MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp và cuộc chiến bám sàn niêm yết

Đây là những doanh nghiệp đã thua lỗ trong 2 năm liên tiếp nhưng đã có cú lội ngược dòng trong năm 2014 và có cơ hội tiếp tục ở lại sàn niêm yết.

Theo Nghị định số 58/2012/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc khi kết quả sản xuất - kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét… Với những BCTC năm 2014 đã được công bố sẽ có một số doanh nghiệp có kết quả kinh doanh với mức lỗ vượt vốn điều lệ thực góp, thời gian tới sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc khi có báo cáo tài chính kiểm toán năm. Không ít doanh nghiệp khác báo thua lỗ trong cả 3 năm liên tiếp 2012, 2013 và 2014. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, cũng có không ít doanh nghiệp đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục trong năm 2014 và có cơ hội bám sàn.

CTCP Thép Việt Ý (VIS) báo lãi sau thuế 6,6 tỷ đồng trong quý 4 nâng mức lợi nhuận sau thuế cả năm 2014 lên 22,4 tỷ đồng vượt 10,6% kế hoạch lợi nhuận đề ra đầu năm. Kết quả này một phần cũng là do quý 4 là mùa xây dựng, cộng thêm việc giá thép đã đi xuống từ cuối quý 3 nên nhu cầu thép sôi động trở lại, công ty tăng sản lượng sản xuất và tiêu thụ. Trước đó vào các năm 2012 và 2013, VIS lần lượt báo lỗ 17,8 tỷ đồng và 27,8 tỷ đồng. Chờ thêm kết quả kiểm toán 2014, VIS sẽ có khả năng tiếp tục ở lại sàn niêm yết. Cổ phiếu VIS đã giao dịch trong diện cảnh báo trên sàn HSX từ ngày 18/08/2014.

Thị trường vận tải biển sau thời gian suy thoái đã bắt đầu có tín hiệu tích cực với chỉ số BDI tăng từ 940 điểm lên 1.456 điểm vào tháng 11. Thêm vào đó, giá nhiên liệu giảm mạnh cũng hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp vận tải biển. Bên cạnh đó, quý 4 là giai đoạn Vận tải biển Vinaship (VNA) có số lượng tàu tham gia khai thác, vận tải hàng hóa đầy đủ nhất vì trong giai đoạn này công ty chỉ có 1 tàu phải sửa chữa, giảm được chi phí ngày tàu chờ, sửa chữa, tăng năng suất và hiệu quả kinh doanh. Trong tháng cuối năm 2014, VNA đã ký 2 hợp đồng bán tàu Hà Tiên và Bình Phước - là những tàu già đã hết khấu hao. Với tình hình khả quan nói trên, VNA lãi ròng 48,2 tỷ đồng riêng quý 4/2014 giúp lãi cả năm 2014 đạt 1,6 tỷ đồng – Đây là khoản lãi có ý nghĩa rất quan trọng với Vinaship để doanh nghiệp này tiếp tục có cơ hội ở lại sàn niêm yết. Quý 4 cũng là quý kinh doanh có lãi trở lại của Vinaship sau 7 quý liên tiếp trước đó báo lỗ.

Một doanh nghiệp vận tải biển khác là Vận tải biển Việt Nam (Vosco - VOS) mặc dù chưa công bố BCTC năm 2014, nhưng doanh nghiệp này cũng đã hé lộ thông tin về khả năng có lãi trong năm nay, theo đó mặc dù ngành vận tải biển gặp nhiều khó khăn nhưng ước tính năm 2014, VOS đạt 2.310 tỷ đồng tổng doanh thu – giảm 5,25% so với năm 2013 nhưng đã vượt 0,43% so với kế hoạch. Trong đó, doanh thu vận tải là 1.900 tỷ - giảm hơn 7% so với năm 2013 và chỉ bằng 95,72% so với kế hoạch. Tổng lợi nhuận trước thuế của VOS ước đạt 15 tỷ đồng – vượt 87,5% so với kế hoạch. Đây là kết quả khả quan hơn hẳn so với con số lỗ 187 tỷ đồng của năm 2013, trước đó vào năm 2012, VOS cũng đã lỗ ròng gần 34,7 tỷ đồng.

Đầu tư & Thương mại Dầu khí Nghệ An (PXA) báo lãi ròng 286 triệu đồng trong quý 4 đóng góp phần lớn vào kết quả có lãi trong năm 2014 của công ty. Nghị quyết HĐQT công ty ngày 17/1/2015 nêu rõ, PXA thống nhất bàn giao tài sản đảm bảo dự án Tòa nhà Dầu khí Nghệ An để bù trừ công nợ giữa ngân hàng này với công ty. HĐQT PXA nhất trí chủ trương hạch toán ghi nhận doanh thu giá trị đối trừ công nợ này trong năm 2014 để đảm bảo kết quả kinh doanh năm 2014 có lãi. Việc bàn giao tài sản gán nợ nói trên đã giúp PXA ghi nhận giảm mạnh chi phí lãi vay và chi phí quản lý trong riêng quý 4/2014. Như vậy sau 2 năm liên tiếp thua lỗ, năm 2014 PXA báo lãi ròng vỏn vẹn 317 triệu đồng – khoản lãi khiêm tốn đủ để công ty thoát "án" hủy niêm yết bắt buộc.

Một doanh nghiệp nhà dầu khí khác là CTCP Kinh doanh Dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) cũng đã có cú lội ngược dòng ngoạn mục. Nhờ ghi âm hơn 3 tỷ đồng chi phí QLDN và hoạt động thanh lý tài sản cố định thu về hơn 1 tỷ đồng nên kết quả PVR lãi ròng hơn 3 tỷ đồng trong quý 4 giúp lãi cả năm 2014 đạt 1,68 tỷ đồng. Với kết quả này, PVR sẽ thoát án hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo kiểm toán không có gì thay đổi.

Đầu tư & Phát triển Du lịch Vinaconex (VCR) cũng công bố kết quả bất ngờ lãi gần 7 tỷ đồng trong quý 4, chẳng những giúp Công ty thoát lỗ cả năm mà còn đạt lãi hơn 2 tỷ đồng. Theo giải trình của VCR, cuối năm 2013 công ty bắt đầu khởi công lại dự án Cát Bà Amatina. Trong năm 2014, công ty đã chuyển mục đích sử dụng đất A3 thuộc dự án từ nhà ở cao tầng sang đất dạng biệt thự song lập và nhà liền kề, chia nhỏ diện tích lô đất từ 80 -150m2. Kết quả quý 4/2014 chủ yếu ghi nhận doanh thu từ khu đất A3 này.

Kết thúc năm 2014, CTCP taxi Gas Sài Gòn  Petrolimex (PGT) báo lãi sau thuế đạt 10,21 tỷ đồng trong khi năm 2013 lỗ hơn 21 tỷ đồng. Với kết quả này PGT đã hoàn thành vượt chỉ tiêu trên 30% so với kế hoạch ĐHCĐ đề ra đạt 33,7 tỷ đồng doanh thu và 7,13 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tuy nhiên điều quan trọng hơn cả là án hủy niêm yết có thể cũng được xóa bỏ đối với cổ phiếu này.

Khoáng sản Bắc Kạn (BKC) báo lãi ròng 8,3 tỷ đồng trong quý 4, lũy kế cả năm LNST đạt 8,54 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ ròng 20,88 tỷ đồng. Kết quả này mặc dù chưa được như kỳ vọng của cổ đông – mục tiêu lãi ròng 26 tỷ đồng nhưng cũng đủ để BKC có cơ hội tiếp tục ở lại sàn niêm yết khi doanh nghiệp này cũng đã báo lỗ trong cả 2 năm 2012 và 2013.

Đầu tư Xây dựng và Khai thác mỏ Vinavico (CTM) lãi ròng 3,95 tỷ đồng trong quý 4. Với mức lợi nhuận này đã giúp xóa lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm 2014, cả năm CTM lãi ròng 241 triệu đồng. Nếu sau kiểm toán con số lãi này vẫn được giữ nguyên thì CTM sẽ thoát được án hủy niêm yết bởi doanh nghiệp này đã thua lỗ trong cả hai năm liên tiếp là 2012 và 2013.

Mức lãi ròng khiêm tốn gần 28 triệu đồng tương đương EPS đạt 18 đồng trong năm 2014 cũng là vừa đủ để giúp Đá Xây dựng Hoà Phát (HPS) tiếp tục ở lại sàn HNX. Tại ĐHĐCĐ năm 2014, HPS lên kế hoạch đạt 104 triệu đồng LNTT.

Viglacera Đông Anh (DAC) mặc dù lỗ ròng gần 130 triệu đồng trong quý 4 nhưng lũy kế cả năm DAC vẫn có lãi 656 triệu đồng không chỉ vượt xa kế hoạch lãi trước thuế 72 triệu đồng được ĐHCĐ giao phó mà cổ phiếu này sẽ có cơ hội tiếp tục sát cánh cùng các doanh nghiệp khác nhà Viglacera. Năm 2012 và 2013, DAC đã lần lượt báo lỗ 4,5 tỷ đồng và 2,17 tỷ đồng. Hiện trên sàn niêm yết chỉ còn 5 doanh nghiệp họ Viglacera, Viglacera Đông Triều (DTC) đã tự nguyện hủy niêm yết từ ngày 22/03/2013 và chuyển sang giao dịch trên UPCoM từ ngày 10/04/2013. Tương tự, Viglacera Thăng Long (TLT) cũng tự nguyện hủy niêm yết từ ngày 28/02/2013 và chuyển qua giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 19/06/2013; trong khi Viglacera Bá Hiến (BHV) bị hủy niêm yết từ ngày 20/05/2014.

Nhiều thông điệp phát ra trong những ngày đầu năm 2015 đều có chung nhìn nhận năm 2015 sẽ làm năm bản lề của tái cấu trúc TTCK, bao gồm sáp nhập các sàn giao dịch, chuẩn bị triển khai TTCK phái sinh, ra đời các sản phẩm mới, CPH các DNNN giai đoạn cuối, chuẩn bị tiếp nhận hệ thống công nghệ thông tin mới… Các chuyển biến quan trọng trên sẽ mở ra giai đoạn phát triển mới cho TTCK Việt Nam, hứa hẹn nhiều cơ hội, nhưng cũng không ít thách thức cho các doanh nghiệp tham gia thị trường.

Mới đây, theo kết quả của một cuộc khảo sát do hãng tin Bloomberg thực hiện, chỉ số VN-Index của thị trường chứng khoán Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên mức cao nhất 7 năm, trong năm 2015. Kinh tế tăng tốc và giá cổ phiếu của Việt Nam thuộc loại rẻ nhất Đông Nam Á là những nhân tố dẫn tới sự tăng điểm này.

Với những nhận định trên có thể thấy việc các doanh nghiệp tiếp tục ở lại sàn niêm yết chứng khoán là doanh nghiệp sẽ có thêm nhiều cơ hội phát triển.

Thanh Tú

Thanh Tú

HNX&HSX

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên