MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thất vọng kết quả kinh doanh ngành dầu khí

23-01-2019 - 10:47 AM | Doanh nghiệp

Báo cáo tài chính sớm của nhóm dầu khí đã xuất hiện 3 doanh nghiệp thua lỗ. Ngay cả lợi nhuận của GAS cũng chững lại.

Ngày 17/1 vừa qua, báo cáo trước Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN ông Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2018, tổng sản lượng khai thác dầu khí đạt 23,98 triệu tấn quy dầu. Trong đó, khai thác dầu thô 13,97 triệu tấn. Khai thác khí đạt 10,01 tỉ m³. Gia tăng trữ lượng đạt 12 triệu tấn quy dầu. Sản xuất đạm đạt 1,63 triệu tấn cả năm 2018. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt mốc sản xuất 170 tỉ kWh điện vào ngày 2-12-2018. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2018 đạt 626,8 ngàn tỷ đồng, vượt 96 ngàn tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm. Đặc biệt, nộp ngân sách Nhà nước năm 2018 đạt 121,3 ngàn tỷ đồng, vượt 47,5 ngàn tỷ đồng, vượt 64,3% kế hoạch năm.

Hiện tại, Tập đoàn đang có một số khó khăn cần Quốc hội xem xét tháo gỡ như: khó khăn trong việc thực hiện Luật Dầu khí và các văn bản hướng dẫn; công tác đầu tư ra nước ngoài; khó khăn trong việc tích hợp, áp dụng giữa các luật; việc thực hiện các mục tiêu chiến lược theo Nghị quyết 41; việc bù thuế sản phẩm Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn cũng như khó khăn trong việc xử lý các dự án chưa hiệu quả.

Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2018 đã bắt đầu. Trong đó, nhóm ngành dầu khí mở màn quý IV với nhiều sự thất vọng từ các khoản lỗ lớn hay lợi nhuận suy giảm.

Khoản lỗ bất ngờ 1.000 tỷ đồng của BSR

Gây bất ngờ nhất trong số các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh quý IV là CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn (HoSE: BSR). Trong kỳ vừa qua, BSR lỗ hơn 1.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo, doanh thu thuần quý IV ghi nhận hơn 29.238 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn cao hơn doanh thu khiến lợi nhuận gộp của BSR bị âm 831 tỷ. Trừ thêm các chi phí hoạt động, BSR báo lỗ 1.027 tỷ đồng sau thuế.

Kết quả trên được BSR lý giải là do thị trường dầu thô thế giới biến động bất thường. Giá dầu thô giảm từ 86,16 USD/thùng ngày 4/10/2018 xuống còn 50,21 USD/thùng tại ngày 28/12/2018 tương đương với giảm gần 36 USD/thùng (giảm 42%) và làm cho giá sản phẩm giảm theo.

Với đặc thù về sản xuất, chế biến liên tục của Nhà máy lọc dầu, NMLD Dung Quất luôn phải duy trì một lượng dầu thô và cần thời gian chế biến từ dầu thô cho ra sản phẩm xuất bán, điều này dẫn đến khi giá dầu thô và sản phẩm giảm thì giá vốn sẽ có giá cao hơn giá thị trường.

Bên cạnh đó, Bình Sơn còn chịu tác động do khoảng chênh lệch giữa giá dầu thô và giá các sản phẩm chính (Crack margin) suy giảm nghiêm trọng. Có những thời điểm giá xăng Mogas 92 thấp hơn cả giá dầu thô đã khiến lợi nhuận gộp quý IV lỗ 812 tỷ đồng, trong đó trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là 310 tỷ đồng.

Bất ngờ lỗ lớn trong quý IV nhưng BSR cho biết tính chung cả năm 2018, công ty vẫn sản xuất đạt hơn 7 triệu tấn, tổng doanh thu 113.493 tỷ đồng, tăng 45% so kế hoạch năm 2018. Lợi nhuận đạt 3.551 tỷ, tăng 2% so với kế hoạch 2018 (3.480 tỷ đồng).

Tài sản của BSR cũng có sự biến động lớn. Lượng tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh từ 11.879 tỷ đầu năm về 5.769 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm 1.455 tỷ và công ty cũng trích lập dự phòng hàng tồn kho thêm 310 tỷ đồng.

Nợ phải trả của BSR giảm hơn 10.000 tỷ so với đầu năm còn 20.350 tỷ đồng, chủ yếu là nợ vay với 10.137 tỷ đồng. Công ty có vốn điều lệ 31.005 tỷ đồng và hiện có lỗ lũy kế 346 tỷ đồng.

PV GAS lãi 12.100 tỷ cả năm nhưng quý 4 giảm 13% cùng kỳ 2017

Sau nhiều quý liên tiếp tăng trưởng cao, Tổng Công ty Khí Việt Nam (HoSE: GAS) đã có sự chậm lại trong lợi nhuận.

Theo báo cáo tài chính quý IV, doanh thu GAS vẫn tăng trưởng 11% lên 19.118 tỷ đồng. Dù vậy giá vốn tăng cao khiến biên lợi nhuận gộp của công ty bị thu hẹp và qua đó kéo lợi nhuận sau thuế về 3.273 tỷ, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo giải trình của GAS, lãi ròng đi xuống do quý IV/2017 công ty ghi nhận doanh thu chênh lệch giá khí Cửu Long cho giai đoạn 2014-2017 với tổng số tiền là 1.209 tỷ đồng. Điều này làm lợi nhuận sau thuế tăng thêm 968 tỷ đồng.

Dù vậy, tính chung cả năm 2018, GAS ghi nhận doanh thu đạt 75.991 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2017. Lợi nhuận ròng đạt 12.102 tỷ, tăng trưởng 25% và gấp đôi kế hoạch năm.

Năm 2019, GAS dự kiến doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 59.000 tỷ đồng và 9.300 tỷ. Lãi ròng dự kiến hơn 7.400 tỷ đồng với kịch bản giá dầu 65 USD.

Thất vọng kết quả kinh doanh ngành dầu khí - Ảnh 1.

PVB lỗ quý IV, từ vượt thành "vỡ" kế hoạch

Một doanh nghiệp dầu khí khác báo cáo lợi nhuận sớm là CTCP Bọc ống dầu khí Việt Nam (HNX: PVB). Tương tự như cùng kỳ năm 2017, PVB tiếp tục kinh doanh dưới giá vốn trong quý IV/201 8 khi ghi nhận lợi nhuận gộp âm 15 tỷ đồng. Kết quả công ty lỗ 7 tỷ, trong khi quý IV/2017 vẫn có lãi 37 tỷ đồng.

Với việc lỗ trong quý IV, lợi nhuận cả năm 2018 của PVB còn 23,1 tỷ đồng, giảm 59% so với năm 2017. So với kế hoạch lãi sau thuế 28 tỷ đồng trong năm 2018, PVB đã không hoàn thành mục tiêu, dù rằng trong 3 quý trước đó, công ty đã vượt mục tiêu lợi nhuận.

Một khoản lỗ khác của ngành dầu khí đến từ CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (HoSE: PXS).Doanh nghiệp này kinh doanh dưới giá vốn với lợi nhuận gộp âm 40 tỷ đồng trên doanh thu thuần 100 tỷ trong quý IV/2018.

Công ty cho biết tình hình kinh doanh năm 2018 gặp nhiều khó khăn khi phần lớn các dự án đều là các dự án chuyển tiếp từ các năm trước, các dự án tìm được trong năm có giá trị thấp. Bên cạnh đó, các dự án Long Sơn và Sao Vàng Đại Nguyệt triển khai chậm nên sản lượng không bù đắp chi phí, lợi nhuận giảm.

Kết quả, PXS báo lỗ hơn 56 tỷ đồng trong quý vừa qua, cao hơn so với con số lỗ 34 tỷ đồng quý IV/2017. Lũy kế cả năm 2018, công ty lỗ 139 tỷ đồng trong khi năm 2017 vẫn có lãi gần 1 tỷ đồng.

Nhóm dầu khí vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp lớn chưa công bố báo cáo tài chính, tuy nhiên với sự mở màn khá thất vọng của các công ty trên dẫn đến sự kỳ vọng cho các doanh nghiệp khác cũng không quá sáng sủa.

Theo Huy Lê

Người đồng hành

Trở lên trên