MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

ĐHCĐ MBS: HĐQT đặt kế hoạch lợi nhuận thấp và không trả cổ tức 2014, cổ đông chất vấn

MBS đặt kế hoạch niêm yết trên Sàn giao dịch vào cuối quý 3, đầu quý 4/2015 với giá tối thiểu 10.000 đồng/cp

Ngày 22/04/2015, CTCK MBS đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2015.

Đặt mục tiêu thị phần môi giới 6,5% nhưng lợi nhuận kế hoạch chỉ 50 tỷ

Theo báo cáo của Ban Giám đốc, năm 2014, MBS đạt 388,44 tỷ đồng doanh thu và 75,39 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Các chỉ tiêu về phí môi giới, tài khoản mở mới, phí thu xếp thành công … đều vượt kế hoạch đề ra nhưng thị phần môi giới chỉ đạt 4,86% - bằng 65,3% của con số kế hoạch 7,44%.

Tại ĐHCĐ năm nay, HĐQT của MBS trình cổ đông không chia cổ tức cho năm 2014 do lợi nhuận để lại không còn nhiều, công ty cần bổ sung vốn kinh doanh để thực hiện các kế hoạch năm 2015 và chuẩn bị nguồn lực để thực hiện kế hoạch niêm yết cổ phần trên Sở giao dịch chứng khoán như kế hoạch.

Năm 2015, công ty đặt kế hoạch doanh thu 506,11 tỷ - tăng 130,3% so với năm 2014 nhưng lợi nhuận trước thuế chỉ đặt mục tiêu 50 tỷ - giảm 33%. Công ty tiếp tục đặt mục tiêu thị phần môi giới 6,5%.

Trong năm 2015, MBS không có kế hoạch tăng vốn điều lệ mà huy động vốn qua trái phiếu với giá trị 1.200 tỷ đồng, bao gồm 700 tỷ trái phiếu thường và 500 tỷ trái phiếu chuyển đổi.

Trong đó, trái phiếu chuyển đổi có mệnh giá 1.000.000 đồng/cp, giá chuyển đổi là 10.000 đồng/cp.

Cổ đông chất vấn mạnh về vấn đề không trả cổ tức

Trong phần thảo luận của ĐHCĐ năm nay, cổ đông của MBS đều có ý kiến về tờ trình không chi trả cổ tức năm 2014.

Hoạt động chính trong CTCK tập trung vào IB, đầu tư và môi giới. Định hướng kế hoạch lợi nhuận năm tới tập trung vào mảng nào? Vì sao? Kế hoạch dự phòng nếu xu hướng lợi nhuận xấu đi?

Bà Cao Thị Thuý Nga – Chủ tịch HĐQT: MBS định hướng tập trung vào mảng môi giới và tự doanh dù 2 hoạt động này phụ thuộc nhiều vào thị trường. TTCK đang biến động mạnh, thanh khoản giảm ngoài sự tưởng tượng của các chuyên gia nhưng MBS đang cố gắng để có giải pháp sáng tạo nhằm giành được thị phần, ví dụ như dùng chất lượng tư vấn khác biệt để thu hút khách hàng.

Mục tiêu chiến lược 5 năm tới, giải pháp đột phá? Đã xác định rủi ro chính nào có thể ảnh hưởng đến mục tiêu này?

Bà Cao Thị Thuý Nga: Tầm nhìn của MBS là sẽ phát triển thành CTCK cung cấp dịch vụ tốt nhất cho Khách hàng với vị trí top 5 môi giới và top 10 trong lĩnh vực IB và phấn đấu tỷ lệ khách hàng tô chức/các nhân là 20/80. Tốc độ tăng trưởng doanh thu môi giới hàng năm trên 20%. ROE trên 5% và tỷ lệ vốn khả dụng trên 50%. Cổ tức tối thiểu 10%.

MBS đã có quá trình 15 năm hoạt động và có những bước thăng trầm nên chúng tôi định hướng “nhanh nhưng phải phát triển bền vững” với giải pháp lâu dài là công nghệ thông tin, quản trị rủi ro và phát triển nhân sự.

