tạo nên “một người đứng trên vạn người”.
- Ham học hỏi, chủ động nhận thêm việc làm thêm. Điều này sẽ khiến sếp đánh giá cao bạn là con người có tinh thần tự giác, làm chủ mọi việc và có sự cầu tiến.
- Biết lắng nghe. Cách dễ dàng nhất để tạo niềm tin với ai đó là bày tỏ sự quan tâm đến với họ. Người biết lắng nghe không nghĩ đến việc sẽ phải nói gì tiếp theo, họ sử dụng câu hỏi để nối dài câu chuyện. Điều quý giá nhất mà bạn đem lại cho người khác chính là lắng nghe, thấu hiểu họ.
- Làm việc có trách nhiệm. Khi xảy ra sự cố có liên quan đến mình, đừng cố biện hộ, lảng tránh hay đổ cho người khác, thay vào đó hãy nhận trách nhiệm. Có trách nhiệm với mọi thứ mình làm và làm được những gì mình nói chính là nền tảng để bạn xây dựng chữ tín.
- Kiềm chế cảm xúc. Bất cứ cảm xúc không rõ ràng nào cũng sẽ làm bạn hành đông một cách thiếu niềm tin, để rồi sau đó phải hối tiếc. Hãy ngưng lại và hỏi chính bạn: “Mình đang thực sự cảm thấy như thế nào?”.
Dù có thế nào, được thăng chức hay không được thăng chức, được tăng lương hay không được tăng lương, thì hãy nỗ lực hết mình. Nỗ lực chính là trái ngọt đầu tiên mà bạn không bao giờ phải ngoảnh lại và hối tiếc vì những gì mình đã làm.
Trí thức trẻ