MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thanh toán điện tử trong giao thông - người dân và doanh nghiệp lợi gì?

02-10-2024 - 09:27 AM | Smart Money

Thanh toán điện tử giao thông đường bộ giúp chủ phương tiện dễ dàng thuận tiện thanh toán mọi dịch vụ giao thông, tiết kiệm thời gian, chi phí, phù hợp với chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt của Nhà nước...


Bộ Giao thông vừa trình Chính phủ Dự thảo nghị định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Mục tiêu là trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng, mở rộng phạm vi cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử giao thông với thu phí đỗ xe tại các cảng hàng không, cảng biển, bãi đỗ xe, phí kiểm định, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Tuy vậy, cần chuẩn bị những gì để người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi thực sự? Về vấn đề này, Báo Giao thông phối hợp với Tạp chí Vietimes vừa tổ chức Hội thảo "Tương lai nào cho thanh toán điện tử trong giao thông" làm rõ vấn đề này.

Thanh toán điện tử trong giao thông - người dân và doanh nghiệp lợi gì?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa: KT

Ông Tô Nam Toàn, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ Môi trường và Hợp tác quốc tế, Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong quá trình xây dựng Luật Đường bộ, Chính phủ đã xây dựng nội dung thanh toán điện tử giao thông đường bộ. Quy định mới này giúp chủ phương tiện dễ dàng thuận tiện thanh toán mọi dịch vụ giao thông, tiết kiệm thời gian, chi phí, phù hợp với chủ trương hạn chế sử dụng tiền mặt của Nhà nước. Đồng thời, cũng mở rộng cơ hội cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp quản lý dòng tiền.

"Theo Nghị định này thì tài khoản thu phí tách thành tài khoản giao thông kết nối với phương tiện thanh toán. Trước đây, người dân nộp vào tài khoản thu phí chỉ nộp vào, không rút ra được. Thì nay người dân nộp tiền vào tài khoản giao thông kết nối với phương tiện thanh toán, theo pháp luật ngân hàng thì có thể nộp vào và rủt ra được. Người nộp tiền vào tài khoản giao thông kết nối với phương tiện thanh toán dùng cho đa mục đích. Đây là thuận lợi thứ hai cho người dân, đặc biệt là cho các doanh nghiệp quản lý được dòng tiền", ông Tô Nam Toàn nói.

Theo đó, mỗi lần chủ phương tiện đi qua điểm thu như thu phí điện tử đường bộ, bãi đỗ xe, sân bay, bến cảng… hệ thống sẽ được kết nối và trừ vào nguồn tiền trong ví điện tử hay tài khoản ngân hàng. Chủ phương tiện cũng có thể dễ dàng rút tiền từ phương tiện thanh toán và chi tiêu cho các mục đích khác...

Về lý thuyết là vậy, nhưng trong thực tế, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam đặt vấn đề, tại sao không hợp nhất các tài khoản ngân hàng làm một, để mang lại tiện ích thực sự cho người dân và doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vận tải.

"Tại sao họ không ứng dụng liên thông tài khoản ngân hàng này để kết nối với người tham gia giao thông? Đây là tiện ích đầu tiên. Tôi đề nghị hợp nhất lại, để mỗi cá nhân ai có tài khoản nào dùng tài khoản đó để trả phí, sử dụng các dịch vụ khác và không phải mở thêm tài khoản khác nữa. Vì mỗi tài khoản chỉ để trong đó 1 triệu hay vài ba trăm nghìn, rất mất thời gian. Đặc biệt, với các doanh nghiệp có hàng nghìn phương tiện thì là bài toán thách thức rất lớn, sẽ phải mở hàng chục nghìn tài khoản. Do vậy, tôi đề nghị là hợp nhất lại 1 tài khoản. Chứ như hiện nay, chúng ta đang để quá nhiều tài khoản", ông Nguyễn Công Hùng nêu quan điểm.

Trong thực tế, tài khoản giao thông được kết nối thông minh và an toàn với phương tiện thanh toán của khách hàng như thế nào? Theo đó, hạ tầng mềm (hành lang pháp lý) và hạ tầng cứng (cơ sở vật chất, kỹ thuật, công nghệ, nhân lực) cần và đủ để vận hành, khớp nối, tương thích, đồng bộ. Trách nhiệm gắn với quyền lợi của các nhà cung cấp dịch vụ trong hệ sinh thái này với nhau cũng như với khách hàng như thế nào? Người dùng được lợi gì và phải “trả giá” nào đòi hỏi các bên phải làm rõ.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Long, Phó TGĐ Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas), cho biết: "Hiện nay, với vai trò là đơn vị cung cấp hạ tầng thanh toán, bán lẻ cho quốc gia, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, thời gian qua, Napas kết hợp các ngân hàng, đơn vị trung gian thanh toán và các đơn vị ngoài ngành chuẩn bị sẵn sàng hạ tầng thanh toán không dùng tiền mặt. Napas là đơn vị nhà nước, thì chi phí không cao. Nhưng về phía các ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần, thì sẽ có bài toán kinh doanh của họ. Do vậy, các bên cần ngồi lại với nhau xem chi tiết các mức chi phí như thế nào".

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, Tổng biên tập Báo Giao thông cho biết, qua hội thào, những ý kiến đóng góp từ người dân và doanh nghiệp sẽ được chuyển tới các cơ quan xây dựng chính sách. Với mục tiêu tất cả chung tay xây dựng hệ sinh thái giao thông văn minh, ứng dụng công nghệ hiện đại để phục vụ người dân xứng tầm với mục tiêu phát triển đất nước trên nền tảng công nghệ phát triển như Chính phủ đã đề ra. Theo kế hoạch, từ ngày 1/10, chủ phương tiện có thể chuyển đổi tài khoản thu phí sang tài khoản giao thông.

Theo Hà Nho

VOV.vn

Trở lên trên