Các CTCK có xu hướng phát triển khối khách hàng tổ chức. Năm 2014 MBS đã phát triển KH này như thế nào? Kết quả, lợi nhuận từ nhóm KH này như thế nào?

Bà Cao Thị Thuý Nga: quý 1/2015, giao dịch của thị trường hầu hết là giao dịch của các NĐT tổ chức. NĐT cá nhân ít giao dịch khi thị trường down trend. Khách hàng tổ chức của MBS chưa nhiều nên thị phần quý 1 chưa khả quan nhưng chúng tôi cho rằng điều này chỉ mang tính thời điểm. Chúng tôi tin sự tháo gỡ về NĐ 58 trong quý 2 có thể đem lại nhiều cơ hội để MBS lấy lại vị thế.

Năm 2014, công ty đã đặt kế hoạch 6,5% thị phần môi giới và niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch nhưng đều không hoàn thành. Năm nay công ty tiếp tục đặt kế hoạch như vậy. Nếu không hoàn thành, ban lãnh đạo sẽ chịu trách nhiệm như thế nào?

Ông Trần Hải Hà – Tổng giám đốc: Trong năm qua, MBS không hoàn thành kế hoạch thị phần 6,5% môi giới vì chúng tôi chú trọng quản trị rủi ro, không tăng thị phần bằng mọi giá. Có thể thấy thị trường có sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, 3 công ty top đầu có thị phần lớn hơn nhiều so với các công ty đằng sau.

Về chủ trương niêm yết, theo quy định pháp luật, sau hợp nhất , MBS chưa đủ thời gian để được niêm yết nên năm nay công ty mới đủ thời gian quy định và chúng tôi mới trình kế hoạch chính thức về việc niêm yết.

Ban lãnh đạo MBS luôn tâm huyết và đặt kế hoạch từng tháng, từng quý cho từng bộ phận. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức và tôi tin tưởng rằng MBS có thể hoàn thành kế hoạch đề ra.

MBS có chiến lược cụ thể nào để đạt được con số 6,5% nói trên?

Ông Trần Hải Hà – Tổng giám đốc: Trong quá khứ, chúng ta đã từng đứng đầu về thị phần môi giới trong năm 2009, 2010. Năm nay, ban lãnh đạo sẽ tăng cường phát triển đội ngũ, phát triển khách hàng, đặc biệt là các khách hàng từ ngân hàng MB. Chúng tôi chủ trương phát triển khách hàng active hơn là mở mới tài khoản. Đồng thời phát triển mặt hỗ trợ về CNTT và tư vấn với mục tiêu là tạo sự khác biệt về đội ngũ và chất lượng tư vấn.

MBS cũng đã đề ra giải pháp để phát triển khối khách hàng tổ chức. Thị phần năm 2014 từ  khách hàng tổ chức chỉ 0,13% nhưng Q1/2015 đã đạt trên 2%, hứa hẹn con số tích cực trong việc phát triển thị phần của công ty.

Phát hành 500 tỷ trái phiếu chuyển đổi để huy động vốn nhưng kế hoạch LN có 50 tỷ trong khi LN 2014 là hơn 75 tỷ. Tại sao lại tụt lùi như vậy?

Ông Trần Hải Hà – Tổng giám đốc: Chúng tôi đã phân tích rõ các chỉ tiêu này dựa trên sự cạnh tranh trên TTCK và tác động của TT36. Hiện nay các CTCK đều phải tăng năng lực tài chính thông qua tăng vốn điều lệ và phát hành trái phiếu. Qua khảo sát, chúng tôi lựa chọn phát hành trái phiếu vì đó là biện pháp hợp lý. Hiện tại MBS đang đàm phán với một số khách hàng tổ chức chuyên nghiệp về tỷ lệ chuyển đổi và thời gian chuyển đổi theo 2 hướng: chuyển đổi 1lần khi trái phiếu đáo hạn hoặc chuyển đổi nhiều lần.

Khả năng thành công vào cuối quý 2, đầu quý 3, tức dòng tiền về công ty tối đa sau 1 tháng khi phát hành. Kế hoạch lợi nhuận 50 tỷ là phù hợp quy mô phát triển của thi trường dựa trên sự đánh giá về diễn biến giá dầu và dòng vốn ngoại. Bên cạnh đó, nhiều kỳ nghỉ lễ dài trong năm nay cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh thu phí của CTCK.

Năm 2014, MBS có lãi, tại sao lại không có chính sách chia cổ tức?

Bà Cao Thị Thuý Nga: Chúng tôi cũng là cổ đông, cũng rất muốn chia cổ tức nhưng Lợi nhuận để lại không nhiều. Công ty vừa mới trải qua giai đoạn khó khăn và thị trường sắp tới cũng sẽ khó khăn, chúng tôi muốn giữ lại LN để củng cố năng lực.

Kế hoạch niêm yết là quý 4/2015 liệu có khả năng thành công không? Mức giá chào sàn dự kiến bao nhiêu?

Bà Cao Thị Thuý Nga: Dự kiến nếu Thị trường thuận lợi, cuối quý 3, đầu qúy 4 năm nay sẽ xin niêm yết với giá ít nhất là 10.000 đồng/cp tùy tình hình thị trường lúc đó.

Trong những năm vừa qua, MBS có thất thoát tài sản nhưng không thấy nhắc đến việc thu hồi công nợ:. Xin hỏi công ty đã thu được bao nhiêu, mất vốn bao nhiêu?

Ông Trần Hải Hà – Tổng giám đốc: Năm 2014, MBS thu hồi hoảng 70 tỷ - hoàn thành 100% kế hoạch thu hồi nợ xấu. Năm 2015 đặt kế hoạch thu hồi trên 50 tỷ.

Các vị đều biết nợ xấu trong lĩnh vực Chứng khoán và Ngân hàng ất nhức nhối, việc thu hồi không đơn giản. Đối với nợ có tài sản đảm bảo là chứng khoán, chúng tôi đã đưa danh sách cho khách hàng tái cơ cấu danh mục, tạo điều kiện trả nợ. Đối với dư nợ có tài sản đảm bảo là BĐS thì đã phối hợp bên liên quan để rao bán. Chúng tôi cũng xây dựng một loạt chính sách hỗ trợ khách hàng khi khách hàng có nhu cầu trả nợ như tái cơ cấu danh mục đầu tư , hạ lãi suất để tạo điều kiện trả nợ sớm. Đối với khách hàng chây ì, đã phối hợp với cơ quan Công an làm việc.

Kế hoạch LN năm 2015 đề nghị phải tăng lên nữa. Ít nhất 100 tỷ. Cổ đông mòn mỏi cổ tức rất lâu rồi, đề nghị năm sau nên chia chứ không để lâu quá.

Ông Trần Hải Hà – Tổng giám đốc:  Chúng tôi hứa tối thiểu trong vòng 1 năm sau niêm yết sẽ kinh doanh tốt và có cổ tức chia cho cổ đông

Bà Cao Thị Thuý Nga: Xin cổ đông cân nhắc kỹ vì thực tế con số Lợi nhuận thấp và Thị trường năm nay sẽ rất khó khăn. TT36 ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường và nguồn vốn của CTCK rất lớn. Xin cổ đông cân nhắc ý kiến.

Chúng tôi sẽ cố gắng trả cổ tức vào năm sau khi niêm yết. Về kế hoạch LN, thực tế qua quý 1/2015 có thể thấy các CTCK chỉ thực hiện được khoảng 10% kế hoạch, tức là LN của các CTCK năm nay sẽ giảm do sự khó khăn của thị trường. Hơn nữa khi phát hành trái phiếu, MBS lại mất chi phí huy động vốn trái phiếu. Chúng tôi cũng thực hiện kế hoạch thận trọng, tăng trích lập dự phòng theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Đó là lý do mà LN thấp hơn nhưng chúng tôi sẽ cố gắng đến mức cao nhất.

Trung Thành

Minh Trang

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên