Thanh toán không tiền mặt: Cần cả sự quyết liệt từ quản lý nhà nước
Để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt cần phải có giải pháp cụ thể, chứ không chỉ là tuyên truyền...
- 10-12-2019JPMorgan: Các ngân hàng Việt Nam là cơ hội đầu tư nổi trội ở Đông Nam Á
- 10-12-2019Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chuyển đổi số tốn kém nhưng sẽ được bù đắp xứng đáng
"Thách thức làm chậm quá trình chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip, nguyên nhân do đâu?" là vấn đề đầu tiên đặt ra trong phiên thảo luận tại Diễn đàn Phát triển Hệ sinh thái thanh toán điện tử 2019: Chuyển động cùng công nghệ Chip do Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp cùng Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam tổ chức sáng 10/12.
Chỉ riêng ngân hàng thì không làm được
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienvietPostbank cho rằng, có phần nguyên nhân lớn là do chi phí ngân hàng lớn. Đầu tư công nghệ cũ cần có một thời hạn khấu hao, trong khi đó, khi áp dụng thẻ chip, hệ thống về công nghệ phải thay đổi, hệ thống đầu cuối, cây ATM, hệ thống POS phải thay đổi… Đó là những chi phí rất lớn. Ngoài ra, thay đổi thẻ chip lại cho khách hàng cũng cần thời gian.
Đồng quan điểm, theo ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc Vietinbank, khi chuyển sang thẻ chip, ngân hàng phải thay đổi một loạt máy móc, chi phí phát hành thẻ chip cũng cao hơn thẻ từ rất nhiều. Tuy nhiên, các ngân hàng đều nhận thấy rằng cần thiết phải chuyển đổi và quyết tâm chuyển thẻ từ sang thẻ chip, biến thách thức thành cơ hội. Làm sao để thẻ chip có thể tích hợp, đồng bộ thanh toán được nhiều chi phí như giáo dục, y tế, bảo hiểm chứ không chỉ đơn thuần từ giữ tài khoản ATM.
Nhìn nhận tích cực hơn, ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (Napas) lại cho rằng, phía ngân hàng đã có chuyển động mạnh mẽ. Bằng chứng là, đầu năm có lễ ra mắt thẻ chip, khi đó chỉ có 7 ngân hàng nhưng giờ Napas đã cùng hơn 20 ngân hàng sẵn sàng công nghệ chuyển đổi thẻ chip.
Đến quý 1/2020 không chỉ dừng lại 20 ngân hàng và 6 tổ chức cung cấp thẻ chip nữa mà sẽ lên tới 26 ngân hàng 10 công ty cung cấp thẻ chip. "Những điều này, chứng tỏ, ngân hàng vào cuộc rất tích cực", ông Hưng đánh giá.
Ở góc độ quản lý nhà nước, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước khẳng định, ngân hàng không thể phát triển nếu chúng ta không có hệ sinh thái. Ông Dũng ví von, hệ sinh thái như cái bắt tay, ngân hàng chìa bàn tay thì bên kia cũng phải chìa bàn tay ra thì mới khớp được với nhau. Chẳng hạn như, các nhà mạng cũng phải sửa hệ thống thông tin của mình, chứ đơn thuần riêng ngân hàng thì không làm được.
Cần có sự quyết liệt từ quản lý nhà nước
Bàn về giải pháp thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, ông Nguyễn Đình Thắng cho rằng, để thay đổi cần có giải pháp cụ thể. Nếu chỉ tuyên truyền thôi thì cũng không được.
Bên cạnh giải pháp từ phía ngân hàng phải đảm bảo an toàn, theo ông Thắng, còn một giải pháp khác nữa là cần có sự áp đặt. Ví dụ, Chính phủ yêu cầu thanh toán không tiền mặt thì mọi người phải dùng. Hệ sinh thái chúng ta đã xây dựng thì các cửa hàng phải thay đổi, nếu không thì không cấp giấy phép kinh doanh. "Đó là chính sách, cần có sự quyết liệt từ nhà nước", ông Thắng kiến nghị.
Còn theo Giám đốc Napas, để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt phải diễn ra từ hai phía, ngân hàng phát hành thẻ và nơi cửa hàng bán lẻ, phương tiện thanh toán công cộng, nơi chấp nhận thẻ thì hệ sinh thái mới hoàn chỉnh. Napas định hướng phát triển thanh toán thẻ đều đi trên cả 2 khía cạnh đó.
"Napas cùng các ngân hàng một mặt chuyển đổi thẻ từ sang chip, mặt khác, cùng các ngân hàng đi đến các điểm thanh toán để chấp nhận thẻ chip. Điển hình là lễ ký hôm nay đã có xăng dầu, bệnh viện. Toàn dân Việt Nam ai cũng mua xăng dầu, 99% dùng tiền mặt, ôtô thì dùng 1 triệu, xe máy thì 50.000 - 80.000 đồng. Trong hạn mức đó thẻ contactless không tiếp xúc rất hữu ích, vào bơm xăng chỉ cần chạm cái rồi đi ngay. Đó là những thứ Napas đang cùng ngân hàng đi tìm thị trường lớn như Petrolimex để phổ biến người dân sử dụng thẻ chứ không chỉ đơn thuần là rút tiền", ông Hưng nói.
Học kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Kim Anh, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, chuyển đổi thẻ thanh toán nội địa từ thể từ thẻ từ sang thẻ chip là một trong những nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Đề án phát triển thanh toán không tiền mặt. Triển khai nhiệm vụ này, ngày 5/10/2018, Thống đốc ngân hàng Nhà nước đã ban hành bộ tiêu chuẩn thẻ chip nội địa, quy định chi tiết kỹ thuật thẻ nội địa Việt Nam tương thức chuẩn của EMV quốc tế, ngăn ngừa giả mạo thẻ trong môi trường vật lý qua các kênh ATM, POS.
Thẻ chip giúp ngân hàng phát hành thẻ nội địa Việt Nam có tiềm năng mở rộng hệ sinh thái thanh toán sang các ngành như y tế giao thông, bảo hiểm, đem lại lợi ích thiết thực và trải nghiệm vượt trội cho người dân sử dụng dịch vụ.
Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành Thông tư 41 quy định lộ trình chuyển đổi chuyển sang thẻ chip, lộ trình chuyển đổi với thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán hàng đang hoạt động tại Việt Nam như đối với tổ chức thanh toán thẻ đến 31/12/2020, và tổ chức phát hành thẻ nội địa đang lưu hành 31/12/2021.
Phó thống đốc nhấn mạnh, việc chuyển đổi sang thẻ chip theo công nghệ chip tiếp xúc và không tiếp xúc còn nhiều khó khăn thách thức, do đó Diễn đàn là dịp các ngân hàng tổ chức liên quan trao đổi chia sẻ cùng thảo luận các vấn đề xung quanh chủ đề này.
Ngân hàng Nhà nước mong muốn các tổ chức diễn giả trao đổi xu hướng bài học kinh nghiệm chuyển đổi thẻ chip nội địa từ các nước quốc tế, để khắc phục tình trạng tội phạm công nghệ cao ngày càng gia tăng, tập trung vào thị trường chưa thực hiện. Sự phối hợp các ngân hàng và đơn vị liên quan để đẩy nhanh theo lộ trình đã ban hành, đảm bảo diễn ra an toàn, bảo mật thông tin trong quá trình chuyển đổi thẻ.
"Ngân hàng Nhà mước cũng mong muốn các bên tăng cường học hỏi trao đổi thúc đẩy lĩnh vực thẻ Việt Nam theo xu hướng thế giới đảm bảo an ninh, an toàn phát triển bền vững, dân cư ứng dụng kịp thời thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0, đem lại tiện lợi cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà phát triển tính năng thanh toán mới, mở ra cơ hội thẻ nội địa hội nhập quốc tế", Phó thống đốc Nguyễn Kim Anh bày tỏ.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, 9 tháng đầu năm 2019, giá trị giao dịch qua POS tăng 36,5% so với cùng kỳ năm 2018.
Cuối tháng 9/2019, số thẻ lưu hành cả nước 96,4 triệu thẻ với 36 tổ chức phát hành, nhiều thương hiệu thẻ khác nhau trong đó, thẻ ghi nợ nội địa chiếm tỷ lệ áp đảo trên 90% tổng thẻ lưu hành. Cơ sở hạ tầng dịch vụ thể phát triển manh mẽ, gia tăng đáng kể số lượng khách hàng, là cơ sở thúc đẩy dịch vụ phát triển thanh toán điện tử mới hiện đại như như ví điện tử, internet banking, mobile banking…
Vneconomy