Dư âm ĐHCĐ Vinamilk: Bà Mai Kiều Liên
Chứng kiến ĐHCĐ năm nay, ai cũng thấy, cổ đông Vinamilk hành động như thể sẵn sàng "chiến đấu", tranh cãi đến cùng nếu bất cứ quyết sách gì khiến Bà Mai Kiều Liên-đương kim Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk-bị ảnh hưởng.
Bà Mai Kiều Liên là một phụ nữ quá nổi tiếng trong giới doanh nhân với hàng loạt đóng góp cho nền kinh tế nước nhà nên chắc hẳn không cần một lời giới thiệu lý lịch trích ngang để quá thừa.
Đại hội cổ đông hôm nay, như những doanh nghiệp khác, Vinamilk đệ trình ĐHCĐ thông qua 8 quyết sách. Những vấn đề tại đại hội cũng đã được chúng tôi đưa tin trước đó. Dư âm còn lại sau một buổi đại hội kéo dài từ 8h sáng đến gần 13h chiều là hình ảnh một nhân vật: Bà Mai Kiều Liên.
Chuyện “một cổ đông lớn”
"Một cổ đông lớn gửi bản đề xuất lên chúng tôi 3 hôm trước, mong muốn đưa thêm vấn đề bầu bổ sung HĐQT độc lập trong ĐHCĐ lần này"- Bà Liên nói rõ ràng trước đại hội. Không một từ SCIC - một cái tên mà ĐHCĐ năm ngoái đã rất nóng khi phủ quyết kế hoạch ESOP tại ĐHCĐ-được nhắc đến.
Thế nhưng, không nói không rằng, hầu hết cổ đông tại hội trường đều đồng giơ phiếu phủ quyết. Có thể là do họ cảm thấy không thực sự có đủ thời gian nghiên cứu vấn đề này nên phủ quyết. Cũng có thể, họ cảm thấy có vấn đề.
Ngay sau ĐHCĐ, VPBS đã công bố nhận định: "VNM hiện có sáu thành viên trong HĐQT, nên việc có thêm ý kiến của thành viên độc lập sẽ có mức độ ảnh hưởng nhất định đến những quyết định sau này của HĐQT. Thêm vào đó, năm 2016 sẽ làm năm bà Mai Kiều Liên hết nhiệm kỳ, nên có thể sẽ có sự thay đổi mới về chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc. Do đó chúng tôi đánh giá việc đưa thêm người vào HĐQT lần này có ảnh hưởng lớn vị trí người dẫn đầu VNM trong nhiệm kỳ kế tiếp".
Giờ, những người không cặn kẽ đầu đuôi câu chuyện có thể bắt đầu hiểu chuyện.
Việc phủ quyết, quanh đi quanh lại, người liên quan nhiều nhất là bà Mai Kiều Liên.
Vẫn không một từ SCIC nào được thốt ra khi vấn đề phủ quyết đã được chốt. Người hóng chuyện phải vào tận website của Vinamilk mới tìm được văn bản cho hay: Đề xuất thêm Thành viên HĐQT độc lập là của SCIC!
Chuyện luật
Luật vốn dĩ là cái đau đầu nhất nhưng lại là vấn đề hay nhất hôm nay. Và chuyện luật-quanh đi quanh lại-cũng liên quan chủ yếu đến một người: Bà Mai Kiều Liên.
Cụm từ “đương nhiên bị miễn nhiệm” được nhắc đến nhiều hôm nay. Câu hỏi của cổ đông là: nếu bà Liên không còn là người đại diện phần sở hữu của SCIC tại Vinamilk do đến tuổi nghỉ hưu thì bà Liên có phải “đương nhiên bị miễn nhiệm” không.
Có lẽ, cổ đông sợ một Vinamilk không có Mai Kiều Liên.
Đứng trước đại hội, một cổ đông đã cho rằng việc “đương nhiên mất quyền HĐQT” khi không còn là đại diện phần vốn góp của bên nào đó là không phù hợp. Đề nghị công ty xem xét lại.
Và cũng được xem lại thật. Vấn đề thay đổi điều lệ công ty liên quan đến tư cách Thành viên HĐQT và Ban kiểm soát chưa được chốt lại lần này.
Chuyện tách chức danh Chủ tịch HĐQT với Tổng giám đốc
Đáng chú ý nhất trong ĐHCĐ lần này là chia sẻ của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Mai Kiều Liên. Bà Liên cho biết, bà đã kiêm nhiệm 2 chức năng Chủ tịch và TGĐ trong nhiều năm. Năm nay là năm bản lề để công ty đào tạo thế hệ người kế cận.
Công ty đệ trình ĐHCĐ tiếp tục thông qua vấn đề kiêm nhiệm này trong năm nay nhưng ghi vào biên bản ghi nhớ vấn đề không kiêm nhiệm này vào biên bản, uỷ quyền cho HĐQT quyết định việc tách chức danh này trong thời điểm phù hợp nhất.
Chuyện này chắc hẳn vẫn tốn nhiều thời gian tại đại hội cổ đông hơn nữa nếu không có lời giải thích cặn kẽ của bà Mai Kiều Liên: Hiện tại, tôi không còn là người đại diện phần vốn góp của SCIC nữa nên dù luật doanh nghiệp mới có quy định liên quan người đại diện vốn góp thì cũng không có gì ảnh hưởng đến tôi.
Vậy là, không phải do gì cả. Chỉ là do muốn tách 2 chức danh để Vinamilk sau này có định hướng đó, thế hệ người kế cận có dịp để trưởng thành nhanh hơn trong vai trò mới.
Đại hội cổ đông thở phào.
Chuyện ESOP
Năm nay, ĐHCĐ Vinamilk không nhắc đến vấn đề ESOP. Thế nhưng, một cổ đông đã đứng dậy và phát biểu tại đại hội: Đề nghị công ty quay trở lại thời kỳ phát hành ESOP. Tôi thấy việc bỏ ESOP là điều không cần thiết và chẳng mang lại lợi ích gì cho công ty cả.
Vẫn nhớ, hồi năm 2013, SCIC, cổ đông lớn nhất của Vinamilk (VNM), trong cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm đó đã kiên quyết phủ quyết kế hoạch ESOP với lý do được đưa ra: sợ pha loãng cổ phiếu mặc dù tỷ lệ pha loãng rất nhỏ.
Câu chuyện này đã là quá khứ. Lật lại hôm nay cũng không phải do chính những người lãnh đạo của VNM mà là cổ đông.
Đại hội cổ đông năm nay của Vinamilk đã khép lại. Ngoại trừ một số vấn đề SCIC đệ trình không được thông qua, ĐHCĐ đã chốt toàn bộ các nội dung khác về hoạt động sản xuất kinh doanh của năm. Mùa ĐHCĐ này không căng thẳng mấy khi hầu hết mọi e ngại của cổ đông đều chỉ xoay quanh một nhân vật và đã được giải thích thoả đáng.
>>>Trực tiếp ĐHCĐ Vinamilk: Năm nay tăng sản lượng, không tăng giá sữa
Phương Chi
Trí Thức Trẻ
Tin tức sự kiện về: Công ty cổ phần Cao su Việt Nam
Xem tất cả >>Sự kiện: Đại hội cổ đông năm 2015
Xem tất cả >>- Sau mâu thuẫn nội bộ, ĐHCĐ Xi măng Thái Bình tăng gấp 3 vốn điều lệ
- Trực tiếp ĐHCĐ OGC: Đang thương thảo chuyển nhượng toàn bộ OTL
- Trực tiếp ĐHCĐ Tập đoàn Công nghệ CMC: Cổ tức 8% vẫn "chưa cao"
- Thương mại và Đầu tư Vinataba nhượng quyền thuê dài hạn tại Khách sạn Movenpick
- ĐHCĐ Habeco: Câu chuyện với cổ đông chiến lược Carlsberg ra sao?